Phát triển công nghiệp phần mềm không chỉ bằng 40 ha của QTSC

on .

Phát triển công viên phần mềm Quang Trung: Công viên trí tuệ Công viên Phần mềm Quang Trung kỷ niệm 15 năm thành lập Thí điểm thành lập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung - Biểu tượng của nền kinh tế tri thức Những bước đi của Công viên Phần mềm Quang Trung

Điện Biên Phủ của ngành công nghiệp phần mềm

Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC - Quang Trung Software City) được thành lập từ năm 2000 trong bối cảnh chủ trương của Nhà nước coi việc xây dựng nền kinh tế tri thức là con đường đi tắt, đón đầu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Trong đó, TP.HCM được xác định là nơi hội đủ nhiều điều kiện để tiên phong trong lĩnh vực xây dựng nền kinh tế tri thức và QTSC trở thành 1 trong 12 chương trình trọng điểm của TP giai đoạn 2001-2005.

Phat trien cong nghiep phan mem khong chi bang 40 ha cua QTSC - Anh 1

Công viên phần mềm Quang Trung

Để có tiền đề tốt trở thành trung tâm phần mềm Việt Nam và khu vực nói chung, QTSC là nơi hội tụ các hoạt động, chính sách, nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo TP.HCM. Bắt đầu từ đề nghị thành lập mô hình công viên phần mềm thay thế cho Sài Gòn Software Park 123 Trương Định từ những năm 1996 của Hội Tin Học TP.HCM cho đến việc lựa chọn mảnh đất 40 ha tại Quận 12 của Chủ tịch UBND TP -Võ Viết Thanh tại thời điểm 1999.

15 năm Công viên phần mềm Quang Trung

Thành tựu:
- Mô hình công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam
- Phát triển ổn định bền vững
- Cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Phần mềm và ươm mầm phát triển nhiều công ty khởi nghiệp
- Thương hiệu QTSC trở thành thương hiệu quốc tế, đánh dấu Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp Phần mềm.
- Tiền đề của cho việc hình thành mô hình chuỗi công viên phần mềm
Hạn chế:
- Xa trung tâm, cơ sở hạ tầng giao thông bên trong và bên ngoài khu QTSC phát triển chậm
- Dịch vụ đời sống chưa đạt chuẩn quốc tế
- Các sản phẩm và dịch vụ của DN chưa có đóng góp nhiều cho hoạt động phát triển kinh tế thành phố.
- Hoạt động nghiên cứu và phát triển còn nhỏ và nhiều hạn chế. Năng suất lao động còn thấp so với các nước có nền CNTT mạnh

QTSC còn là kết quả từ sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố vào thời điểm trong việc chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn về chính sách.

Tháng 12/1999, trong một buổi làm việc với Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang đã nêu ý kiến chuyển đổi Khu triển lãm Quang Trung thành công viên phần mềm. Một năm sau, ngày 7/ 7/2000, UBND TP.HCM đã ra Quyết định 4421/QĐ-UB-CN về việc xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung trên nền tảng của Khu Hội chợ Triển lãm Quang Trung. Mô hình QTSC ra đời trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi các bài học phát triển công viên phần mềm ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác.

Ông Nguyễn Trọng - nguyên chủ tịch Hội tin học TP.HCM nhiệm kỳ II và III coi công viên phần mềm là một Điện Biên Phủ trong sự nghiệp phát triển công nghiệp phần mềm nói chung và CNTT nói riêng.

Mô hình QTSC được xây dựng để phát triển dựa trên 6 trụ cột, bao gồm việc cung ứng cơ sở hạ tầng và dịch vụ chuẩn quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực; cung ứng môi trường làm việc chuyên môn cao; thành lập các viện nghiên cứu; khuyến khích đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi; khai thác sự hợp tác giữa nhà nước - tư nhân - quốc tế.

Mặc dù là công trình trọng điểm của TP.HCM nhưng QTSC được tổ chức và hoạt động dựa trên mô hình doanh nghiệp và tính đến nay đã trải qua 15 năm. Từ lúc khởi nghiệp chỉ với 21 doanh nghiệp phần mềm với tổng cộng 250 người làm việc thì nay QTSC đã thu hút hơn 120 doanh nghiệp CNTT với hơn 18.000 người đang làm việc và học tập, trở thành Công viên phần mềm thành công nhất của cả nước. Đáng chú ý, chỉ với 250 tỷ đồng đầu tư ban đầu, nộp ngân sách trong năm đầu tiên chỉ là 1,4 tỷ đồng, nhưng sau 15 năm hoạt động thì QTSC đã thu hút được trên 8.000 tỷ đồng đầu tư từ các doanh nghiệp CNTT, riêng năm 2015 vừa qua, số tiền QTSC đã nộp ngân sách lên đến 470 tỷ đồng, gấp 330 lần so với năm 2001.

