Formosa ‘qua mặt’ người dân
Đường ống xả thải nối liền từ khu vực dự án Formosa ra biển
Ngày 25.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây tình trạng hải sản chết bất thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh có liên quan rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác; có đề xuất biện pháp hỗ trợ ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống; không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chủ động tiến hành rà soát các dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng, về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Cá chết vì độc tố cực mạnh
Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 25.4 ở Hà Nội, Chủ tịch Hội Nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh cá chết hàng loạt ở miền Trung đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận và thiệt hại cho ngành thủy sản. Mức độ thiệt hại không chỉ gói gọn ở nguồn lợi cá ven bờ mà ngư dân đang nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng không dám thay nước, xuống giống. Cá đánh bắt xa bờ cũng bị ảnh hưởng khi sức tiêu thụ hải sản trên thị trường rất chậm so với cùng thời điểm những năm trước.
Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và phát triển thủy sản bền vững, cho rằng không đơn thuần là “con cá chết” mà ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sinh kế của hàng triệu hộ dân trải dài trên 300 km ven biển khi ngư dân ngừng đi biển, cá lồng không dám thả giống. “Để phục hồi sản xuất sẽ mất rất nhiều thời gian”, ông Lựu lo lắng.
Bày tỏ sự sốt ruột khi các cơ quan chức năng chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn tới cá chết trên diện rộng, ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững - Hội Nghề cá VN, “rất lo ngại” khi cá bị chết là các loài sống định cư ở tầng đáy. Nguồn gây chết cá có thể xuất phát từ nam Hà Tĩnh sau đó lan xuống Quảng Trị. Theo đó, có thể suy đoán độc tố đi theo dòng hải lưu, đi tới đâu cá chết tới đó. “Nếu tìm lấy mẫu xét nghiệm ngay từ những ngày đầu thì có thể dễ xác định được nguyên nhân, nhưng đến nay đã qua 10 ngày thì nguồn gây cá chết hàng loạt có thể suy tan”, ông Cương nói.
Chiều cùng ngày, Bộ NN-PTNT cho biết qua lấy mẫu và kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy, cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch. Các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Theo đó, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác đang chờ xét nghiệm để làm rõ.
Trong khi chất độc gây chết cá chưa được làm rõ thì hôm qua, ông Hoàng Dật Thuyên, Giám đốc Phòng An toàn vệ sinh môi trường Công ty TNHH gang thép Hưng Hiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), thừa nhận từ nhiều năm nay, FHS đã nhập khẩu nhiều loại hóa chất để phục vụ cho dự án và việc này đã được Bộ Công thương cho phép. Liên quan đến việc FHS sử dụng hóa chất để súc rửa đường ống, sau đó xả nước đã xử lý ra biển mà không báo cáo cơ quan chức năng liên quan của VN, ông Thuyên giải thích là do FHS không nắm được luật.
Không ai được tham vấn
Cũng trong ngày hôm qua, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện FHS, thông tin trong bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của công ty này được Bộ TN-MT và các cơ quan chức năng của VN phê duyệt đã có lấy ý kiến tham vấn của chính quyền và hầu hết người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, chính quyền và nhiều người dân TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) không hề được tham gia vào quá trình lấy ý kiến về việc cho phép xây dựng hệ thống đường ống xả thải ra biển nói riêng và ĐTM nói chung của dự án Formosa Hà Tĩnh do FHS làm chủ đầu tư.
Ông Chu Văn Thanh (46 tuổi, ngụ tại xã Kỳ Lợi, TX.Kỳ Anh) cho biết năm 2011, sau khi nhận được tiền đền bù đất ở, đất nông nghiệp và tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nhiều hộ gia đình tại địa phương đã phải chuyển đi nơi khác để nhường đất cho dự án Formosa. Từ đó đến nay, FHS đã cho xây dựng nhiều nhà máy, hạng mục công trình của dự án, trong đó có cả hệ thống đường ống xả thải nối từ dự án ra biển. Nhưng gia đình ông Thanh và nhiều hộ dân bị thu hồi đất đã không được FHS và các cơ quan chức năng liên quan lấy ý kiến, tham vấn cộng đồng trong quá trình đánh giá tác động môi trường của dự án. “Rất nhiều cuộc họp đã diễn ra, nhưng đó là những cuộc họp liên quan đến vấn đề thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng. Còn chúng tôi không được thông báo, cũng không được tham gia vào việc lấy ý kiến về đánh giá tác động môi trường của dự án”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Hậu (55 tuổi, ngụ tại xã Kỳ Lợi) bức xúc: “Tôi thực sự bất ngờ khi biết được một hệ thống đường ống xả thải của Formosa xây dưới đáy biển, gần nơi chúng tôi sinh sống. Nếu trước đó họ lấy ý kiến xây dựng đường ống này, chắc chắn chúng tôi sẽ không đồng ý. FHS và cơ quan chức năng đã qua mặt chúng tôi”.
