Du học sinh Việt kể về quyền tự chủ ở ĐH Mỹ
Bằng việc trao cho SV quyền lựa chọn, bảo vệ quan điểm và yêu cầu SV trung thực, có trách nhiệm với những lựa chọn - trường ĐH Mỹ chuẩn bị cho SV kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh để có một cuộc sống tự chủ sau khi tốt nghiệp.
Chọn lớp - xây dựng ý thức tự chủ
Khác với ĐH Việt Nam - ĐH Mỹ không chia lớp hay quy định khóa học cho mỗi lớp. Mỗi chuyên ngành có những lớp bắt buộc và tự chọn, SV dựa vào đó để đăng ký lớp (tối đa 18 tín chỉ một kì, mỗi lớp từ 3-5 tín chỉ).
Nếu thấy không phù hợp, trước giữa kỳ, SV có thể đăng ký bỏ.
Tôi từng gặp nhiều anh chị học chuyên ngành khoa học tự nhiên nhưng lấy nhiều lớp nhân văn, nghệ thuật và ngược lại. Nếu trường không có khóa như ý thì họ chủ động đọc sách, học khóa hè hoặc học online.
Hỏi vì sao, họ đáp: "Vì thấy thú vị và cần thiết." Như vậy, SV hoàn toàn tự chủ và chịu trách nhiệm về việc học của mình. Trường học cung cấp công cụ và cơ hội, nhưng SV phải tự tìm ra cho mình hướng đi riêng cho mình.
Trải nghiệm giáo dục phong phú này hướng đến việc học suốt đời tự do và khai phóng. Một GS khoa Đông phương học của tôi lấy bằng cử nhân và thạc sĩ ở ĐH Stanford ngành Toán ứng dụng và Tài chính, nhưng lại làm tiến sĩ ở ĐH Columbia về văn học Nhật Bản. Tư duy logic có được từ thời gian học Toán vẫn rất có ích với cô khi học văn.
Tốt nghiệp một ngành không có nghĩa sau này chắc chắn làm việc/học cao học liên quan tới ngành đó, và phải rẽ hướng khác là một lựa chọn bất đắc dĩ. Tấm bằng là sự ghi nhận khả năng trong một lĩnh vực sau 4 năm ĐH, nhưng không giới hạn khả năng trong những lĩnh vực khác.
Trong một hoạt động ở Washington DC.
Ảnh: VietNamNet
Thảo luận - bàn đạp cho tư duy phản biện
Một lớp ở ĐH Mỹ đa dạng về sĩ số - có lớp chỉ 5 người, có lớp lên tới hàng trăm. Nhưng dù trong trường hợp nào, thảo luận vẫn là yếu tố không thể thiếu.
Ví dụ, một buổi học trong lớp Philosophy of History (Triết học Lịch sử) của tôi diễn ra như sau: SV được giao bài đọc dài 50 trang bàn về quan điểm, phương pháp của một số nhà sử học theo quan điểm hậu hiện đại (đã được tải lên nhóm lớp từ 1 tháng trước).
Đầu buổi, giảng viên cho SV 5 phút xem lại bài đọc, xếp những nhà sử học này vào một bảng lớn, so sánh họ với những nhà sử học theo các thuyết khác.
Từ đó, giảng viên đặt ra câu hỏi về những điểm giống và khác nhau trong quan điểm của họ về những vấn đề như: bản chất của nhân quả, quan hệ giữa con người và xã hội.
Cuộc thảo luận nhiều khi dẫn tới những quan điểm xung khắc. Giảng viên - bằng các câu hỏi định hướng và slideshow, có vai trò điều phối cuộc thảo luận, tránh lạc đề nhưng không áp đặt cách nhìn của mình.
Như thế, việc học không phải là hoạt động một chiều từ giảng viên tới SV. Trải nghiệm giáo dục của mỗi SV, kể cả trong cùng một lớp, là riêng biệt. Giảng viên là người đi trước, giúp SV có được môi trường, phương pháp, công cụ tiếp thu tri thức, song, mỗi SV phải biết bảo vệ quan điểm của mình và cởi mở, sẵn sàng suy nghĩ nghiêm túc về những quan điểm khác mình.
Vẫn có những ý quan trọng cần thống nhất, nhưng nếu không đồng ý, SV có thể đặt câu hỏi để cả lớp cùng xem xét. Đôi khi, những câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn lại có thể hé lộ một ý hay của tác giả mà hầu hết mọi người bỏ qua. Nếu chưa bị thuyết phục bởi kết quả thảo luận hoặc điểm thi, hoặc muốn tìm hiểu thêm về một ý trong bài, SV có thể tới gặp giảng viên để trao đổi thêm.
Giảng viên đôi khi dựa vào phản hồi của SV để thay đổi phương pháp, tài liệu trong quá trình đứng lớp.
