[Khoa học] Cách học hiệu quả để ghi nhớ lượng lớn thông tin trước kỳ thi
"Làm thế nào để học hết vài ngàn trang sách để hoàn thành tốt một kỳ thi kéo dài khoảng 3 giờ trong thời gian nhanh nhất?" là câu hỏi mà không chỉ các bạn học sinh sinh viên mà ngay cả nhiều bạn đã đi làm cũng luôn đặt ra khi phải đối mặt với "nỗi ám ảnh thi cử ".
Các nhà khoa học có thể sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi đó nhờ vào những kết quả nghiên cứu trước đây về mặt tâm lý học và thần kinh học.
Tình huống đặt ra có vẻ như luôn khắc nghiệt khi mà ngày thi đã đến gần trong khi bạn luôn cảm thấy chưa có gì trong đầu! Đừng quá tuyệt vọng bởi nếu làm đúng cách thì bạn sẽ vượt qua được kỳ thi một cách trọn vẹn. Để làm được điều đó, các nhà khoa học khuyên rằng:
Tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật học tập tốt nhất. Học mỗi ngày một cách có chiến lược. Tối ưu hóa chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thói quen tập thể dục. Các kỹ thuật học
Trên thực tế có khá nhiều kỹ thuật học tập khác nhau mà các bạn có thể tham khảo. Bên dưới đây là một số biện pháp tham khảo: hiệu ứng giãn thời gian và khảo sát.
Hiệu ứng giãn thời gian
Đây được các nhà nghiên cứu gọi là cách dễ dàng nhất để nắm bắt một lượng lớn thông tin và nó thường được áp dụng nhất không chỉ trong quá trình học tập mà còn cả trong quá trình nghiên cứu khoa học. Ý tưởng cơ bản của cách làm này là khi bạn học những thứ mới, não của bạn sẽ lưu trữ thông tin vào trong các tế bào thần kinh. Sau đó nó sẽ kết nối các tế bào này với những tế bào thần kinh hiện đã chứa sẵn thông tin mà người học đã biết, hình thành nên một mạng lưới các mối quan hệ.
Vấn đề ở đây là não của bạn chỉ có thể phát triển mạng lưới liên kết thần kinh này mạnh mẽ nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Mối liên hệ này phải được lặp đi lặp lại bởi thể chất vật lý của não bộ không có đủ khả năng để phát triển một mạng lưới thần kinh đủ mạnh nếu chỉ cho nó 1 ngày và sau đó bắt nó duy trì các liên kết một cách hoàn hảo. Đó là lý do tại sao nếu bạn cố ép mình học cùng một lượng thông tin nhiều lần trong 1 hoặc 2 ngày, hay nói cách khác là nhồi nhét, thì bạn vẫn rất khó để nhớ hết chúng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng cách làm hiệu quả hơn là cung cấp cho não của bạn những thông tin mới và sau đó là đợi ít nhất 1 ngày trước khi ôn lại. Cách làm này cho phép não có thời gian để vun đắp những mối liên kết nó đã hình thành trước đó, nói cách khác khi đó nó sẽ sẵn sàng về mặt thể chất để có thể tạo nên những mối liên kết thần kinh thật sự mạnh mẽ ở lần học thứ 2.
Thú dụ như tuần sau bạn đi thi, cách nào tối ưu là xem lại tài liệu 1 lần mỗi ngày trong 7 ngày thay vì học 30 lần trong 1-2 ngày. Mặc dù bạn học ít hơn nhưng sẽ hiệu quả hơn bởi cách làm này thuận theo cách lưu trữ thông tin tự nhiên trong não bộ. Câu chuyện sẽ hơi khác một chút nếu bạn có cả 1 năm để chuẩn bị cho một kỳ thi, nhưng nguyên tắc ở đây vẫn có thể được áp dụng. Bạn sẽ muốn có thêm nhiều khoảng giãn thời gian để tất cả thông tin bạn cần học có thể được lưu trữ và duy trì trong não bộ để sẵn sàng cho kỳ thi.
Khảo sát
Phần thứ 2 trong kế hoạch chiến thắng kỳ thi chính là kỹ thuật học khảo sát. Như tình huống ở đầu bài, bạn có hàng ngàn trang tài liệu cần học. Nghe có vẻ rất nhiều nhưng bằng cách sử dụng hiệu ứng giãn thời gian và khảo sát, bạn sẽ có thể xem lại những thông tin cần thiết hàng chục lần trong vài tháng tiếp theo. Cách học giãn thời gian áp dụng nhiều lần sẽ là chìa khóa giúp bạn ghi nhớ mọi thứ cần thiết.
