Càng "lậm" Facebook, càng dễ buồn bã, chán nản và thất vọng
Các chuyên gia cảnh báo rằng những người nghiện mạng xã hội có thể rơi vào những cơn trầm cảm không có hồi kết.
Bạn càng dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội, càng dễ cho bạn trở nên buồn chán, thất vọng; theo một nghiên cứu mới từ khoa Y học thuộc trường đại học Pittsburgh.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những trang mạng xã hội có thể khiến người nghiện rơi vào một trạng thái tâm lý gần giống như những cơn buồn chán, tuyệt vọng. Kết quả của nghiên cứu có thể giúp định hướng những can thiệp sức khỏe cộng đồng để đối phó với sự chán nản - dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu cho những vấn đề tâm lý tại các quốc gia có thu nhập cao.
“Có thể nói, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong giao tiếp con người. Việc tiếp xúc của các chuyên gia với người trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng, giúp họ nhận biết được những điều tích cực từ mạng xã hội trong khi tránh khỏi các vấn đề thường trực”, Brian Primack, giám đốc trung tâm nghiên cứu truyền thông, công nghệ và y học Pitt chia sẻ.
“Với nhiều người mắc những triệu chứng trầm cảm, họ cho rằng việc sử dụng mạng xã hội sẽ giúp họ khỏa lấp sự trống rỗng”, trưởng nhóm Lui Yi Lin đưa ra nhận định của mình. Cô cũng chia sẻ thêm việc tiếp xúc với mạng xã hội có thể dẫn tới sự buồn chán, thất vọng mà hậu quả của nó dẫn tới sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Lui Yi Lin đã đưa ra những cảnh báo về việc tiếp xúc với bạn bè trên mạng xã hội có thể khiến người ta trở nên ghen tị nhiều hơn và dẫn tới những quan điểm sai lệch về cuộc sống hạnh phúc và thành công.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra việc tham gia các hoạt động vô bổ trên mạng xã hội dẫn tới cảm giác lãng phí thời gian. Từ đó, nó có ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng người dùng.
Dành nhiều thời gian trên mạng xã hội có thể tăng nguy cơ gặp phải các vấn nạn như bạo hành không gian ảo hoặc những tương tác tiêu cực tương tự. Dần dần, nó có thể dẫn tới những trạng thái hoảng sợ, tuyệt vọng khác ở mức độ cao hơn.
Được hỗ trợ bởi viện sức khỏe quốc gia, nghiên cứu đã được xuất bản trực tuyến và dự kiến vào ngày một tháng 4 sẽ ấn hành trên tạp chí “Sự tuyệt vọng và lo lắng”. Đây là nghiên cứu có quy mô lớn cấp quốc gia, nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc sử dụng các trang mạng xã hội và sự chán nản.
Những học thuyết trước về vấn đề này đưa ra nhiều kết quả trái chiều và bị giới hạn bởi những ví dụ nhỏ hoặc không mang tính đại diện, cũng như việc chỉ tập trung chủ yếu vào một nền tảng mạng xã hội cụ thể hơn là đánh giá nhiều mạng xã hội được ưu thích bởi giới trẻ. Năm 2014, bác sỹ Primack và đồng sự đã tiến hành thí nghiệm trên 1,787 người trưởng thành tại Mỹ, độ tuổi từ 19 đến 32. Nghiên cứu sử dụng các bảng câu hỏi để đánh giá việc sử dụng mạng xã hội và thiết lập công cụ đánh giá nỗi tuyệt vọng.
Bảng câu hỏi đánh giá 11 trang mạng xã hội phổ biến tại thời điểm hiện tại: Facebook, Youtube, Twitter, Google Plus, Instgram, Snapcha, Reddit, Tumblr, Pinterest, Vine và Linkedln.
Trung bình, những người tham gia sử dụng mạng xã hội khoảng 61 phút mỗi ngày và ghé vào các trang mạng xã hội khoảng 30 lần mỗi tuần.
Hơn một phần tư số người được hỏi cho rằng mình có triệu chứng tuyệt vọng, chán nản cao.
Đã từng có những mối liên kết rõ rệt giữa việc sử dụng mạng xã hội và chứng buồn chán trên cả hai phương diện là thời gian sử dụng và tần suất sử dụng.
Ví dụ, so với những người có tần suất sử dụng thấp, những người mà thường xuyên kiểm tra mạng xã hội có nguy cơ ,mắc các chứng chán nản cao gấp 2,7 lần. Tương tự, so sánh với những người dành ít thời gian hơn trên các trang mạng, những người dành nhiều thời gian trên mạng xã hội thường phải trải qua nguy cơ buồn chán hơn gấp 1,7 lần.
Các nhà nghiên cứu giới hạn các nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng chán nản như tuổi tác, giới tính, tôn giáo, sắc tộc, tình trạng quan hệ, điều kiện sống, thu nhập gia đình và trình độ giáo dục.
Bên cạnh việc khuyến khích các bác sĩ đặt câu hỏi nhiều hơn cho những người mắc chứng tâm lý, kết quả của nghiên cứu có thể sử dụng như một công cụ nhằm hạn chế việc sử dụng mạng xã hội và nâng cao sức khỏe cộng đồng.