Theo ông Trần Xuân Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi, có 298 hộ dân của xã buộc phải di dời để nhường đất cho dự án Formosa nhưng tất cả những hộ dân này đều không được tham vấn về ĐTM của dự án, trong đó có việc xây dựng hệ thống đường ống xả thải ra biển. Ông Trương Công Bình, Bí thư Đảng ủy P.Kỳ Trinh (TX.Kỳ Anh), cũng khẳng định hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn không được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng liên quan triển khai lấy ý kiến về ĐTM của dự án Formosa, trong đó có cả việc xây dựng hệ thống đường ống xả thải ra biển dù phường này nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của dự án.
Theo ông Trần Đình Thành, Bí thư Đảng ủy P.Kỳ Phương, khi FHS triển khai dự án Formosa thì gần 1.000 ha đất các loại bị thu hồi, cùng với đó là 1.500 hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và toàn bộ người dân trên địa bàn đều không được tham vấn về ĐTM của dự án này.
Một thợ lặn tại Formosa tử vong “có dấu hiệu bất thường”
Chiều 25.4, tin từ Công an H.Quảng Trạch, Quảng Bình cho hay đang chờ kết luận giám định pháp y về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Nguyễn Văn Ngày (46 tuổi, ở Nha Trang, Khánh Hòa), sau đó sẽ có hướng xử lý. Theo thông tin ban đầu, ông Ngày là thợ lặn thuộc Công ty CP xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc, đơn vị chuyên cung ứng lao động tại dự án Formosa).
Hằng ngày, ông làm việc tại công trường Formosa, sau đó vào lưu trú tại xã Quảng Phú (H.Quảng Trạch, Quảng Bình). Ông Ngày phát bệnh và được đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cấp cứu vào tối 24.4. Thông tin từ bệnh viện cho biết bệnh nhân đã tử vong trước khi vào bệnh viện. Vì nghi ngờ có dấu hiệu bất thường nên sự việc được trình báo cho Công an H.Quảng Trạch.
Bác sĩ tiếp nhận cấp cứu cho biết bệnh nhân Ngày, đã chết trước đó khoảng 1 giờ đồng hồ, da đã chuyển màu, lúc vào viện, tim và mạch không bắt được, đồng tử giãn, trên người không có vết thương. Những người đưa ông Ngày đến cấp cứu cho bác sĩ biết bệnh nhân có biểu hiện cứng hàm, tức ngực, khó thở rồi đột quỵ.
Cùng ngày, Tổng liên đoàn Lao động VN và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình đã phối hợp thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ ngư dân xã Bảo Ninh và P.Hải Thành (TP.Đồng Hới) vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ việc cá chết bất thường trong thời gian qua.
Huệ Minh
|
“Đã giao làm dự án thép thì không thể để còn đánh bắt cá tôm”
Sáng 25.4, trả lời câu hỏi của một số phóng viên, khi xây nhà máy này thì môi trường bên ngoài có ảnh hưởng không, ông Chu Xuân Phàm nói: “Chắc chắn có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng đến mức độ nào, việc xây dựng gần đây có gây ra ô nhiễm, hậu quả ô nhiễm nhanh chóng đối với con cá mực này không... Mình cố gắng làm theo quy định của VN, cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng. Em muốn bắt cá bắt tôm hay là thép, em chọn đi?". Khi các phóng viên nói: "Chúng tôi chọn cả hai", thì ông Phàm nói tiếp: "Chọn cả hai thì kể cả em làm Thủ tướng em cũng không thể có được".
Câu trả lời của ông Phàm đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, sau khi báo chí đăng tải. Chiều cùng ngày, trả lời phóng viên Thanh Niên, ông Phàm nói: “Khi một phóng viên hỏi, tôi trả lời rằng, khi chúng tôi vào đầu tư thì được cấp đất và một diện tích biển để làm cảng. Tỉnh đã giải phóng mặt bằng, người dân được tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Trong khu vực phạm vi cảng FHS người dân không thể vào đó đánh bắt vì tàu bè công suất lớn đi lại nhiều, lỡ xảy ra tai nạn thì sao. Khu vực đó đã giao FHS làm dự án thép thì không thể để còn đánh bắt tôm cá nữa”.
Nguyên Dũng
|
Thanh Niên