Thực tế, giảng viên ở đây vẫn thường nói: "I may be wrong"(Tôi có thể sai), như một cách khuyến khích tư duy phản biện.
"Spring festival" là lễ hội mùa xuân của học sinh châu Á.
Ảnh: VietNamNet.
Nghiên cứu - không thể như con vẹt
Nếu như việc chọn lớp cho SV quyền được lựa chọn, thảo luận cho SV quyền có quan điểm thi việc nghiên cứu yêu cầu SV phải có quan điểm được bảo vệ vững chắc. Cho paper cuối kì của lớp "Communicating in music" (Giao tiếp bằng âm nhạc) tôi viết bài luận 10 trang để chứng minh: "Ca trù có giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc."
Nhìn vào thesis (câu luận điểm) rất "dĩ hòa vi quý" của tôi, GS nhận xét: "Em đã làm rất tốt việc tra cứu thông tin, nhưng không được coi là nghiên cứu. Để trình bày đầy đủ về ca trù thì cả chồng sách dày cũng không viết hết, nhưng cô muốn paper này thể hiện cách tiếp cận của riêng em".
Tôi giật mình nhận ra mình vẫn giữ thói quen viết văn thuyết minh kiểu truyền thống: không cần trải nghiệm hiện tượng mà chỉ sưu tập nhận định của các chuyên gia để sắp đặt lại....
Theo tìm hiểu của tôi, không phải đợi tới đại học mà ngay từ tiểu học - HS Mỹ đã được dạy rằng bất cứ công trình nào - dù đơn giản hay công phu, đã là nghiên cứu thì phải thể hiện quan điểm cụ thể.
Quan điểm ấy có thể đồng nhất hay khác biệt với những quan điểm đã có, nhưng phải là một ý kiến được chứng minh sau quá trình suy nghĩ nghiêm túc, chứ không chỉ sưu tập các nhận định của chuyên gia rồi tung hê như một con vẹt.
Các GS cũng luôn nhắc nhở chúng tôi: "Dù quan điểm có mới mẻ, độc đáo đến đâu, các em phải luôn chủ động tìm tòi và xem xét nghiêm túc các ý kiến trái với giả thiết của mình, sẵn sàng thay đổi giả thiết nếu có đủ bằng chứng. Nếu chỉ chú tâm tìm những nguồn thuận mình, vội vàng bác bỏ những nguồn nghịch mình, thì cũng là không khách quan, trung thực trong khoa học."
Sự khác biệt
Đôi lúc, tôi cũng cảm thấy hoang mang với sự tự do học thuật của ĐH Mỹ: khi những quan điểm khác nhau về cùng một sự việc đều được ghi nhận, thì cuối cùng, điều đúng là gì?
Tôi đem thắc mắc này hỏi GS Tâm lý học thì nhận được lời khuyên: "Người ta không thể chọn điều gì là tốt nhất cho thế giới, nhưng có thể chọn điều phù hợp nhất cho bản thân mình, ở từng thời điểm."
Nhớ lại, trước mỗi buổi họp toàn trường, chúng tôi đều được đọc cam kết:"Tôi hiểu rằng phát biểu của mình thể hiện quan điểm của tôi, và chỉ cá nhân tôi. Tôi không mặc định mình đại diện cho một ai, hoặc nhân danh một lý tưởng nào."
Cuộc tranh luận về giáo dục ở Việt Nam thường đặt ra vấn đề ra trường làm trái ngành trái nghề. ĐH Mỹ dạy tôi rằng: trường ĐH không chỉ là nơi dạy nghề, mà là nơi tôi rèn luyện nền tảng kiến thức, kĩ năng, định hướng cho việc học suốt đời.
Trường ĐH cung cấp điều kiện và công cụ để tôi khám phá thế giới học thuật, nhưng bản thân tôi mới là người lựa chọn và chịu trách nhiệm cho việc học của mình - một trải nghiệm giáo dục riêng biệt của cá nhân tôi, phù hợp với sở trường và nguyện vọng của tôi.
Học không chỉ để rèn luyện tư duy phản biện mà còn để nuôi dưỡng trái tim rộng mở bao dung: có ý kiến độc lập của mình nhưng vẫn ghi nhận và tôn trọng những ý kiến của người khác.
Cảm được triết lý ấy từ qua một năm học ở Earlham - tôi mới hiểu được phần nào câu nói của Malcom Forbes: "The purpose of education is to replace an empty mind with an open one." (Mục đích của giáo dục là thay thế một cái đầu rỗng không bằng một cái đầu rộng mở".
Theo Quỳnh Anh (từ ĐH Earlham, Hoa Kỳ)/Vietnamnet
Nguồn: http://www.baomoi.com/du-hoc-sinh-viet-ke-ve-quyen-tu-chu-o-dh-my/c/19036892.epi