Nguy cơ an ninh mạng trong thế giới siêu kết nối
Đó là chia sẻ của ông Roland Chan - Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình tuân thủ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA - Liên minh Phần mềm - về vấn đề an ninh mạng trong tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới.
Ông Roland Chan phát biểu tại tọa đàm về thực thi quyền SHTT trong TTP, tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội. Ảnh: Phượng Hằng
Tin tặc đang ngày càng tinh vi
Được biết đây là năm thứ hai, BSA - Liên minh Phần mềm hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tháng hưởng ứng Ngày SHTT thế giới. Mục đích của BSA khi tham gia tổ chức là gì, thưa ông?
Một trong những mục tiêu lớn của BSA trong “Tháng hưởng ứng Ngày SHTT thế giới vì mục tiêu hội nhập” là nâng cao nhận thức về những rủi ro an ninh mạng đi kèm với việc sử dụng các phần mềm không có bản quyền.
Ngày nay, vấn đề an ninh mạng đang đặt ra những nguy cơ mới đối với cuộc sống nói chung cũng như hoạt động của doanh nghiệp nói riêng trong một thế giới siêu kết nối như hiện nay.
Thực tế là chúng ta đang sống và làm việc trong một hệ sinh thái toàn cầu phức tạp. Vì thế, các chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ những nguy cơ của tổ chức cũng như có cách nhìn toàn diện hơn về cách thức đối phó thông qua con đường hội nhập.
Theo ông, đâu là những nguy cơ cụ thể mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt?
Hiện nay, giới tin tặc là những tập đoàn tội phạm hết sức tinh vi, đủ khả năng thực hiện những cuộc tấn công phức tạp, có chủ đích. Tin tặc sẽ khai thác các dữ liệu, thông tin đánh cắp được nhằm thu lợi bất chính.
BSA đã khởi xướng nhiều chương trình tuyên truyền để hỗ trợ các công ty giải quyết vấn đề về phần mềm có giấy phép và quản lý phần mềm hiệu quả cho doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, những chương trình này đã đem lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy tội phạm an ninh mạng đang ngày càng gia tăng và vượt biên giới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các tổ chức, các doanh nghiệp phải thận trọng để bảo vệ mình từ các mối đe dọa này.
Nguy cơ mất dữ liệu vì mã độc tấn công
Ông có nhấn mạnh về mối tương quan giữa việc sử dụng phần mềm không bản quyền và bị tấn công mã độc. Ông có thể giải thích cụ thể hơn?
Một nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường và dự báo IDC cho thấy có tương quan tỷ lệ thuận giữa phần mềm không bản quyền và số lần nhiễm mã độc. Tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền của một nước càng cao thì số lần nhiễm mã độc trên các máy tính của nước đó càng nhiều và ngược lại.
Theo một khảo sát của BSA năm 2013, có tới 81% số phần mềm cài đặt trên máy tính cá nhân của Việt Nam không có bản quyền đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều websites của doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công trong những năm gần đây.
Ngoài an ninh mạng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với vấn đề gì khi Hiệp định TPP có hiệu lực, thưa ông?
Việt Nam đã tham gia TPP, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ những cam kết về bảo hộ và thực thi quyền SHTT - trong đó có phần mềm máy tính. Ngoài các biện pháp xử lý hành chính, dân sự, TPP sẽ thúc đẩy việc xử lý vi phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự. Khi dùng phần mềm không bản quyền, doanh nghiệp không chỉ có nguy cơ bị tấn công an ninh mạng mà còn gặp rắc rối về luật pháp.
Có ý kiến cho rằng việc sử dụng phần mềm có bản quyền không chỉ góp phần giảm nguy cơ tấn công an ninh mạng, tránh được những rắc rối về pháp lý mà còn giúp nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp. Ông bình luận thế nào về nhận định này?
Tôi cho rằng nhận định này là có cơ sở. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các dịch vụ giá trị gia tăng được thực hiện bằng những phần mềm có bản quyền giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao năng suất. Một nghiên cứu của BSA cho thấy rõ phần mềm bản quyền có lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế, có tác động kinh tế lớn hơn so với phần mềm không bản quyền ở tất cả các nước có mặt trong nghiên cứu - bao gồm cả Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Phạm Hoa (Thực hiện)
Nguồn: http://www.baomoi.com/nguy-co-an-ninh-mang-trong-the-gioi-sieu-ket-noi/c/19258049.epi