Vì sao iPhone rất dễ hỏng khi mang sửa?
Hãy tưởng tượng, nếu như hãng xe Ford vô hiệu hóa từ xa động cơ chiếc xe mà bạn đang chạy, chỉ vì bạn đã trót sửa khóa cửa xe ở một garage gần nhà thay vì đến garage chính hãng - Nghe có vẻ điên rồ phải không? Nhưng với Apple, câu trả lời là Không.
Kể từ năm 2014, hãng smartphone lãi nhất thế giới - không một lời cảnh báo trước - đã vô hiệu hóa vĩnh viễn một số chiếc iPhone do chủ nhân của chúng đã đi thay nút Home ở các cửa hàng điện thoại địa phương sau khi màn hình bị vỡ. Những chiếc iPhone sửa lỗi tương tự ở các cửa hàng hoặc trung tâm bảo hành Apple chính hãng thì vẫn tiếp tục chạy tốt.
iPhone sửa lỗi tương tự ở các cửa hàng hoặc trung tâm bảo hành Apple chính hãng thì vẫn tiếp tục chạy tốt.
Thông điệp dường như không thể rõ hơn, ít nhất là cho ngành công nghiệp sửa máy độc lập: điện thoại của bạn chỉ là của bạn miễn là đừng mang nó đi sửa. Sau đó ư? Nó thuộc về Apple.
Apple phân trần rằng tất cả những gì hãng làm chỉ nhằm đảm bảo cho iPhone "an toàn và bảo mật", và rằng lỗi "53" - mã số hiện ra sau khi Apple biến một chiếc iPhone thành cục gạch - là biện pháp để đảm bảo không người dùng nào can thiệp được vào cảm biến vân tay của thiết bị. Nhưng dù mục đích là gì đi nữa thì Apple cũng đang trở thành mục tiêu của một cuộc tranh cãi pháp lý lẫn truyền thông ngoài ý muốn.
Gốc rễ của những cuộc tranh cãi là từ năm 2009, khi Apple bắt đầu sử dụng loại ốc vít độc quyền cho MacBook và sau này là iPhone, gây khó dễ cho tất cả những người dùng muốn tự mày mò sửa máy, cũng như các cửa hàng sửa chữa điện thoại can thiệp vào hệ thống. Dù sau này, các cửa hàng vẫn tự chế được loại tuốc-nơ-vít tương thích nhưng Apple đã cho thấy một thái độ không hề thiện chí dành cho bất kỳ ai muốn "động chạm" vào sản phẩm của họ. Hãng này cũng từ chối cung cấp tài liệu hướng dẫn sửa chữa thiết bị, không chia sẻ thông tin về việc chẩn đoán các lỗi phần cứng và phần mềm. Nói cách khác, Apple chỉ muốn khách hàng sử dụng dịch vụ do hãng cung cấp mà thôi.
Tất nhiên, đây không phải là mô hình kinh doanh chưa từng có tiền lệ. Từ nhiều thập kỷ qua, các hãng ô tô đã làm mọi cách để các garage độc lập khó tiếp cận với các phụ tùng, linh kiện gốc.
Năm 2000, dưới sự đe dọa của quyền "được tự do sửa chữa", các hãng xe, đại lý và trung tâm dịch vụ tại Mỹ đã thành lập một liên minh để chia sẻ thông tin về việc sửa chữa các dòng xe công nghệ cao. Tuy vậy, do việc tham gia là tình nguyện nên các dữ kiện được chia sẻ không có nhiều giá trị.
Đến năm 2012, bang Massachusetts quyết định yêu cầu các nhà sản xuất phải cung cấp thông tin cụ thể, cũng như các "đồ nghề" cho các cửa hàng/garage sửa chữa bình đẳng với các đại lý độc quyền. Lo sợ các bang khác sẽ học theo, liên minh các hãng xe đã đồng ý sẽ áp dụng luật này thành tiêu chuẩn ngành vào năm 2018.
Thế nhưng ngành điện tử thì chưa được may mắn như vậy, dù người ta hy vọng thái độ quyết liệt của Apple trong việc kiểm soát thông tin có thể khiến nhiều bang "nóng mắt" và xây dựng các quy định đòi hỏi các hãng công nghệ phải chia sẻ thông tin sửa chữa, cũng như bán lại linh kiện chính hãng với giá "bình đẳng".
Nhưng chừng nào luật chưa được ban hành, chừng đó khách hàng vẫn phải chơi theo luật của Táo khuyết, và rủi ro vẫn giăng đón phía trước những con dế iPhone mang đi sửa linh kiện.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Vi-sao-iPhone-rat-de-hong-khi-mang-sua/c/18665264.epi