Những điều thú vị về bộ não con người
Sự thật: Xem một bức ảnh còn khó hơn chơi cờ
Khi các nhà khoa học máy tính thử viết chương trình mô phỏng khả năng con người, họ tìm thấy khá dễ để bắt máy tính tuân theo logic và làm các phép tính phức tạp, tương tự như đi các nước cờ - nhưng lại rất khó để bắt máy tính hiểu được nó đang nhìn cái gì trong một bức hình.
Chương trình máy tính tốt nhất ngày nay có thể đánh bại một đại kiện tướng, nhưng bất kỳ một em bé nào cũng đánh bại phần mềm hàng đầu trong việc khám phá thế giới hình ảnh.
Nguyên nhân bắt nguồn từ sự khó khăn trong việc nhận ra các vật thể riêng biệt. Bạn chỉ có thể cảm nhận được sự mập mờ này khi bạn nhìn qua loa một vật gì đó khiến bạn tưởng nhầm - giống như một tảng đá ở giữa đường tối bỗng hóa ra là một con mèo.
Sai lầm: Bạn chỉ sử dụng khoảng 10% bộ não
Thực tế, ngày nào bạn cũng tận dụng toàn bộ trí não. Sự thật là kể cả những nhiệm vụ đơn giản nhất cũng tạo ra hoạt động trong cả bộ não.
Sự thật: Ngáp đánh thức não
Chúng ta thường gắn hành động ngáp với sự buồn ngủ và chán chường, nhưng thực tế hành động đó giúp thức tỉnh chúng ta. Nó sẽ mở rộng khí quản, đưa không khí vào trong phổi và oxy vào trong máu, giúp chúng ta tỉnh táo hơn.
Ngáp cũng lây lan. Không ai rõ vì sao, nhưng có thể đó là lợi thế giúp mỗi người truyền cho nhau thông báo cần cảnh giác.
Sai lầm: Người mù nghe rõ hơn
Trong các cuộc kiểm tra, người mù không phát hiện những âm thanh yếu tốt hơn người khác. Nhưng người mù có trí nhớ tốt hơn. Do họ không thể dựa vào hình ảnh để nhận biết các vật, họ phải ghi nhớ liên tục, nên mài giũa thêm khả năng ghi nhớ không gian.
Họ cũng thực hiện tốt hơn các bài tập ngôn ngữ, bao gồm hiểu được nghĩa của câu, chỉ ra nguồn gốc của âm thanh - một cách giúp họ xác định vị trí của vật thể.
Sự thật: Trò chơi điện tử giúp bạn linh hoạt hơn
Thế giới hiện đại tràn ngập các hoạt động không ngừng nghỉ - tin nhắn, email, video game, và tất cả dường như xảy ra đồng thời. Nếu bạn hơn 30 tuổi, bạn có thể tự hỏi tại sao bọn trẻ không bị ngộp thở bởi tất cả những hoạt động này. Nhưng não của chúng đơn giản đã được rèn luyện để đối phó với điều đó. Nhữnghoạt động đa di năng kéo dài sẽ gia tăng khả năng của con người trong việc chú ý tới nhiều thứ cùng một lúc.
Một trong những nguồn của dạng hoạt động này chính là các trò chơi điện tử, trong đó mục tiêu là bắn được nhiều kẻ thù càng tốt trước khi chúng bắn hạ chúng ta. Các trò chơi kiểu này yêu cầu người chơi phải phân bổ sự chú ý trên khắp màn hình, đồng thời nhanh chóng phát hiện và phản ứng với sự kiện.
Vì vậy cho con trẻ chơi game điện tử không hẳn là một điều xấu
Sai lầm: Não to khiến bạn thông minh hơn
Kích cỡ bộ não không phản ánh trí thông minh của bạn. Xét cho cùng, não Einstein không hề to hơn não của một người bình thường.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy trí thông minh của chúng ta phụ thuộc vào thời điểm các khớp thần kinh được hình thành. Các khớp thần kinh này phát triển và co lại trong suốt thời thơ ấu và dậy thì, và mô hình của quá trình này sẽ ảnh hưởng tới trí thông minh.
Sự thật: Tập thể dục giúp não khỏe mạnh
Hãy quên đi các trò chơi đố chữ hay sudoku, hoạt động thể chất mới giúp não bạn khỏe mạnh khi về già.
