“Bệnh thành tích” gây cản trở công tác kiểm định chất lượng giáo dục
LTS: Kiểm định chất lượng giáo dục đã được Bộ GD&ĐT lựa chọn như một biện pháp để quản lí chất lượng và hiệu quả nhằm mục đích đánh giá hiện trạng, xác định chính xác các điểm mạnh, điểm yếu của các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn đề ra, từ đó xây dựng kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, hiện nay, cấp cơ sở đang tiến hành như thế nào? Trong bài viết này thầy giáo Bùi Minh Tuấn mạnh dạn chỉ ra điều đó.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Có thể khẳng định, công tác kiểm định chất lượng giáo dục nói chung và kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng là một nhiệm vụ cần thiết và quan trọng.
Công tác kiểm định nếu được tiến hành khoa học, khách quan, chính xác sẽ góp phần làm chuyển biến, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong tình hình hiện nay.
Kết quả của công tác kiểm định khi được thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng và cả dư luận đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
“Bệnh thành tích” và công tác kiểm định chất lượng ở các trường phổ thông hiện nay (Ảnh: thanhnien.vn)
Mặc dù vậy, do việc kiểm định chất lượng ở các trường phổ thông là một chủ trương mới nên trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ sở giáo dục còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay, phần lớn các trường ở bậc học phổ thông từ tiểu học đến THPT ở nhiều địa phương đều đã triển khai cho các bộ giáo viên tiến hành công tác tự kiểm định, đánh giá chất lượng của trường mình.
Tuy nhiên, mức độ triển khai, tiến độ công việc cũng như chất lượng của quá trình thực hiện kiểm định giữa các trường là chưa đồng đều.
Ở một số trường, do Ban giám hiệu nhận thức được ý nghĩa của công tác kiểm định, đã tích cực đôn đốc, chỉ đạo đơn vị mình thực hiện đúng quy trình của công tác tự đánh giá như:
Thành lập hội đồng tự đánh giá của trường; xây dựng kế hoạch tự đánh giá chi tiết; lập ra các nhóm chuyên trách để thu thập thông tin, minh chứng phục vụ cho quá trình kiểm định.
Bên cạnh đó, còn có không ít trường, Ban giám hiệu và cán bộ giáo viên chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng.
Từ đó, chưa thực sự tích cực trong quá trình triển khai, hoặc nếu có triển khai thì tiến hành hình thức, chiếu lệ, chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Trong quá trình tiến hành công tác tự kiểm định chất lượng giáo dục, đối tượng thực hiện là cán bộ giáo viên.
Mặc dù đã được nhà trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách thức tiến hành nhưng không ít giáo viên vẫn tỏ ra “lơ mơ”, lúng túng, không biết nên bắt đầu công việc từ khâu nào.
Do đây là chủ trương mới của Bộ GD&ĐT, việc thực hiện chưa có lộ trình phù hợp, chưa được tiến hành thí điểm, các trường chưa có mô hình để học tập, đúc rút kinh nghiệm nên “nghiệp vụ” trong công tác kiểm định của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Giáo viên một mặt phải “kiêm nhiệm” thêm công tác kiểm định trong khi vẫn phải tập trung hoàn thành công tác chuyên môn và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công.
Nghĩa là, vừa phải nghiên cứu tài liệu, soạn bài, lên lớp vừa phải lo hoàn thành nhiệm vụ kiểm định nhà trường đã giao phó nên quỹ thời gian trở nên eo hẹp, nhiều giáo viên cảm thấy bị phân tâm, làm việc theo kiểu “tranh thủ” nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác kiểm định.
Hiện cũng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí phục vụ cho việc kiểm định chất lượng ở trường phổ thông.
Do chưa có văn bản quy định, hướng dẫn, các trường cũng không thể chi trả tiền làm việc ngoài giờ đối với những giáo viên làm công tác kiểm định vì sẽ vi phạm nguyên tắc tài chính.
Khó khăn lớn nhất trong công tác kiểm định của các trường phổ thông là tính khách quan, chính xác, khoa học trong việc đánh giá thực trạng chất lượng của cơ sở giáo dục.
Trong đó, công tác lưu trữ các loại văn bản, tài liệu của một số nhà trường chưa tốt nên hệ thống thông tin minh chứng chưa đầy đủ. Giáo viên phải tự đi tìm các minh chứng để hoàn tất hồ sơ kiểm định của các nhân nhưng có những loại minh chứng bị thất lạc do thời gian tồn tại đã lâu khiến cho người kiểm định gặp khó khăn.
Do đó, dễ hiểu khi các báo cáo kiểm định của mỗi cá nhân vẫn có những mâu thuẫn trong việc phân tích những điểm mạnh, điểm yếu và kế hoạch cải tiến chất lượng. Trong việc mô tả nội dung các chỉ số thường chỉ mới nêu ra những nhận định chung, chưa sát thực, cụ thể.
Đặc biệt, các minh chứng đưa ra còn thiếu, chưa đủ sức thuyết phục, kế hoạch nâng cao, cải tiến chất lượng chưa bao gồm các giải pháp mang tính khả thi, chưa sát với yêu cầu của từng tiêu chí.
Một “lực cản” không nhỏ ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan của quá trình đánh giá, kiểm định là việc chạy theo thành tích.
Dù thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện cuộc vận động “ nói không với bệnh thành tích trong giáo dục ” nhưng “bệnh thành tích” vốn tồn tại dai dẳng bấy lâu nay vẫn còn chi phối một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên ở các trường phổ thông.
Từ quan niệm “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, nhiều báo cáo kiểm định mới chỉ chú trọng việc đề cao, tô đậm những ưu điểm, thành tích mà nhà trường đã đạt được.
Trong khi đó lại né tránh những vấn đề “nhạy cảm”, những hạn chế, bất cập của nhà trường.
Chính vì vậy, việc kiểm định chưa có ý nghĩa thiết thực, chưa thực sự giúp nhà trường nhận thức đúng về hiện trạng chất lượng giáo dục của trường mình để từ đó xây dựng được kế hoạch cải tiến hợp lý nhằm mục đích nâng cao chất luợng giáo dục một cách chắc chắn, tạo uy tín, “thương hiệu” của nhà trường trong phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội.
Do đó, khi mà “ bệnh thành tích ” chưa được đẩy lùi, chấm dứt triệt để thì công tác kiểm định chất lượng giáo dục ít nhiều sẽ còn mang tính hình thức, không phát huy được hiệu quả, tác dụng như mong muốn.
Bùi Minh Tuấn