Người Hàn có thông minh hơn người Việt?

on .

Sau khi đã săn trộm (poaching - chữ dùng của hãng thông tấn Reuters) Luc Donckerwolke, nhà thiết kế chính của hãng xe hơi hạng sang Bentley, Hyundai Motor Co. lại vừa săn được thêm một nhà thiết kế hàng đầu của Bentley. Thứ Hai tuần rồi, Reuters dẫn nguồn từ Hyundai Motor cho biết hãng xe hơi Hàn Quốc tuyên bố mình đã có trong tay bản hợp đồng với vị “phó tướng” cũ của Donckerwolke ở Bentley. Lần săn đầu người này của Hyundai cũng đặc biệt không kém vì vị “phó tướng” này là một nhà thiết kế người Hàn Quốc, Sangyup Lee, 46 tuổi, vốn chịu trách nhiệm về thiết kế bên ngoài các dòng xe Bentley.

Lee cho biết Hyundai đã bắt đầu tiếp cận mình cách đây hai năm và mình sẽ cùng Donckerwolke thiết kế Genesis, dòng xe hạng sang của Hyundai. “Trong hàng thập kỷ, những thương hiệu cao cấp như Bentley, Aston Martin và Maserati đồng nghĩa với việc làm sao sở hữu được chúng. Trong tương lai, với sự xuất hiện của những kỹ thuật mang tính chất đột phá, cao cấp sẽ có nghĩa là trải nghiệm. Người ta sẽ tìm đến những trải nghiệm đặc biệt hơn là chỉ sở hữu một cái gì đó đặc biệt”, Reuters dẫn lời Lee.

 

 

 

 

 

 

 

Tốt nghiệp trường thiết kế Art Center College of Design ở Pasadena, California (Mỹ) năm 1999, Lee làm việc cho hãng xe hơi GM trong 10 năm, cũng như nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Pininfarina và Porsche trước khi về với Bentley. Đầu quân cho Hyundai, thêm một lần nữa Lee cho thấy câu chuyện thành công của những đứa con trở về bước ra khỏi những bộ phim Hàn nhiều tập vào cuộc đời thật như thế nào. Họ chăm chỉ học tập để tiếp thu tinh hoa khoa học-kỹ thuật nước ngoài, rồi trở về làm giàu cho mình và cho đất nước.

Với những tài năng như Lee, Hyundai không những chỉ nhắm đến dòng xe Genesis mà còn muốn nâng mình lên ngang tầm với những tên tuổi hàng đầu thế giới như BMW, Boeing và Apple.

Từ câu chuyện của Lee, một câu hỏi bật lên: người Hàn có thông minh hơn người Việt? Đây là một câu hỏi khó. Có lẽ câu hỏi sau đây cũng khó trả lời như vậy: tại sao chúng ta vẫn chưa có những người như Sangyup Lee?

Xin dành câu trả lời đầy đủ cho những người có trách nhiệm. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, chỉ xin nói thêm một lý do vì sao cách dạy và học của chúng ta hiện nay rất khó có thể giúp Việt Nam có được nhiều người tài năng.

Trước hết, các nhà quản lý giáo dục ý thức rất rõ tầm quan trọng của giáo dục nên đã thiết kế chương trình sao cho có thể đặt các thế hệ học sinh dưới tầm kiểm soát chặt chẽ về tư duy.

Vì thế, trong giáo dục hiện nay ở Việt Nam, người ta rất coi trọng sự an toàn, nghĩa là phải làm sao đừng chệch ra khỏi những điều đã định sẵn. Chính tâm lý này đã biến phần lớn nội dung dạy và học giống như vẽ những vòng tròn mà thầy lẫn trò chỉ được phép “sáng tạo” trong chiếc vòng đó, không được phép nghĩ khác.

Tuy cách làm này có thể tạo sự an tâm, nhưng vô hình trung nó cũng bóp chết mọi sự sáng tạo trong học đường. Các nhà hoạch định chính sách cũng nên tự hỏi thời đại ngày nay các quốc gia cạnh tranh bằng gì. Không còn bằng sức lao động hay tài nguyên thiên nhiên nữa mà là bằng công nghệ tiên tiến thông qua sự sáng tạo. Hãy nhìn các thương hiệu hàng đầu thế giới nêu trên, giá trị lớn nhất của họ là gì, nếu không phải là sự sáng tạo. Steve Jobs đã biến Apple thành một biểu tượng sáng tạo của cả thế giới và nếu sự sáng tạo của Apple hụt hơi, công ty này sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng mặc cho những hào quang thành công trong quá khứ. Hình như đó là điều Apple đang phải đối mặt.

Sợ chệch hướng là đúng, nhưng Việt Nam phải thay đổi cách dạy và học hiện nay để học sinh có thể học và thực hành cách suy nghĩ sáng tạo nhằm làm giàu cho mình và cho đất nước. Những thế hệ học sinh thiếu sáng tạo sẽ dẫn đến một xã hội yếu về khoa học-kỹ thuật, và đó khó có thể là tiền đề cho một quốc gia hùng mạnh.

Một Việt Nam thịnh vượng cần những người Việt có khả năng sáng tạo biết bao. Đổi mới tư duy giáo dục theo hướng tôn vinh sự sáng tạo trong học đường là cách để chúng ta có được những tài năng như vậy!

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/146856/Nguoi-Han-co-thong-minh-hon-nguoi-Viet.html