'Kịch bản' đối phó với hạn mặn của Sài Gòn

on .

Hợp tác chặt chẽ các hồ đầu nguồn sẵn sàng xả nước đẩy mặn, tăng cường xe bồn cấp nước cho dân, xây bể chứa nước thô trên sông Sài Gòn... là những giải pháp TP HCM đưa ra trước hạn mặn kéo dài.

Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão – Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn TP HCM – vừa gửi thông báo khẩn đến các quận huyện vùng ven về tình hình xâm nhập mặn ở các sông, rạch trên địa bàn.

Đại diện chi cục cho biết, hiện nồng độ mặn trên các sông đã tăng và diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của triều cường. Tại Mũi Nhà Bè và Cầu Ông Thìn độ  mặn đạt ngưỡng 14-16 phần nghìn; trạm Cát Lái, Thủ Thiêm độ mặn dao động ngưỡng 9-12 phần nghìn.

Trước diễn biến hạn mặn phức tạp, chi cục Thủy lợi đề nghị cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh các giải pháp phòng chống phù hợp với điều kiện thời tiết. Hiện, nó đã tác động đến nhiều lĩnh vực như nước tưới nông nghiệp, nước phục vụ công nghiệp... và thiếu nước thô cho các nhà máy xử lý nước sinh hoạt cho người dân gặp khó khăn nhất. 

nguoi-sai-gon-phai-tiet-kiem-nuoc-truoc-han-man-keo-dai

Hoạt động cấp nước của TP HCM bị ảnh hướng nghiêm trọng vì hạn mặn. Ảnh: H.C

Ông Bùi Thanh Giang – Phó tổng giám đốc công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) – cho biết, lượng nước bổ cập cho hồ chứa ở thượng nguồn suy kiệt khiến lưu lượng dòng chảy trên sông Sài Gòn giảm nhanh. Dòng chảy giảm, triều cường tăng dẫn đến mặn vào sâu các con sông, làm hoạt động của những trạm bơm bị gián đoạn.

Độ mặn vượt quy chuẩn khá cao buộc nhà máy nước Tân Hiệp, Bình An, Thủ Đức… phải ngừng lấy nước thô trong nhiều giờ. "Độ mặn như vầy không thể bơm lên xử lý vì máy móc chưa cho phép biến nước mặn thành nước sinh hoạt. Nhưng nhờ dự báo kịp thời, hiện chúng tôi vẫn đảm bảo được việc cung cấp nước sạch cho thành phố", ông Giang nói.

Ông này cho biết thêm, Sawaco sẽ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị hồ đầu nguồn sẵn sàng xả nước đẩy mặn. Đơn vị này cũng yêu cầu những nhà máy không nhiễm mặn hoạt động hết công suất để bổ trợ nước vào hệ thống thay thế nhà máy ngưng hoạt động. Cụ thể, công ty này đã đề nghị nhà máy nước Kênh Đông tăng công suất để bổ trợ nước sạch cho nhà máy Tân Hiệp.

Tại các khu vực có nguy cơ nước yếu do nằm cuối nguồn như Chợ Lớn, quận 6, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh… đơn vị này tăng cường hệ thống xe bồn, sẵn sàng cấp nước. Hệ thống giếng ngầm cũng sẵn sàng vận hành bổ sung khi nguồn nước thiếu hụt.

Về lâu dài, Sawaco sẽ triển khai các nghiên cứu cải tiến và tối ưu hóa các nhà máy xử lý nước. Xây dựng thêm các bệ chứa trên nhà máy và mạng lưới, triển khai các giải pháp chuyển đổi trạm giếng sang dự phòng.

"Chúng tôi có kế hoạch xây bể chứa nước thô trên sông Sài Gòn vì bị xâm nhập mặn nặng nhất. Lập đường dây khai thác nước trực tiếp từ các hồ đầu nguồn như Trị An, Dầu Tiếng để phục vụ người dân lâu dài", ông Giang nhấn mạnh.

nguoi-sai-gon-phai-tiet-kiem-nuoc-truoc-han-man-keo-dai-1

Hoạt động nông nghiệp ở Sài Gòn bị ảnh hưởng vì thiếu nước tưới. Ảnh minh họa:Duy Trần

Trước hạn mặn diễn biến phức tạp, việc duy trì nguồn nước tưới cho hơn 75.000 ha đất nông nghiệp cũng là bài toán khó với cơ quan chức năng. Chi cục Thủy lợi thành phố ra thông báo yêu cầu các đơn vị tiết kiệm, xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

Với diện tích lúa ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... cần chủ động ngăn mặn, giữ ngọt, xổ phèn đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Phía công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cũng đề nghị các địa phương khuyến cáo người dân tiết kiệm nước tưới. Hạn chế trồng lúa và chuyển sang cây chịu hạn như mía, mì... Không mở các vùng sản xuất mới.

Trong kịch bản xấu nhất, công ty sẽ ngưng nước tưới cho nông nghiệp, chỉ cấp nước cho mục đích sinh hoạt và công nghiệp vì ngành này có giá trị cao hơn. "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các kịch bản, nếu diễn biến thời tiết cực đoan chúng tôi sẽ dành nước cho sinh hoạt, lĩnh vực công nghiệp. Người dân cũng cần phải sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý", ông Bùi Xuân Đại – Phó giám đốc công ty thủy lợi Dầu Tiếng nói.

Ông Phạm Thế Vinh - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam – đề ra giải pháp qua hai giai đoạn. Theo ông, đầu tiên phải dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn cho địa phương để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước. "Tiếp đó chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể như xây các cống ngăn mặn, xây các đảo nhân tạo thu thập nước mặn ngoài cửa sông để hạn chế dòng triều. Những phương án này đòi hỏi nhiều tiền bạc, thời gian", ông Vinh nói.

kich-ban-doi-pho-voi-han-man-cua-sai-gon-2

Trữ lượng hồ Dầu Tiếng năm nay chỉ đạt 70-80% so với các năm trước. Ảnh: Thanh Tuyết

Hồi đầu năm, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, hiện tượng El Nino có thể đạt cường độ mạnh kỷ lục năm 1997-1998 và kéo dài đến hết mùa đông xuân năm nay. 

Ngoài cường độ mạnh, El Nino năm 2015-2016 được cho là sẽ kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Khả năng mùa mưa sẽ đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa, dòng chảy hầu hết khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Vì vậy mực nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện đều thấp hơn cùng kỳ 2014 và TP HCM được nhận định là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng.

Duy Trần

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/kich-ban-doi-pho-voi-han-man-cua-sai-gon-3369599.html