Phat trien cong nghiep phan mem khong chi bang 40 ha cua QTSC - Anh 2

Ông Nguyễn Thiện Nhân - QTSC là ví dụ điển hình về hiệu quả của mô hình hợp tác công – tư với những yếu tố quyết định từ nguồn nhân lực TP và quyết tâm của chính quyền

Một trong những người có vai trò quyết định sự hình thành cùa QTSC, ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhìn nhận đó là quá trình “sáng tạo giá trị, phục vụ toàn cầu”. Ông cũng đánh giá QTSC là ví dụ điển hình về hiệu quả của mô hình đòn bẩy hợp tác công – tư với những yếu tố quyết định cho sự thành công đến từ nguồn nhân lực TP và quyết tâm của chính quyền. Theo ông Nhân, một trong những nguyên tắc thành công của QTSC chính là việc biết lắng nghe các nhà đầu tư, đào tạo nhân lực có định hướng thị trường, theo nhu cầu của doanh nghiệp. Và QTSC đã trở thành vườn ươm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, có ý tưởng mới, sáng tạo, kết nối với thực tế, cộng đồng.

Người đã đồng hành với QTSC từ những năm đầu thành lập, Ông Lê Mạnh Hà - nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nay là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng ghi nhận việc thành công của Khu công viên phần mềm cho thấy sự nghiệp phát triển CNTT mà trong đó tập trung phát triển ngành phần mềm là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp Phần mềm Việt Nam vẫn còn chưa đạt như kỳ vọng, mà từ thành công của QTSC cho thấy chúng ta có thể làm được nhiều hơn.

Phát triển CNTT không thể quanh quẩn trong 40 ha đất

Sự thành công của QTSC đã mang đến quyết định số 333, ngày 3/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập chuỗi công viên phần mềm là quyết định lịch sử đối với ngành CNTT.

Phat trien cong nghiep phan mem khong chi bang 40 ha cua QTSC - Anh 3

Ông Lê Mạnh Hà - “Thành phố đã có quá nhiều đất vàng cho bất động sản, do đó hãy dành những mảnh hiếm hoi còn lại cho khoa học”

Nhắc đến sự phát triển của QTSC nói riêng cũng như ngành công nghiệp phần mềm nói chung, ông Lê Mạnh Hà kì vọng các nhà lãnh đạo thành phố một lần nữa hãy nhìn thật xa, hành động thật quyết liệt để có thêm những ngôi nhà cho các nhà khoa học, thêm đất cho ươm mầm tài năng công nghệ. Không thể phát triển công nghiệp phần mềm nếu như chỉ trông cậy vào QTSC trên một diện tích 40 ha như hiện nay, mà phải tiếp tục mở rộng quy mô và nhân rộng mô hình của khu công viên phần mềm. “Thành phố đã có quá nhiều đất vàng cho bất động sản, do đó hãy dành những mảnh hiếm hoi còn lại cho khoa học”, ông Hà chia sẻ về việc tìm kiếm địa điểm mới cho Công viên phần mềm Quang Trung 2.

“Thành phố đã có quá nhiều đất vàng cho bất động sản, do đó hãy dành những mảnh hiếm hoi còn lại cho khoa học” - Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Một đề xuất khác đáng chú ý trong việc chọn địa điểm cho QTSC 2 là khu đất cảng Sài Gòn. Khu cảng này đã quy hoạch chuyển đổi công năng và chúng ta cần ưu tiên giành cho khoa học. Bởi theo ông Hà, khi những chính sách về phát triển công nghệ thông tin đang bị bão hòa, QTSC cần những hỗ trợ cụ thể từ trung ương và TP.HCM để tạo ra bước phát triển đột phá. Trong đó, cần xem xét tái lập chủ trương xây dựng công viên phần mềm thứ 2 tại khu C30 (quận 10, quận Tân Bình) với diện tích 40 ha. Mảnh đất nằm ở vị trí địa lý đắc địa gần trường đại học, khu dân cư trí thức, gần sân bay, có sẵn hạ tầng viễn thông… rất lý tưởng cho khoa học, xứng đáng để xây dựng một thành phố khoa học trong lòng thành phố năng động nhất nước.

Ông Hà cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều công viên thành viên ngay trong lòng thành phố, giúp Việt Nam đi lên bằng chất xám của người Việt.

Sự tập trung và quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng và hỗ trợ QTSC hơn 15 năm về trước đã góp phần tạo nên sự thành công của QTSC, cũng như công nghiệp phần mềm. Tuy nhiên ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mô hình QTSC đã ra đời cách đây 15 năm, nhiều điều kiện hiện nay đã thay đổi. Và để có một mô hình mới tương tự nói riêng và phát triển ngành CNTT nói chung thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, mà nếu làm tốt thì đòn bẩy hợp tác công – tư sẽ phát huy hiệu quả rất lớn.