Khi hệ tuần hoàn của bạn già đi, lượng máu cung cấp tới các tế bào thần kinh bị sụt giảm, khiến chúng thiếu đi lượng oxy và glucose cần thiết. Tập thể dục thường xuyên sẽ gia tăng số lượng mạch máu nhỏ trong não, từ đó đẩy mạnh lượng cung cấp oxy và glucose tới tế bào thần kinh.
Thực tế, tập thể dục là điều duy nhất có ích để duy trì năng lực nhận thức khi về già. Những ai từng là vận động viên suốt quãng đời trẻ tuổi sẽ có năng lực trí não tốt hơn những người ít hoạt động trong cùng độ tuổi.
Để đạt hiệu quả, nên tập thể dục mỗi lần 30 phút, vài lần trong tuần, nhưng không nhất thiết phải thật mạnh mẽ.
Sự thật: Não bạn có công suất không bằng một bóng đèn tủ lạnh
Thông điệp giữa các tế bào não và toàn bộ cơ thể được truyền tải bởi điện - nhưng chỉ với lượng rất nhỏ. Não người chỉ sử dụng khoảng 12 watt điện năng, ít hơn năng lượng để thắp sáng một bóng đèn phía sau tủ lạnh.
Mặc dù bộ não tỏ ra khá hiệu quả, nhưng nó cũng rất lãng phí. Chỉ chiếm 3% cân nặng cơ thể, nhưng lại tiêu tốn 1/6 năng lượng toàn bộ cơ thể.
Sai lầm: Nghe nhạc Mozart khiến trẻ thông minh hơn
Không có bằng chứng khoa học nào cho điều này.
Sai lầm bắt đầu từ năm 1993, khi tạp chí khoa học Nature đăng tin rằng nghe 10 phút một bản sonata của Mozart sẽ thúc đẩy khả năng thực hiện bài kiểm tra tư duy của các sinh viên đại học.
Ý tưởng được nhắc lại vài năm sau đó bởi một thống đốc bang của Mỹ. Ông đã cho các thành viên nghị viện nghe bản Ode To Joy của Beethoven và yêu cầu 100.000 USD để gửi các đĩa nhạc cổ điển cho các bà mẹ mới sinh con trong bang.
Hiệu ứng Mozart bắt nguồn từ đó - bất chấp thực tế rằng chưa ai kiểm chứng điều đó trên trẻ em. Nhưng ý tưởng nhạc cổ điển khiến trẻ thông minh hơn đã được nhắc đi nhắc lại trên các tạp chí, sách vở, tài liệu và các câu chuyện về hiệu ứng nhạc Mozart đối với sinh viên được thay thế bằng trẻ sơ sinh.
Nhưng cho dù nhạc cổ điển không cải thiện trí não cho trẻ thì nó cũng khuyến khích chúng chơi nhạc. Những trẻ em học một loại nhạc cụ sẽ có khả năng tư duy không gian tốt hơn.
Sự thật: Những giai điệu ngớ ngẩn rất khó quên
Không có gì khó chịu hơn một câu hát nào đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu bạn. Nguyên nhân bắt nguồn từ khả năng ghi nhớ các chuỗi sự kiện của não.
Chúng ta cần phải ghi nhớ một loạt các sự kiện hằng ngày, từ việc pha cà phê buổi sáng tới con đường cần đi để đến nơi làm việc.
Khả năng ghi nhớ này khiến cuộc sống hằng ngày diễn ra xuôn sẻ. Và khi bạn nghĩ về một giai điệu bài hát nào đó, não bạn cũng tự động gắn nó vào trong chuỗi sự kiện đó. Điều này khiến bạn luôn nhớ lại câu hát và tiếp tục tăng cường sự ghi nhớ. Chính chu kỳ này giúp bạn lưu giữ các ký ức.
Một cách để loại bỏ mô hình này là nghĩ đến một sự kiện khác để thay thế cho dữ kiện cũ. Vì vậy hãy tìm một bài hát khác và hy vọng rằng nó sẽ dễ chịu hơn là giai điệu khó chịu kia.
Thực tế: Bạn không thể cù chính mình
Lý do là bởi não bạn tập trung vào những điều đang xảy ra ở thế giới bên ngoài, để ngăn chặn việc những tín hiệu quan trọng bị chìm nghỉm trong mớ hỗn độn các cảm giác do chính hành động của bạn gây ra. Chẳng hạn, bạn sẽ không nhận ra sự tiếp xúc của tất trên chân, nhưng bạn lại nhận ra một cái vỗ lên vai. Mọi người sẽ không thể cảm nhận được cảm giác nhột do mình tạo ra bởi não biết rằng chính tay bạn làm điều đó.