Người Việt nhận thức về an ninh mạng thấp hơn nhiều nước trong khu vực
Nhận thức về bảo mật của người Việt còn nhiều hạn chế, là cơ hội để hacker tấn công.
Theo chia sẻ của ông Eric CW Yeo, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam ngày 21/4, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dùng Internet và lượng người dùng smartphone cao nhất Châu Á.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của ESAT cho thấy 87% người dùng Internet lo ngại về các nguy cơ trên mạng, nhưng chỉ 1/3 trong số đó có hành động bảo vệ.
Việt Nam cũng đứng thứ 5 danh sách các nước trên thế giới nơi người dùng đối mặt với những nguy cơ lớn nhất trên mạng, đồng thời là nước có mức độ nhận thức về an ninh mạng thấp nhất nếu so với Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, Ấn Độ và Hong Kong.
Bên cạnh đó, hơn 90% nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp tại Việt Nam kết nối với các tài khoản email của công ty thông qua smart phone, nhưng chỉ 1/3 cài đặt phần mềm bảo mật di động.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, năm 2015 trung tâm đã ghi nhận có 5.898 sự cố Phishing, 8.850 sự cố Deface, 16.837 sự cố Malware (tăng 1,7 lần so với năm 2014), đã cảnh báo và khắc phục được 3.885 sự cố (trong đó có 87 sự cố liên quan đến các tên miền “gov.vn”).
VNCERT ghi nhận 1.451.997 lượt địa chỉ IP cả nước bị nhiễm mã độc và nằm trong các mạng Botnet (tăng 1,6 lần so với năm ngoái) trong đó gửi cảnh báo cho 3779 lượt địa chỉ IP của các cơ quan nhà nước; điều phối, yêu cầu ngăn chặn 7.540 địa chỉ máy chủ C&C server điều khiển mạng Botnet và bóc gỡ mã độc tại 1.200.000 địa chỉ IP tại các máy bị nhiễm thuộc quản lý của các doanh nghiệp ISP.
VNCERT đánh giá, mã độc đa số là các liên kết ẩn được nhúng vào website thực hiện các thao tác không mong muốn như Like fanpage Facebook, ẩn link…
“Chỉ cần một nhân viên doanh nghiệp hay cá nhân một tổ chức nhấp chuột nhầm vào một đường dẫn không phù hợp hoặc nhiễm mã độc, hacker có thể có ngay “thẻ ra vào miễn phí” để tiếp cận hệ thống của doanh nghiệp”, ông Eric CW Yeo cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC, Phó chủ tịch CMC Telecom cho rằng các mục tiêu của tội phạm mạng đang ngày càng mở rộng, tinh vi nhằm thu thập và tận dụng các dữ liệu giá trị cao. Bên cạnh đó, các nhóm tội phạm cũng đang không ngừng câu kết với nhau, chia sẻ hạ tầng để triển khai các chiến dịch tấn công. Các tổ chức, doanh nghiệp luôn cần phải sẵn sàng chuẩn bị cho thách thức này.
Phan Minh