Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ nhân đạo ứng phó với hạn, mặn lịch sử
Người dân tại Ninh Thuận nhận nước từ đoàn hỗ trợ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Để đối phó có hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang tiếp tục diễn ra ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kêu gọi và đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn thực hiện đắp đập tạm, đào ao, khoan giếng, vận chuyển nước sinh hoạt, nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt, máy lọc nước hộ gia đình….
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế tài trợ vốn các dự án ODA về xây dựng công trình và nâng cao năng lực quản lý để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Những giải pháp này vừa được đưa ra tại Hội nghị với các đối tác, nhà tài trợ đối phó tình hình hạn, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 15/3, tại Hà Nội.
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các địa phương này được xem tình huống thiên tai lịch sử từ trước đến nay của Việt Nam. Hiện nay, tình trạng này đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống hàng triệu người dân.
“Tình trạng này sẽ còn nghiêm trọng hơn trong những tháng tới. Cụ thể, tại Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn dự báo sẽ đạt đỉnh diểm vào tháng 4 và kéo dài ảnh hưởng tới tháng 5, 6; Trung bộ đỉnh điểm khô hạn có thể là tháng 4, 5; Tây Nguyên hy vọng tháng 5 hoặc 6 sẽ có mưa; còn Ninh Thuận, Nam Trung Bộ có thể tới tận tháng 9 mới có mưa. Hiện nay, nhiều hồ chứa ở các vùng này đã khô cạn trơ đáy, giếng nước cũng không còn nước,” Bộ trưởng Phát lo lắng.
Theo Bộ trưởng, đợt thiên tai lịch sử này đã khiến lượng mưa tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm 20-30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trên sông Mekong chảy về Việt Nam giảm khoảng 50%.
Mặt khác, trong tháng 1 và 2, thủy triều dâng cao hơn bình thường nhiều năm nên xảy ra xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Nhiều nơi, xâm nhập mặn vào sâu tới 70-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-30km.
Cánh đồng lúa bị cháy vàng, chân ruộng nứt toác tại Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Tính riêng năm 2015, ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Do đó, trước mắt Chính phủ Việt Nam cung cấp khoảng 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh thực hiện hỗ trợ khẩn cấp để xây dựng trạm bơm bơm nước ngọt nơi có thể chứa, xây dựng cấp bách hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống trồng vụ lúa sau đối với vùng lúa chết.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt đồng thời với phương châm không để người dân nào đói, các địa phương tiến hành thống kê hộ dân thiếu lương thực và cấp 15kg gạo/người/tháng.
“Việt Nam đã làm hết sức có thể, tuy nhiên, ‘cuộc chiến’ với thiên tai vẫn còn vô cùng nan giải và chưa biết khi nào có hồi kết. Do đó rất cần sự chung tay vào cuộc của các đối tác quốc tế,” Bộ trưởng Cao Đức Phát kêu gọi./