Xe buýt như thế, ai dám đi! (*): Phải thay đổi toàn diện

on .

Để người dân đi xe buýt, cần thay đổi toàn diện từ phương tiện, phân tuyến hợp lý, xây dựng trạm dừng đến bảo đảm an ninh, cung cách phục vụ…

Cận cảnh nhếch nhác của xe buýt Sài Gòn

Xe buýt như thế, ai dám đi!

Đó là ý kiến của số đông người dân khi phóng viên Báo Người Lao Động đề nghị họ nhận xét về xe buýt trong thời gian qua cũng như mong muốn đối với phương tiện này trong tương lai.

Chị LÊ THỊ TUYẾT (nhân viên văn phòng; quận 1, TP HCM):

Nơm nớp lo sợ

 

Tôi thường xuyên đi xe buýt nên thấy phần lớn phương tiện này ở TP HCM rất tồi tàn, nhiều hôm trời nắng chang chang mà máy lạnh không hoạt động, rèm cửa cũng không có. Thái độ của lơ xe, tài xế chưa tôn trọng hành khách, hay quát nạt, trả lời kiểu bốp chát. Tôi từng bị nhân viên xe buýt dọa đánh vì đòi lại tiền thối; đôi khi chưa kịp đưa tiền liền bị chửi không thương tiếc. Có lần, tài xế xe buýt số 52 trả khách nhưng vẫn cho xe chạy khiến một hành khách bị hụt chân ngã bị thương.

Người dân đón xe buýt tại trạm Bến Thành (quận 1, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Người dân đón xe buýt tại trạm Bến Thành (quận 1, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Không ít tài xế, tiếp viên và cả hành khách vô tư xả rác trên xe hoặc ném ly cà phê, hộp cơm, cùi vé xuống đường, trúng ai nấy chịu. Tôi cũng nhiều lần gặp những kẻ biến thái trên xe buýt số 14 và 19 nhưng báo với nhân viên thì không được giúp đỡ... Tóm lại, do chưa có điều kiện nên mới phải đi xe buýt chứ mỗi lần lên xe, tôi đều nơm nớp lo sợ.

Để xe buýt sạch đẹp, văn minh, theo tôi, cần nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đào tạo kỹ năng ứng xử cho tài xế, tiếp viên trước khi làm nghề. Người đi xe buýt cũng nên được tuyên truyền về nếp sống văn minh, như chủ động nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai; không xả rác, không nói chuyện to, không ăn uống trên xe...

Ông NGÔ MINH ĐỨC (cán bộ hưu trí, TP HCM):

Thay đổi cung cách, thái độ phục vụ

 

Đối với tôi, đi xe buýt không chỉ tiết kiệm được tiền bạc mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Mười mấy năm trung thành đón xe buýt ngược xuôi từ TP HCM đi tỉnh Bình Dương nhưng bây giờ, tôi thấy sợ hãi, bất an quá. Xe cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng, tài xế liều lĩnh dừng đón khách vô tội vạ; nhân viên bán vé lúc nào cũng cau có, vô tư hút thuốc trên xe rồi nạn móc túi, lừa đảo...

Lúc trước, tôi đi xe buýt số 05, chạy tuyến Chợ Lớn (TP HCM) đi TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Tuyến này có nhiều hành khách lên TP HCM chữa bệnh nhưng tài xế vẫn thản nhiên mở nhạc ầm ầm. Tôi nhắc nhở thì bị la rồi đuổi xuống xe.

Theo tôi, tài xế, nhân viên xe buýt phải thay đổi cung cách, thái độ phục vụ. Tài xế nên chạy đúng quy định, không bắt khách ngoài đường, không nói chuyện điện thoại, không hút thuốc… Ngoài ra, nên tân trang lại xe buýt, nhất là sàn xe, ghế ngồi, máy lạnh… để phương tiện này thật sự sạch, đẹp, tiện lợi.

Anh VÕ VĂN PHÚC (quận Thủ Đức, TP HCM):

Xây dựng trạm dừng gần khu dân cư

 

Ngoài vấn đề xe cũ, an ninh không bảo đảm, tôi sợ đi xe buýt còn vì việc bố trí các trạm dừng không hợp lý. Nhiều trạm xe buýt không có mái che như trạm ở Quốc lộ 13, đoạn qua quận Bình Thạnh và Thủ Đức không có nhà chờ khiến hành khách phải dầm mưa, phơi nắng để đón xe. Trời nắng còn đỡ, trời mưa đón xe rất cực. Nhiều trạm thì quá xa khu dân cư khiến hành khách phải đi bộ rất xa mới đón được xe. Nếu có lựa chọn khác thì không ai muốn khổ sở chờ đón xe buýt như vậy.

Tôi nghĩ cần xây dựng các trạm dừng gần với khu dân cư, đặc biệt là khu vực đông sinh viên, công nhân. Ngoài ra, cần bổ sung thùng rác tại trạm chờ, lắp đặt hệ thống camera để bảo đảm an ninh trên xe...

Sinh viên HUỲNH ĐỖ MỸ LINH (Trường Đại học Luật TP HCM):

Nên phát triển hệ thống xe buýt kiểu mới

 

Tôi thường đi xe buýt số 93, 53. Việc xe buýt nhồi nhét khách khiến tôi cũng như nhiều sinh viên mệt mỏi, căng thẳng. Tôi luôn bị ám ảnh bởi cảnh chen lấn trên xe buýt, khách đứng không có chỗ bám, mỗi khi tài xế đạp thắng là tiếng la ó vang lên... Bên cạnh đó, nhiều điểm đón xe buýt không ở làn xe sát vỉa hè (điển hình là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh); muốn đón xe buýt, khách phải băng qua đường xe máy đang chạy. Chưa kể những trạm này không gần vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Các xe buýt còn tranh giành nhau, vô tư lấn tuyến.

Theo tôi, cần kiểm soát khắt khe, có chế tài đủ mạnh đối với tình trạng xe buýt chở khách quá tải. Thời gian lưu chuyển của xe buýt cũng cần sự quan tâm, lưu ý nhiều hơn nữa. Ngoài ra, nên dán áp phích thông tin, hướng dẫn cần thiết ở các trạm, bến xe, trường học hoặc kết nối với hành khách qua internet.

Một số tuyến ở TP HCM hiện có xe buýt kiểu mới. Tôi từng nhiều lần đi và cảm thấy rất thoải mái vì sạch, đẹp, tiện nghi, nhân viên dễ chịu. Tôi nghĩ TP nên phát triển hệ thống xe buýt kiểu này để phục vụ nhu cầu đi lại của nhiều người.

Nhóm Phóng viên

Nguồn: http://nld.com.vn/ban-doc/xe-buyt-nhu-the-ai-dam-di-phai-thay-doi-toan-dien-20160406213201406.htm