Về sự phát triển ngành CNTT trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang nhận định rằng QTSC vẫn là một trong những trọng tâm của TP.HCM. Và sẽ có những bàn bạc, trao đổi giữa lãnh đạo Thành ủy và QTSC để xem cần những cơ chế và chính sách gì trong thời gian tới để đơn vị này vươn xa hơn. Đối với UBND TP.HCM thì phó chủ tịch Lê Thanh Liêm cho rằng QTSC cần phát huy hơn nữa các kết quả đạt được. Tập trung vào hoạt động gia công và phát triển phần mềm, nội dung số, ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực. UBND cũng sẽ ưu tiên lựa chọn những vị trí phù hợp để xây QTSC 2, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào thành phố, thu hút nguồn lực để theo kịp xu hướng của nền kinh tế tri thức toàn cầu. Bên cạnh đó, thành phố sẽ có chương trình khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm CNTT phục vụ thị trường nội đia, tăng tỷ trọng R&D trong sản phẩm. Mặt khác khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phần mềm Việt thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cung như hỗ trợ một pphaanf kinh phí đào tạo nhân lực và xây dựng thương hiệu.

Mặc dù đã tạo ra được thành tự đáng chú ý nhưng có thể nói sự phát triển của QTSC hiện nay vẫn còn xa mới có thể xem là đích đến. Theo như tính toán của Hội Tin học TP.HCM khi đề xuất địa điểm này để làm khu phần mềm tập trung quy mô lớn thì sau khoảng 15-20 năm QTSC có thể thu hút khoảng 20.000 chuyên viên phần mềm. Trong số 18.000 người đang làm việc và học tập thì hiện chỉ có hơn 7.000 chuyên viên, kĩ sư phần mềm và để đúng như kỳ vọng thì không dễ dàng nếu như QTSC vẫn hoạt động như hiện nay. Ông Nguyễn Trọng cho rằng, thời điểm này cần phải có những thay đổi trong chiến lược phát triển QTSC. Trong đó quan trọng nhất là việc hỗ trợ về mặt trí tuệ bởi để đưa QTSC lên tầm cao mới đòi hỏi trí tệu cũng phải được tập trung như khi mới bắt đầu hình thành. QTSC cần một nhóm chuyên gia am hiểu sâu sắc để tư vẫn chiến lược mới cho QTSC và rất cần sự quan tâm liên tục, ủng hộ của Thành ủy, UBNN TP.HCM.

Để trở thành Thung Lũng Silicon cần xây dựng văn hóa khởi nghiệp

Hiện tại QTSC có 4 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, 10 công ty nằm trong danh sách của 50 công ty hàng đầu Việt Nam, 6 doanh nghiệp có chứng chỉ chất lượng CMMI. Doanh số của các doanh nghiệp tại đây đạt gần 5.000 tỉ đồng, gấp 200 lần năm 2001. Số tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong năm 2015 ước đạt 470 tỉ đồng, gấp 330 lần so với năm 2001. Sự thành công của QTSC luôn gắn liền với các doanh nghiệp tại đây.

Global CyberSoft Việt Nam đặt tại QTSC đã nhiều năm liền đạt doanh thu tăng trưởng trung bình 20-30% /năm. Theo ông Ngô Văn Toàn, phó tổng giám đốc Global CyberSoft thì thành công của công ty một phần nhờ vào thương hiệu QTSC, cũng từ đó doanh nghiệp được hưởng lợi trong việc thu hút và tìm kiếm nguồn nhân lực cao.

4 doanh nghiệp có số nhân viên hơn 1.000 kỹ sư, chuyên viên tại QTSC

- Doanh nghiệp Tư nhân Dịch vụ Tường Minh – TMA

- Công ty Cổ phần Global CyberSoft Việt Nam

- GCS, Công ty TNHH Swiss Post Solutions

- SPS và Công ty TNHH Digi-texx

Dưới góc nhìn của Prithvi Puttaraju - giám đốc điều hành công ty Teralogic, doanh nghiệp đã gắn bó với QTSC 15 năm, khu công viên phần mềm này đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ năng động và an toàn. Ông đánh giá cao về các dịch vụ nền tảng mà QTSC cung cấp cho các doanh nghiệp ở đây. Tuy nhiên ông Prithvi Puttaraju cũng cho rằng QTSC cần tạo thêm môi trường thú vị hơn, chẳng hạn như mở ra thêm nhiều điểm giải trí, nhà hàng. Khu vực này đã có hệ thống xe bus và khi có thêm hệ thống tàu điện ngầm nữa thì QTSC sẽ thành công hơn. Ông cũng nhận định QTSC hoàn toàn có thể trở thành một thung lũng Silicon của nước Mỹ nhưng để đạt được điều đó thì cần xây dựng văn hóa khởi nghiệp tại đây.

QTSC cũng đã có những bước đi nhằm hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp. Đơn vị thành viên của khu công viên phần mềm này là QTSC Incubator được thành lập năm 2005 chịu trách nhiệm ươm mầm doanh nghiệp, nuôi dưỡng và biến những giấc mơ công nghệ thành hiện thực. Tính từ thời điểm hoạt động của mình, Incubator đã ương tạo hơn 20 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp vươn ra khỏi Việt Nam. Cũng trong năm 2015, đã có gần 30 doanh nghiệp đang được ươm tạo. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, các cá nhân có phương án khởi nghiệp đạt yêu cầu cũng được Incubator hỗ trợ và sẵn sàng ươm tạo.

Nguồn: http://www.baomoi.com/phat-trien-cong-nghiep-phan-mem-khong-chi-bang-40-ha-cua-qtsc/c/19052659.epi