Sinh viên lười đọc sách
Hiện các trường ĐH đều áp dụng học chế tín chỉ, yêu cầu sinh viên phải dành thời gian nhất định tự nghiên cứu. Tuy nhiên, số sinh viên tìm đọc tài liệu trong thư viện rất ít ỏi
Một vòng qua các trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, ĐH Nông Lâm TP HCM, Thư viện Trung tâm ĐHQG TP HCM…, chúng tôi nhận thấy dù các thư viện hiện nay rất khang trang, kho sách phong phú, không gian yên tĩnh… nhưng lượng sinh viên (SV) mượn đọc sách tại chỗ rất thưa thớt. Đa số họ mải mê ngồi máy tính hoặc dùng máy tính thư viện để truy cập internet. Nhiều SV còn lợi dụng không gian mát mẻ để chơi game, xem phim, ăn uống, thậm chí nằm ngủ trên bàn thư viện!
Đọc sách kiểu “ăn xổi ở thì”
Ngô Thị Yến, SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết cô rất ít khi lên thư viện trường vì “việc tìm kiếm tài liệu qua mạng và nhà sách dễ dàng, thoải mái hơn; mặt khác, thông tin, kiến thức đã có đầy đủ trong giáo trình và tài liệu thầy cô cung cấp…”. Một SV khác ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay chỉ lên thư viện mượn sách trước mỗi kỳ thi để làm tài liệu tham khảo đối với các môn ra đề mở.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, nhân viên thư viện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đây cũng là thực trạng của SV học tín chỉ. “Ngoài những SV vào thư viện với thái độ học tập nghiêm túc, không ít em đọc sách theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Do đề mở, nhiều em buổi chiều thi, sáng mới ồ ạt kéo nhau vào thư viện để mượn sách làm tài liệu chép, sau đó thì lặn mất tăm!”.
ThS Đỗ Thị Lợi, Phó Giám đốc Thư viện Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nêu thực trạng: “Hiện nay, SV đến thư viện không chỉ để đọc sách. Do giảng đường không có WiFi, thư viện lại mát mẻ, có mạng internet chạy tốt lại miễn phí nên thu hút nhiều SV đến giải trí, họp nhóm, lướt web…”.
Nhiều quản lý thư viện tiết lộ họ phải rất khéo léo để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc ăn mặc, tụ tập tranh luận, lớn tiếng, tình tứ của SV trong thư viện.
Lượt đọc, mượn sách giảm mạnh
Theo TS Hoàng Thị Thục, Giám đốc Thư viện ĐHQG TP HCM, số lượt mượn, trả sách in tại thư viện từ năm 2013 đến 2015 giảm mạnh, từ hơn 400.000 lượt xuống còn 300.000 lượt. Kéo theo đó, số lượng tài liệu cho mượn về nhà trong năm cũng giảm gần 50%, từ năm 2012 là gần 500.000, đến năm 2015 chỉ còn khoảng 250.000 lượt. Ngược lại, số lượt truy cập tải bài toàn văn các cơ sở dữ liệu (sách, tạp chí điện tử) tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2009-2015. Cụ thể, năm 2009, số lượt tải tài liệu trực tuyến về là hơn 100.000 thì đến năm 2014, lượt này tăng gần gấp đôi, lên đến hơn 185.000. Đến năm 2015, con số này tăng gấp 4 lần với 420.000 lượt tải.
Cũng theo xu thế chuyển đổi internet, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, số người mới đăng ký sử dụng tài liệu internet năm học 2011-2012 chỉ là 120, đến năm học 2012-2013 tăng 79 người, đa số là giảng viên. Đến năm 2013-2014, trường mở rộng cho phép SV đăng ký sử dụng tài liệu trực tuyến nên con số này tăng hơn 2.000 người, năm học 2014-2015 tăng tiếp hơn 2.300 người. Đến nay, đã có hơn 5.000 người đăng ký sử dụng dữ liệu trực tuyến tại thư viện.
Ngược lại, số lượng người đến thư viện đọc sách mỗi ngày tại 2 cơ sở của trường lại sụt giảm trong thời gian qua. Những năm trước, mỗi ngày có khoảng 600 lượt người đến thư viện trường. Hiện nay, con số này giảm 20%.
Bà Nguyễn Thị Thúy cũng cho biết số lượt người mượn sách in ở thư viện ngày càng sụt giảm. Con số này ở năm học 2012-2013 là gần 120.000 lượt, đến năm 2013-2014 còn 97.000 lượt, năm 2014 -2015 giảm còn 83.000 lượt.
ThS Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết ông đang thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Thói quen sử dụng thông tin trong thư viện của SV Trường ĐH Sư phạm TP HCM”. Qua đó, ThS An được SV chia sẻ các nguyên nhân khiến họ lười lên thư viện là: Tốn nhiều thời gian nhưng đôi khi không tìm được tài liệu ưng ý, thủ tục rườm rà, trong khi tìm tài liệu qua mạng nhanh chóng, đỡ mất thời gian và khi cần thì tham khảo cũng nhanh… Về lý do văn hóa đọc sách và thói quen sử dụng sách in trong thư viện hiện nay bị mai một nhiều, theo nhiều SV, là tài liệu nghèo nàn, cơ sở vật chất xuống cấp, chất lượng phục vụ không tốt, nhu cầu sử dụng của người đọc thay đổi…
Lối học - đọc thực dụng
GS-TS Bùi Khánh Thế, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, cho biết: “Trong quá trình giảng dạy môn Đông phương học tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, tôi tập hợp các nghiên cứu về nguồn gốc Đông phương do các giáo sư hàng đầu Việt Nam nghiên cứu, in ra thành tập phát cho mỗi SV. Tuy nhiên, dường như các em không đọc nên ít SV có câu trả lời khi được hỏi đến. Trong quá trình giảng dạy, câu hỏi của tôi về việc các em kỳ vọng về điều gì qua môn học cũng hiếm khi nhận được câu trả lời. Đa số SV quan tâm đến phương thức thi là đề đóng hay mở, kết quả ra sao, chứ không muốn tìm tòi thêm dù phương hướng đào tạo của trường là khoa học ứng dụng…”.