Bạn nghĩ sao về câu "Người sành công nghệ dùng Android chứ không dùng iPhone"?
Tôi chưa từng thấy một "tuyên ngôn công nghệ" nào ngớ ngẩn và thiếu thực tế đến vậy cả!
Dĩ nhiên, những người đưa ra bình luận này là các fan Android. Nhưng tôi không nghĩ họ là "dân công nghệ" chính hiệu.
Dân công nghệ?
Sở dĩ tôi dám "nghĩ" như vậy là bởi tôi là một coder. Có lẽ đây là ngành nghề mà bạn có thể coi là "dân công nghệ" thực sự.
Tại công ty nơi tôi làm việc, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều nhãn hiệu điện thoại, nhiều hệ điều hành khác nhau.
Dĩ nhiên, Android là một lựa chọn phổ biến, nhưng nếu như quả thật "Apple chỉ dành cho dân mù công nghệ" như những gì người ta muốn nghĩ thì chắc chắn đồng nghiệp tôi không dùng iPhone nhiều tới như vậy. Ngay cả Solution Architect và System Analyst cùng nhóm với tôi cũng đang dùng iPhone, và tôi dám chắc với bạn rằng 2 người này giỏi công nghệ hơn cả tôi lẫn 90% những người sẽ đọc bài viết này.
Và đáng ngạc nhiên (với những người có lẽ không phải là "dân công nghệ") hơn nữa là những chiếc máy Mac yếu đuối cũng rất phổ biến trong công ty phần mềm. Sẽ là không đúng sự thật nếu như tôi khẳng định rằng những chiếc máy Mac này không cài thêm cả Windows, nhưng rõ ràng là trong công xưởng tạo ra phần mềm - bộ mặt và khối óc của thế giới hi-tech, những chiếc laptop và desktop mini có gắn mác Táo không hề "vắng bóng" như những gì anti-fan của Apple nghĩ.
Hãy thử dạo qua một vòng Google và YouTube, bạn cũng sẽ thấy rất nhiều các bài tutorial (hướng dẫn) dành cho PHP, Java, MySQL, Ruby, Python v…v… được thực hiện trên OS X. Đó thậm chí còn không phải là những ngôn ngữ lập trình đặc trưng cho Apple như Objective C và Swift.
Thậm chí, vào cuối năm 2015, IBM đã lên tiếng khẳng định rằng chương trình chuyển từ PC Windows sang Mac đã đem lại hiệu quả tuyệt vời khi giúp hãng này cắt giảm đáng kể chi phí dành cho IT Support (hỗ trợ kỹ thuật). "Máy Mac đơn giản là hoạt động tốt", đại diện của IBM khẳng định.
Nếu các nhân viên của IBM không phải là "dân công nghệ" thì thế nào mới là dân công nghệ?
Nhiều người còn khẳng định dùng máy Mac để code cho Android là rất thú vị!
Với fan cuồng, công nghệ là danh dự. Danh dự thì phải chạy đua.
Khi viết những dòng trên, mục đích của tôi không phải là để "nâng bi" Apple hay để công kích những người dùng Android thực sự công bằng và có hiểu biết. Là một người đã từng trải nghiệm cả Mac, iOS và Android, Windows, tôi hiểu rõ rằng nền tảng của Apple cũng có những điểm yếu riêng. Ví dụ, dung lượng RAM quá ít ỏi trên Macbook Air khiến tôi không thường xuyên tạo server chạy ứng dụng Java trên chiếc laptop siêu mỏng này (dù rằng Google App Engine có thể là lời giải cho vấn đề đó).
Nhưng ngược lại, tôi không thể không ghi nhận sự phổ biến và tầm quan trọng của Apple với cộng đồng lập trình viên.
Xét tới tầm quan trọng của những chiếc smartphone trong thế giới của chúng ta, sẽ là không có gì khó hiểu nếu như chúng ta dành những tình cảm đặc biệt cho Google, Samsung, Apple hay bất cứ một thương hiệu smartphone nào khác. Con người đã mất tới hàng thế kỷ, hàng thập kỷ từ thời đại của Pascal và Von Neumann cho đến khi chế tạo ra được một thiết bị tuyệt vời như chiếc smartphone của ngày hôm nay.
Có vẻ như, với các fan cuồng, những chiếc smartphone luôn là chú ngựa chạy đua thay cho niềm tự hào. Ai cũng muốn chú ngựa của mình về nhất về khả năng sáng tạo, về thông số, về giá cả...
Nhưng nếu nhiều fan cuồng của Apple không có hiểu biết về vai trò của Nokia, Microsoft và Palm với chiếc "smartphone" thì nhiều fan cuồng của Android cũng không hiểu vai trò của Apple với "dân công nghệ". Ở đây tôi sẽ chỉ nói tới đồng nghiệp và bạn đại học của mình. Vì sao chúng tôi lại chọn iPhone và MacBook?
Bản chất của công nghệ không phải là những gì bạn nghĩ
Vì chúng rất dễ sử dụng và không gặp nhiều vấn đề như các thiết bị Windows hay Android. Hoặc đơn giản là vì chúng... đẹp. Nói tóm lại, iPhone và MacBook phục vụ tốt cho nhu cầu của "dân công nghệ" chúng tôi (dĩ nhiên là chỉ một phần chứ không phải là tất cả các "dân công nghệ").
