Nữ sinh Việt bốn lần nhận bằng khen Tổng thống Mỹ
Các du học sinh Việt Nam trong hành trình xuyên Việt IM Venture trải nghiệm, khám phá quê hương. Ảnh: NVCC.
Tỏa sáng nơi xứ người
Trong cộng đồng du học sinh Việt Nam, Lê Ngọc Tường Vân là gương mặt nổi bật về nghị lực và sự năng động. Vân sớm có ước mơ du học và đã thuyết phục được bố mẹ để cùng anh trai sang Mỹ năm 2007. Những ngày đầu nơi xứ người, cô bé Vân 12 tuổi với vốn tiếng Anh hạn chế phải đối diện rào cản ngôn ngữ, văn hóa... và nỗi nhớ nhà thường trực. “Mình đã rất buồn, sốc khi không thể bắt chuyện với ai, không hiểu mọi người trao đổi gì xung quanh”, cô chia sẻ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với Vân là cuộc sống tự lập. “Tự bản thân phải tìm hiểu những thông tin thay vì trước đây có bố mẹ lo lắng, định hướng. Thay vì lắng nghe dạy dỗ thì phải tự tìm những bài học cho riêng mình”, cô nói.
Quyết vượt qua khó khăn, Vân không ngừng nỗ lực học tập, làm quen với cuộc sống tự lập. Thay vì tới các trung tâm, cô lên mạng tìm các bài thi, tập làm các dạng bài tập và mượn sách từ thư viện về tra cứu, bổ sung kiến thức. Trong các năm học từ lớp 7 đến 12, Vân liên tục đạt danh hiệu “học sinh xuất sắc toàn diện”; vinh dự 3 lần nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ Obama, bằng khen của Thống đốc bang Florida. Đặc biệt, Vân hoàn thành chương trình học THPT với điểm số đáng nể (điểm tốt nghiệp 3.93/4; điểm kỳ thi SAT đạt 2.310/2.400 và điểm TOEFL đạt 118/120) và được 7 trường đại học danh tiếng của Mỹ trao học bổng toàn phần: Harvard, Yale, Stanford, Princeton, University of Pennsylvania, Emory University, University of California at Berkeley. Ngoài ra, Vân “bỏ túi” nhiều giải nhất trong các kỳ thi viết Văn nghị luận xã hội cấp khu vực và quốc gia; Giải nhì các cuộc thi Toán đồng đội; Giải nhì trong kỳ thi nhớ nhiều số pi nhất và kỳ thi chứng minh các công thức Toán học.
Bên cạnh đó, Tường Vân tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và nhận được nhiều khen thưởng, như: Huân chương của Tổng thống Mỹ Obama năm lớp 12; Danh hiệu Tình nguyện viên ưu tú của tổ chức HandsOn Jacksonville; nhận một số học bổng (trong đó, có học bổng trị giá 10.000USD từ Nordstrom, 2.000USD từ tổ chức Discus Award, và 1.000USD từ tổ chức Asian American Alliance).
“Nếu năm 2007, mình từng cảm thấy bối rối vì những điều mới lạ mà nước Mỹ mang đến, thì sau 7 năm sinh sống, mình lại bối rối khi cảm thấy bản thân đang dần xa rời Việt Nam. Điều này thôi thúc mình tìm cách kết nối lại với Tổ quốc, tìm hiểu những con người, phong tục tập quán, những lời ăn tiếng nói mà mình chưa hiểu rõ”.
Lê Ngọc Tường Vân
Nói về bí quyết thành công, Vân cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là tham gia các hoạt động ngoại khóa. “Các hoạt động ngoại khóa là cơ hội học tập rất tốt để khám phá được năng lực, sở thích và giá trị của bản thân; đồng thời có sự cảm nhận tốt hơn về cộng đồng và trang bị được các kỹ năng cho công việc, cuộc sống”. Trong môi trường đại học, Vân tiếp tục khẳng định bản thân khi tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Hiện cô là Trưởng ban tổ chức nội dung Hội nghị Intercollegiate Business Convention (Hội nghị kinh doanh quốc tế). Mỗi năm hội nghị có hơn 1.200 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia tham dự; thu hút nhiều công ty danh tiếng tại Mỹ tham gia như McKinsey, BCG, Goldman Sachs, Airbnb, etc...
Vân giới thiệu: “Mình quản lý nhóm 4 thành viên có nhiệm vụ tìm hiểu và mời hơn 100 vị khách là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn thành công trên thế giới. Cô cũng là quản lý của hội nghị khoa học máy tính WECode tại ĐH Harvard, dành cho nữ sinh theo học ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, cô còn tham gia các lớp học nhảy, lớp học làm gốm, và lớp ballet ở trường.
Các thành viên tham gia hành trình xuyên Việt IM Venture tại Tháp Chàm, Phan Rang. Ảnh: NVCC.
