Thay vì thu tiền điện, quốc gia châu Âu giàu có này vừa trả cho dân tiền để dùng cho hết
Tổng sản lượng năng lượng tái tạo của Đức đã đạt tới một con số kỷ lục vào này Chủ nhật (8/5) vừa qua. Thặng dư năng lượng xảy ra bất ngờ khiến giới kinh doanh điện nước này thậm chí đã phải trả tiền cho người dân và các doanh nghiệp để tiêu thụ lượng điện thừa.
Một ngày Chủ Nhật (8/5) với thời tiết vô cùng thuận lợi tại Đức đã tạo điều kiện cho sản lượng điện tại quốc gia Châu Âu này tăng vọt đến ngưỡng thặng dư.
Vào thời điểm giữa ngày, tổng năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, gió, thủy điện và các nhà máy điện sinh học đã đồng loạt cung cấp khoảng 55 GW trong tổng sản lượng điện 63 GW được tiêu thụ trong ngày hôm đó. Nói cách khác, lượng điện tạo ra này chiếm tới 87% nhu cầu năng lượng của nước Đức vào ngày 8/5.
Biểu đồ năng lượng từ ngày 7-9/5 tại Đức.
- Đường màu tím biểu thị lượng điện năng tiêu thụ.
- Đường màu xanh dương biểu thị cho biểu mẫu giá điện.
- Khối màu xanh tím là số nhà máy điện đang hoạt động, bao gồm cả điện tái tạo.
- Khối màu xanh lá cây là sản lượng điện năng tái tạo được tạo ra.
Nhưng cũng vì vậy, giá điện tại Đức đã có sự biến động đến khó tin. Mọi quy luật bỗng chốc đảo chiều, các nhà cung ứng điện nước này phải trả tiền cho người tiêu dùng chỉ với một mục đích duy nhất: tiêu thụ hộ lượng điện năng thặng dư. Giá điện ở Đức lần đầu tiên rơi vào ngưỡng ÂM trong vòng vài tiếng trước khi trở lại bình thường.
Theo Agora Energiewende, một công ty chuyên nghiên cứu về năng lượng sạch cho biết, thời điểm năm ngoái, tổng lượng điện năng tái tạo trung bình của nước Đức chỉ khoảng 33%. Tuy nhiên, năng lượng gió đã góp phần cải thiện hệ thống điện năng lượng tái tạo.
Đại diện của Agora, ông Christoph Podewilscho biết: "Nước Đức đang tạo ra thị phần năng lượng tái tạo ngày một lớn hơn qua từng năm. Hệ thống điện này đã hoạt động khá tốt. Và vào thời điểm này, nó đang thể hiện tốt ngoài mong đợi".
Nhiều chuyên gia phân tích từng cho rằng, biểu đồ đỉnh và đáy của nguồn năng lượng tái tạo luôn thay đổi lên xuống hàng ngày. Chính vì vậy, hệ thống năng lượng sạch sẽ chỉ đóng vai trò một phần nào đó trong việc cung ứng điện năng cho cả một nền kinh tế lớn.
Tuy nhiên, lập luận này đang dần thoái lui nhường chỗ sự phát triển như vũ bão của năng lượng tái tạo tại Đức trong nhiều năm gần đây.
Chính phủ Đức cũng đang lên kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo từ nay tới năm 2050.
Trước Đức đã có rất nhiều quốc gia khác thành công với việc chuyển đổi mô hình năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, ví dụ như Đan Mạch. Quốc gia này với hệ thống tuabin gió khổng lồ thậm chí đã có lúc sản xuất vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước, sau đó phải bán phần thặng dư sang Đức, Na Uy và Thụy Điển.
Thế nhưng, phải khẳng định rằng, hệ thống quản lý điện năng tại Đức vẫn còn khá bất cập, gây bất lợi lớn cho cả người tiêu dùng lẫn nhà cung ứng điện. Các tín hiệu thay đổi về giá bán điện không thực sự rõ ràng khiến cả hai bên khó có thể thích ứng kịp.
Mặc dù các nhà máy điện khí đã bị đóng cửa nhưng các nhà máy điện hạt nhân và than đá vẫn tồn tại. Để hoạt động, họ phải trả tiền để bán số năng lượng bất ngờ dư thừa đó vào hệ thống lưới điện quốc gia trong nhiều giờ. Ngược lại, phía khách hàng là các nhà máy lọc dầu và người tiêu dùng dễ dàng kiếm được nguồn lợi từ việc tiêu thụ lượng điện năng do thặng dư năng lượng tái tạo đem lại.
Tuy vậy, Đức vẫn là một điển hình về quốc gia đi tiên phong trong việc cách mạng hóa hệ thống năng lượng quốc dân. Với một môi trường chính sách thông thoáng, Đức khuyến khích các mô hình dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ bằng cách đơn giản hóa nhiều thủ tục đăng ký và cấp phép. Từ đó, nhiều mô hình được nhân rộng hơn không chỉ dưới quy mô doanh nghiệp mà còn là các hộ gia đình và cá nhân.
Chưa kể, việc giảm bớt kiểm soát các công ty điện lực và áp dụng biểu thuế ưu đãi đã giúp thúc đẩy sản lượng năng lượng tái tạo ngày một phát triển và sánh ngang với nhiều quốc gia phát triển khác.
Tham khảo Quartz