Sản phẩm của Apple bảo mật đến đâu khi FBI hack được iPhone?
FBI đã hack được iPhone mà không cần đến Apple
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cơ quan điều tra đã sử dụng các kỹ thuật mới để hack chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố. Kết quả là chính phủ "không còn đòi hỏi sự trợ giúp từ Apple" để xâm nhập vào thiết bị - yêu cầu mà công ty công nghệ Mỹ một mực từ chối trước đó.
Với kết quả này, cuộc chiến giữa Apple và FBI bước sang một trang mới. Trong khi các nhà thực thi pháp luật có thể điều tra và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, thì Apple vẫn thể hiện được hãng luôn bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Tuy nhiên bước tiến của FBI đặt ra câu hỏi, những sản phẩm công nghệ của Apple có khả năng bảo mật đến đâu.
FBI tuyên bố đã hack được iPhone mà không cần trợ giúp của Apple. Ảnh minh họa.
Cơ quan chức năng cho hay, "bên thứ ba đã giúp FBI mở khóa chiếc iPhone mà không ảnh hưởng đến bất kỳ thông tin bên trong". Tuy nhiên, phương thức hack thiết bị không được tiết lộ.
Ai đã giúp FBI hack chiếc iPhone của tên khủng bố?
Tờ Yedioth Ahronoth cho hay công ty có trụ sở tại Israel, Cellebrite, đã giúp đỡ FBI phá lớp bảo mật để xâm nhập vào chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố đã giết hại 11 nạn nhân vào tháng 11/2015. FBI buộc phải “đi đường vòng” là bởi Apple đã nhiều lần từ chối mở khóa sản phẩm này do lo ngại điều này sẽ tạo nên tiền lệ nguy hiểm gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân người dùng.
Cellebrite là một công ty hàng đầu chuyên bán các dịch vụ pháp lý smartphone và công cụ phần mềm cho các cơ quan cảnh sát của Mỹ. Những chương trình này có thể trích xuất dữ liệu từ iPhone chạy các hệ điều hành cũ hơn, nhưng công ty này cũng đã gặp đôi chút khó khăn với phiên bản mới nhất, iOS 9, cũng chính là phiên bản đang chạy trên chiếc điện thoại iPhone của tên khủng bố.
Theo thông tin trên CBC, Cellebrite vẫn chưa công bố về bất cứ sản phẩm nào hoạt động với iOS 9, nhưng có lẽ sau lời nhờ của FBI, hãng này đã bắt tay vào công tác phát triển. Và những nỗ lực của cả 2 bên đã được đền đáp xứng đáng.
Một nhân viên giấu tên của cơ quan thực thi luật pháp liên bang trả lời phỏng vấn tờ New York Times cho hay, bây giờ chưa thể khẳng định chắc chắn rằng phương pháp được sử dụng để mở chiếc iPhone trong vụ San Bernardino có thể được sử dụng để mở những chiếc điện thoại khác hay không.
Đứng trước thông tin này, CEO Apple tỏ ra khá bình thản. Tim Cook cho biết: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ trong việc điều tra và thực thi pháp luật, như những gì chúng tôi đã làm trong suốt thời gian vừa qua. Và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường mức độ an ninh và bảo mật trên các thiết bị, khi mà các mối đe dọa và tấn công để lấy cắp dữ liệu của chúng tôi ngày càng trở nên thường xuyên hơn và tinh vi hơn”.
H.L
Nguồn: http://www.baomoi.com/san-pham-cua-apple-bao-mat-den-dau-khi-fbi-hack-duoc-iphone/c/19037817.epi