Trở lại với tuyên bố buồn cười mà tôi đặt lên đầu bài viết. Có rất nhiều lý do khiến những người không thực sự hiểu sâu về bản chất của công nghệ lại có thể đưa ra khẳng định nực cười rằng "sành công nghệ là phải dùng Android". Đúng, Android là một hệ điều hành mã nguồn mở. Ngôn ngữ mà Android sử dụng cũng là một ngôn ngữ rất được các lập trình viên (bao gồm tôi) ưa thích. So với trải nghiệm "đóng" hoàn toàn của iOS thì khả năng up ROM hay "vọc vạch" nói chung trên Android cũng có vẻ "high-tech" hơn hẳn.
Nhưng up ROM chỉ là một thú vui quá… low-tech so với những gì mà một "dân công nghệ" như tôi đang làm hàng ngày. Có rất nhiều lập trình viên cũng mang thú vui "vọc điện thoại" hay vọc tất cả các loại phần cứng khác, nhưng sẽ là chẳng có gì khó hiểu nếu như một "dân công nghệ" suốt ngày phải đau đầu với bug, subversion, GitHub, Hibernate và một ti tỉ những thứ phức tạp khác lại mong được sử dụng một chiếc smartphone và tablet đơn giản, ổn định và có tính giải trí cao (nhiều game chạy mượt).
Bạn sẽ gặp rất nhiều trường hợp như vậy: "dân công nghệ" lại không chạy theo những thứ công nghệ phức tạp nhất, có khả năng tùy biến tốt nhất. Ví dụ, tại công ty tôi, laptop tiêu chuẩn vẫn thường chỉ cài Windows chứ không cài Linux. Lý do là bởi lập trình viên từ bé đã quen với Windows, và việc tiếp tục sử dụng hệ điều hành thương mại này thay cho một hệ điều hành "sặc mùi coder" như Linux sẽ giúp chúng tôi giảm thiểu thời gian cần có để tìm hiểu sâu về Java hay PHP. Dĩ nhiên, coder vẫn sẽ sử dụng Linux làm môi trường cài đặt app server, nhưng chạy công cụ phát triển phần mềm (IDE) trên Windows vẫn là hết sức phổ biến.
Tôi có thể kể ra hàng chục ví dụ để chứng minh với bạn rằng mục đích của công nghệ không phải là chạy theo những gì tối tân nhất, phức tạp nhất. Khi gặp một khách hàng sử dụng các nền tảng cũ kỹ, lập trình viên cũng phải cắn răng chịu đựng những công nghệ lạc hậu. Một lập trình viên cũng không việc gì phải theo đuổi Linux để chứng tỏ khả năng trong khi iOS đang có tới hàng trăm triệu người dùng sẵn sàng trả phí.
Chưa đủ hi-tech.
Hoặc, để "tỏ vẻ công nghệ cao" với nàng thì tôi cũng đâu phải dùng một chiếc Nexus có flash Cyanogen? Tôi biết code cơ mà!
Công nghệ là công cụ
Tôi biết chắc chắn rằng cũng có rất nhiều lập trình viên sử dụng Linux để cài đặt các bộ IDE ưa thích. Nhưng bản chất của công nghệ chỉ có một: "công nghệ" phải là công cụ phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thiết yếu nhất của chúng ta. Ngay cả những "dân công nghệ" cũng vậy: chúng tôi sử dụng những công nghệ phù hợp nhất với đường đi của mình để tạo ra các sản phẩm công nghệ tốt nhất cho yêu cầu của bạn. Bên ngoài công việc, chúng tôi cũng sẽ sử dụng những cỗ máy đơn giản là phù hợp với nhu cầu giải trí, liên lạc của mình, bất kể là Android hay iOS, Mac OS X hay Ubuntu.
Câu chuyện của Mac tại IBM cũng vậy. Khi không còn phải đau đầu với những vấn đề của Windows, nhân viên của IBM có thể toàn tâm toàn ý nghĩ thuật toán cho AI và mô hình cho đám mây. Nhưng nếu gã khổng lồ xanh đã lựa chọn Linux làm hệ điều hành tiêu chuẩn, tôi tin rằng bộ máy IT Support tại đây sẽ gia tăng chứ không giảm đi.
Công nghệ của chúng ta đã tiến những bước rất xa, ngày một phức tạp và siêu việt hơn. Nhưng để làm được điều đó, coder nào cũng phải nắm rõ một nguyên tắc tối thượng của nghề lập trình: mỗi module họ viết ra chỉ nên tập trung làm thật tốt một nhiệm vụ duy nhất. Mở rộng nguyên tắc đó ra, sẽ là chẳng có gì khó hiểu nếu như hàng trăm nghìn coder lựa chọn chiếc iPhone bởi vì họ chẳng quan tâm một chút nào tới Android dù vẫn miệt mài theo đuổi Java và Linux hàng ngày.
Tôi tin rằng các kỹ sư phần cứng đang chế tạo những cánh tay robot, nồi cơm điện thông minh hay máy chủ ARM cũng sẽ mang cùng một suy nghĩ.
Còn bạn thì sao? Hãy cứ yêu mến chiếc smartphone của bạn, bất kể đó là iPhone hay Android - bởi đó là chiếc smartphone mà bạn đã lựa chọn cho chính mình. Nhưng cũng đừng tô vẽ cho sản phẩm ưa thích của mình là "chỉ dành cho người sành công nghệ", bởi thực tế là những người "sành" công nghệ nhất cũng không "cuồng" công nghệ đâu!