Những lời khuyên bảo mật mà bạn nên chú ý trong năm 2016
Ngày nay, mọi dữ liệu cá nhân đều được lưu trữ trên máy tính hoặc các thiết bị di động cầm tay. Và tất cả đều được kết nối với nhau thông qua các mạng xã hội, lưu trữ đám mây,… Do đó, bằng cách này hay cách khác các cuộc tấn công vào tài khoản người dùng để đánh cắp dữ liệu hiện nay rất phổ biến và diễn ra một cách khá…im lặng.
Nếu có ai đó đang tìm cách truy cập trái phép vào máy tính cá nhân hoặc thiết bị di động của bạn, liệu bạn có nhận ra được hay không? Liệu bạn có đang tìm ra và áp dụng các cách tốt nhất để bảo vệ tài khoản và các dữ liệu cá nhân của mình một cách an toàn hay không? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số lời khuyên cần chú ý đối với việc bảo mật tài khoản và dữ liệu cá nhân trong năm 2016 này, mời bạn đọc cùng tham khảo.
Hãy đặt mật khẩu cho thiết bị cá nhân, cũng như thiết lập thời gian khóa màn hình càng ngắn càng tốt
Sau khi restore hoặc cài đặt mới thiết bị, các hệ điều hành trên máy tính hoặc di động đều yêu cầu người dùng nên thiết lập mã khóa cho thiết bị. Đây được xem là phương pháp bảo mật có hiệu quả rất rõ ràng trong việc bảo vệ dữ liệu và thiết bị cá nhân.
Do đó, nếu bạn không thiết lập tính năng này, sẽ rất tệ nếu thiết bị của bạn rơi vào tay kẻ xấu, và lúc đó, dữ liệu cá nhân của bạn rất có thể sẽ bị đánh cắp, rò rỉ hoặc tệ hơn là bị xóa mất.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thời gian chuyển sang màn hình khóa càng ngắn càng tốt cũng là một việc làm cần thiết bên cạnh việc đặt mã khóa cho thiết bị.
Nên chia sẻ một cách có lựa chọn
“Không nên chia sẻ quá nhiều các thông tin cá nhân lên internet”, câu nói này luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. Các thông tin nhạy cảm như mật khẩu tài khoản trên mạng xã hội, số thẻ tín dụng hoặc những hình ảnh, địa chỉ riêng tư đều không nên chia sẻ lên internet, nhất là qua email. Tất cả đều có thể bị lợi dụng để đánh cắp các dữ liệu cá nhân bởi internet “không chỉ có mỗi mình bạn”.
Do đó, trước khi quyết định chia sẻ “chút gì đó của riêng bạn” lên internet, hãy suy nghĩ thật kỹ và đảm bảo người tiếp nhận các thông tin chia sẻ này không nắm được quá nhiều “điều gì đó” từ bạn. Trường hợp bạn đã chia sẻ mật khẩu tài khoản của mình cho một người nào đó, hãy đảm bảo rằng nó sẽ được thay đổi ngay nếu người đó không còn truy cập hoặc dùng đến nó nữa.
Hãy kích hoạt và sử dụng tính năng xác minh 2 bước
Tính năng Xác minh 2 bước (2-Step Verification hay 2FA) hiện rất phổ biến và được sử dụng rộng rãi, chứng tỏ đây là một phương pháp khá hiệu quả để bảo vệ tài khoản của bạn, bên cạnh bước nhập mật khẩu truyền thống.
Cơ chế 2FA khá đơn giản, đầu tiên bạn sẽ được yêu cầu nhập tên đăng nhập và mật khẩu, sau đó sẽ là bước yêu cầu nhập mã bảo mật ngẫu nhiên được gửi đến email, số điện thoại hay thông qua ứng dụng Authenticator hoặc dấu vân tay.
Nếu tài khoản dịch vụ của bạn có hỗ trợ tính năng này, hãy nhanh chóng kích hoạt ngay và cấu hình nó để nâng cao tính bảo mật cho tài khoản của bạn.
Thường xuyên kiểm tra và cập nhật hệ thống
Hành động này luôn không bao giờ thừa nếu bạn muốn hệ điều hành của thiết bị của mình luôn trong tình trạng tốt nhất và bảo mật nhất. Các lập trình viên ứng dụng và hệ điều hành luôn tung ra các bản cập nhật cho sản phẩm của mình để cung cấp các tính năng mới và cập nhật các bản vá, khắc phục các lỗ hổng bảo mật cũng như sửa các lỗi hệ thống nhầm nâng cao hiệu năng tổng thể của toàn bộ hệ thống trên thiết bị.
Do đó, việc thường xuyên kiểm tra và kịp thời tải, cài đặt các bản cập nhật hết sức quan trọng, giúp bạn giảm bớt các nguy cơ bị rò rỉ và mất cắp dữ liệu cá nhân.
Cẩn thận khi sử dụng các dịch vụ lưu trữ và đồng bộ đám mây
Hiện nay, các dịch vụ lưu trữ và đồng bộ đám mây ngày đang ngày càng phổ biến vì tính tiện lợi cao, cũng như nhiều ưu đãi nên số lượng người dùng các dịch vụ này ngày càng tăng. Tuy nhiên việc sử dụng các dịch vụ đám mây đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ bị mất cắp dữ liệu vì mọi dữ liệu của bạn đều được đồng bộ một cách tự động.
Do đó, nếu bạn đang sử dụng các dịch vụ đám mây, hãy tự bảo vệ mình và dữ liệu bằng cách như thiết lập một mật khẩu có độ khó và mạnh (kết hợp ngẫu nhiên của các ký tự chữ, số và biểu tượng), thiết lập mật khẩu bảo vệ cho các thư mục lưu trữ hay kích hoạt tính năng xác minh 2 bước, cẩn thận hơn trong việc liên kết tài khoản với các ứng dụng đám mây “không chính chủ”,…
Hạn chế hoặc không bao giờ chia sẻ các dữ liệu quan trọng qua kết nối Wi-Fi công cộng
Hầu như các quán café hay khu mua sắm ngày nay đều cung cấp Wi-Fi miễn phí cho mọi người. Đây cũng là điều kiện khá lí tưởng để các kẻ xấu lợi dụng để theo dõi và ghi nhận các thông tin mà người dùng kết nối để phục vụ mục đích xấu của mình. Do đó, bạn không nên thực hiện các giao dịch hay truy cập vào tài khoản ngân hàng trực tuyến của mình bằng kết nối Wi-Fi công cộng để tránh rò rỉ thông tin.
Trường hợp bạn bắt buộc phải thực hiện các hành động này, hãy nhanh chóng thay đổi thông tin mật khẩu ngay sau khi thực hiện giao dịch hoặc đăng nhập tài khoản. Bên cạnh đó bạn cũng nên tắt Wi-Fi trên thiết bị nếu không sử dụng hoặc đầu tư hẳn một dịch vụ VPN trên thiết bị để mã hóa, ngăn chặn và kiểm soát các hoạt động sử dụng internet của mình.
Hi vọng bài viết sẽ có ích cho bạn.
Nguồn: http://www.baomoi.com/nhung-loi-khuyen-bao-mat-ma-ban-nen-chu-y-trong-nam-2016/c/19157573.epi