Hành trình tìm hiểu cội nguồn đất nước
Lê Ngọc Tường Vân là người sáng lập hai dự án với nhiều hoạt động hướng về cội nguồn đất nước, thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia. Đó là IM Venture – tổ chức các chuyến đi xuyên Việt để học sinh sinh viên người Việt trên toàn thế giới có cơ hội hiểu biết, gắn bó hơn với Tổ quốc. Đó là Students to Service - kênh online có hơn 11.000 thành viên, kết nối các bạn trẻ với các hoạt động ngoại khóa trong nước để tạo cơ hội cho các bạn học hỏi thêm những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, trở nên năng động hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Vân cho biết, ý tưởng thực hiện IM Venture, Students to Service... xuất phát từ những trải nghiệm trên đất Mỹ. “Nếu năm 2007, mình từng cảm thấy bối rối vì những điều mới lạ mà nước Mỹ mang đến, thì sau 7 năm sinh sống, mình lại bối rối khi cảm thấy bản thân đang dần xa rời Việt Nam. Điều này thôi thúc mình tìm cách kết nối lại với Tổ quốc, tìm hiểu những con người, phong tục tập quán, những lời ăn tiếng nói mà mình chưa hiểu rõ”, Vân nói.
“Mình ấn tượng nhất lần nhận giải Presidential Service Award từ Tổng thống Obama sau khi tình nguyện hơn 1.000 giờ trong 4 năm học THPT. Qua các hoạt động ngoại khóa, mình học được nhiều kỹ năng bổ ích để áp dụng vào cuộc sống, cũng như các dự án cộng đồng như Students to Service và IM Venture”.
Lê Ngọc Tường Vân
Đến nay, dự án IM Venture bước sang năm thứ 3. Vân cho biết, hành trình xuyên Việt của dự án đều khởi đầu từ TPHCM, kết thúc tại Hà Nội, nhưng lộ trình, hoạt động được thay đổi và đa dạng hóa theo chủ đề từng năm. Năm nay,IM Venture 2016 đã được khởi động, sẽ có 6 chuyến đi và 2 chủ đề: “Into the Wild” - khám phá thiên nhiên núi rừng ở Vĩnh Cửu, bán đảo Sơn Trà, rừng Quốc gia Bạch Mã, Ngũ Hồ, đạp xe quanh làng Bồng Lai tại Phong Nha và nhiều địa điểm khác; “Made in Vietnam” - trải nghiệm cuộc sống sông nước và chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long, thăm làng rau trà quế tại Hội An, học làm cơm hến và tham quan những địa điểm cổ kính khác tại cố đô Huế.
Cùng với hoạt động trải nghiệm, khám phá, IM Venture lồng ghép các buổi hội thảo, diễn thuyết chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng từ những người đi trước. Qua đó, IM Venture góp phần thay đổi nhận thức của nhiều bạn trẻ về giá trị của quê hương đất nước, giá trị của bản thân, cũng như phát triển kỹ năng mềm cần có trong xã hội hiện đại. Trải qua hành trình IM Venture, Nguyễn Lê Hiền Khanh (sinh viên năm 3, ĐH East Anglia) chia sẻ: “Trước đây mình nghĩ rằng, nếu được lựa chọn, chắc chắn sẽ bỏ tiền đi du lịch nước ngoài. Nhưng qua 10 ngày tham gia IM Venture, mình đã cảm thấy có sự thôi thúc bản thân cống hiến tuổi trẻ, làm được điều gì đó cho Việt Nam. Mình còn muốn quay lại những nơi đã đến thăm vì ở đó vẫn gợi nhiều sự tò mò, thích thú”.
Lê Ngọc Tường Vân.
Kết nối khởi nghiệp
Theo học chuyên ngành Kinh tế và Thống kê (ĐH Harvard) và tham gia nhiều hoạt động kinh doanh, hướng nghiệp, Tường Vân đang nỗ lực thực hiện ước mơ lập công ty, trở thành doanh nhân thành đạt, có nhiều cống hiến cho đất nước. “Trong tương lai, mình muốn về Việt Nam lập nghiệp, mở một công ty về khởi nghiệp khi đã cảm thấy có đủ khả năng và sự đam mê cho một ý tưởng nào đó”, Vân nói. Cô cũng cho hay, hè này sẽ đi thực tập tại công ty Morgan Stanley (New York ) với vị trí thành viên nhóm tư vấn về kế hoạch phát triển công ty cho CEO.
Liên quan hoạt động kinh doanh, Vân là phụ trách nội dung hội nghị khởi nghiệp tại ĐH Harvard – cung cấp thông tin về nhiều ngành nghề, lĩnh vực; đồng thời giới thiệu học sinh đến tìm hiểu, thực tập tại những công ty khởi nghiệp thành công. Vân cũng là thành viên đội đầu tư của CLB Smart Woman Securities để quản lý, đầu tư một danh mục trị giá hơn 20.000 USD và dạy học cho một CLB về đầu tư chứng khoán. Cùng CLB Women in Business, tham gia tổ chức các chuyến đi tham quan giúp các bạn trẻ tìm hiểu thêm về các ngành nghề tại các công ty ở Thượng Hải, New York, và Boston. Ngoài ra, cô đang làm trợ giảng và dạy học lớp thống kê cho trường với thầy Michael Parzen (lớp STAT 139 - Statistical Sleuthing through Linear Methods)”.
Nguồn: http://www.baomoi.com/nu-sinh-viet-bon-lan-nhan-bang-khen-tong-thong-my/c/19262142.epi