TPHCM dẫn dầu về chỉ số thương mại điện tử

on .

Theo bản báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), TPHCM tiếp tục dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử, tiếp theo là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng…

Theo bản báo cáo về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2015 (Vietnam eBusiness Index - EBI 2015) do VECOM công bố vào cuối tháng 1 vừa qua, tốp năm tỉnh, thành phố có mức độ ứng dụng thương mại điện tử cao nhất là TPHCM (73,3 điểm), Hà Nội (72 điểm), Đà Nẵng (62,2 điểm), Bình Dương (55 điểm) và Hải Phòng (54,4 điểm).

Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 được công bố dựa trên bốn chỉ số thành phần, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) và giao dịch giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp (G2B). Tính gộp cả bốn chỉ số thì TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều là những địa phương dẫn đầu.

Hai vị trí đầu bảng là Hà Nội và TPHCM đã “tranh tài cao thấp” ở bốn nhóm chỉ số thành phần. Nếu như Hà Nội vượt qua TPHCM ở chỉ số hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực (84,6 điểm so với 80,2 điểm) thì TPHCM lại giành điểm cao hơn Hà Nội ở các chỉ số còn lại G2B (77,7 điểm so với 76 điểm), B2C (70,2 điểm so với 68,9 điểm) và B2B (67,8 điểm so với 61 điểm). TPHCM chỉ thấp điểm hơn Đà Nẵng ở chỉ số G2B (77,7 điểm so với 79 điểm).

Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 được xây dựng trên cơ sở các cuộc khảo sát trên gần 5.000 doanh nghiệp trên cả nước, tăng gần 50% so với năm 2014. Chỉ số EBI vẫn tiếp tục được xây dựng từ bốn chỉ số thành phần chính là hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, các giao dịch B2C, B2B và G2B. Tuy nhiên, từ năm 2015 việc xây dựng ba chỉ số đầu tiên có xem xét thêm các tiêu chí về tên miền, mức thu nhập của cư dân và số doanh nghiệp bình quân theo dân số của mỗi địa phương.

Theo người đại diện của VECOM, chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương dẫn đầu và các địa phương có số điểm thấp. Cuộc thống kê cho thấy, khoảng cách chênh lệch của điểm trung bình của nhóm năm tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất (63,4 điểm) so với nhóm năm tỉnh, thành phố có chỉ số thấp nhất (32,9 điểm) lên tới hơn 30,5 điểm, cao hơn khoảng cách chênh lệch 20,3 điểm vào năm 2014 và 18 điểm vào năm 2013.

Kết quả thống kê chỉ số EBI của ba năm 2013-2014-2015 cho thấy sự chênh lệch về mức độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử ở các địa phương đang tăng dần theo thời gian. Các tỉnh, thành phố lớn tiếp tục dẫn đầu ở các chỉ số hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, giao dịch thương mại điện tử … Hiện tại, các tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Dương và Hải Phòng chỉ có thể so sánh về chỉ số G2B với TPHCM và Hà Nội, về các chỉ số còn lại đều có khoảng cách chênh lệch rất lớn.

Xét trên ba chỉ số giao dịch thương mại điện tử phổ biến là B2C, B2B và G2B thì trong vòng ba năm qua cả ba loại hình giao dịch này đều phát triển tốt, các doanh nghiệp đã có sự đầu tư, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau (trang web, thiết bị di động…). Điển hình như nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm trên các thiết bị di động tăng nhanh trong thời gian gần đây, đã có 26% số trang web có phiên bản di động trong năm 2015, cao hơn so với tỷ lệ 15% của bản báo cáo chỉ số EBI 2014. Đặc biệt, có 28% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết đã sử dụng các mạng xã hội cho việc kinh doanh, tăng 4% so với năm 2014. Theo VECOM, mạng xã hội đã trở thành phương tiện kinh doanh quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM, cho biết chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 đã phản ảnh quy mô giao dịch trực tuyến ở Việt Nam đang tăng nhanh so với năm 2014, các loại hình giao dịch thương mại điện tử phát triển mạnh, tuy nhiên, vẫn tồn đọng một sự trở ngại chưa có giải pháp tháo gỡ thực sự có hiệu quả nằm ở lòng tin của người tiêu dùng đối với việc mua sắm trực tuyến.

Ngoài ra, VECOM cũng đưa ra một số ý kiến nhận định liên quan đến việc phát triển thương mại điện tử trong nước. Đó là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của thương mại điện tử; các loại hình thanh toán điện tử vẫn chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động kinh doanh trực tuyến; Nhà nước buộc phải đóng vai trò lớn trong sự phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới…

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/142618/TPHCM-dan-dau-ve-chi-so-thuong-mai-dien-tu.html