Nữ nghiên cứu sinh gốc Việt gây chấn động với phát minh pin dùng được ngàn năm
Mya Lê Thái đang gây được sự chú ý lớn trong giới khoa học quốc tế. (Ảnh: UCI)
Đây đươc coi là bước đột phá mang tính cách mạng trong công nghệ pin. Từ trước tới nay, thế giới vẫn không có nhiều đột phá trên pin Lithium-ion, trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng đòi hỏi nhiều. Thông thường, chu kỳ sạc của pin hiện nay vào khoảng 5.000 đến 7.000 lần.
Mới đây, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học California do nhà khoa học gốc Việt Mya Lê Thái làm trưởng nhóm đã tìm ra phương pháp mới giúp pin có thể sạc 200.000 lần mà không ảnh hưởng tới công suất, điện năng và bất kỳ hư hại nào liên quan tới sợi nano, đồng nghĩa với việc pin có thể được sử dụng hàng trăm, thậm chí ngàn năm. Kết quả đã được Hội năng lượng hóa học của Mỹ công bố hôm 20/4.
Trước đó, các nhà khoa học đã biết áp dụng sợi nano để chế tạo pin nhưng gặp hạn chế là chúng thường nở ra, giòn hơn và rạn nứt dần. Nhóm nghiên cứu của Mya Lê Thái đã giải quyết bài toán này bằng cách phủ một sợi nano từ phân tử vàng bằng một lớp vỏ chất mangan dioxide, sau đó nhúng vào chất điện phân làm bằng gel Plexiglass để tạo ra sợi nano bền vững hơn.
Mya Lê Thái trước là sinh viên hóa tại Cao đẳng Cộng đồng East Los Angeles, sau đó chuyển tiếp lên Đại học Los Angeles và hoàn thành khóa cử nhân hóa học năm 2010. Hiện tại, cô đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học California Irvine chuyên ngành hóa học.
Khánh Hòa