Khảo sát là kỹ thuật giúp bạn cô đọng hàng ngàn trang tài liệu vào trong một khu vực có thể kiểm soát được. Và giả định khi áp dụng cách làm này theo cách bên dưới là phải diễn ra ngay trong quá trình học. Đọc chương sắp học và những tài liệu cần thiết vào ngày trước khi lên lớp. Chỉ đánh dấu những thông tin quan trọng trong sách hoặc những tài liệu khác mà bạn đọc. Đừng đánh dấu bất cứ điều gì trong câu hoặc đoạn chủ đề (đoạn tóm ý của cả vấn đề). Đi học và ghi chép ngắn gọn, tóm tắt bài học bằng tay. Đảm bảo rằng bạn giữ những ghi chú này lại để có thể dễ dàng xem lại chúng đồng thời với khi bạn xem lại cả chương. Từ giờ, khi bạn đọc lại các chương, chỉ đọc tiêu đề, các câu chủ đề (thường là những câu đầu mỗi đoạn) và những nội dung được tác giả nhấn mạnh, những nội dung mà bạn đã đánh dấu. Kết thúc bằng cách đọc đoạn tóm lượt của chương vì chúng tóm gọn toàn bộ thông tin trong cả chương. Hầu hết những thông tin quan trọng mà bạn cần học đều được đọc trong tiêu đề, các câu chủ đề, các đoạn nhấn mạnh, những gì mà bạn đánh dấu. Thí dụ như một câu chủ đề thường tóm các ý của cả một đoạn, còn phần còn lại chỉ xây dựng thêm và giải thích cho ý tưởng chính. Do đó, nếu bạn đã đọc hết cả chương đó, bạn cần phải nắm được cả chương đó muốn nói gì và bằng cách đọc những phần quan trọng nói trên, bạn sẽ được nhắc lại những gì mà đoạn văn đó nói. Bằng cách này, 1 chương mà trước đây bạn mất 1 giờ để học thì bây giờ chỉ cần 5-10 phút để ôn lại, cho phép bạn ôn được nhiều lần và qua đó, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách giãn thời gian để ghi nhớ. Ngoài ra, cần phải xem lại những gì mà bạn đã ghi chép trong quá trình ôn bài. Do trước đây bạn đã ghi chép bằng tay một cách ngắn gọn nên cũng không mất quá nhiều thời gian để học và điều này sẽ đảm bảo rằng những thông tin sẽ được nhớ kỹ hơn trước khi thi.
Nếu mỗi ngày bạn đọc 100 trang, thì chỉ mất 20 ngày là bạn đã đọc được 2000 trang sách và đánh dấu những thông tin quan trong mà trong sách chưa tô đậm, in nghiêng, đóng khung,... Quan trọng nhất, cách đọc nhanh này sẽ cho não bạn một cái nhìn hoàn chỉnh lần đầu tiên về mọi thứ mà bạn cần phải học cho kỳ thi cuối năm. Bây giờ mối quan tâm tiếp theo của bạn là tạo nên các khoảng giãn thời gian, cho phép trí nhớ có thể nhìn lại các thông tin hết lần này tới lần khác nhưng nhớ là phải giãn ra ít nhất là 1 ngày giữa mỗi lần ôn để não có thời gian củng cố mạng lưới các liên kết thần kinh.
Và với cách làm này, các nhà khoa học cho rằng có thể ôn 300 trang mỗi ngày cùng với những đoạn ghi chép khi học trong vòng chỉ 2 giờ học bài. Với tốc độ này, bạn có thể học hết 2000 trang sách chỉ trong chưa đầy 1 tuần. Nếu như bạn có thời gian tới vài tháng trước khi thi, bạn có thể lên lịch ôn bài với khoảng 20 - 30 khoảng giãn thời gian, đủ để nhớ đủ kiến thức cho kỳ thi.
Tối ưu lối sống
Có một vài thứ mà bạn cần phải điều chỉnh lại trong lối sống hàng ngày có thể tăng cường khả năng ghi nhớ của bạn một cách đáng kể.
Có giấc ngủ thích hợp
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những sinh viên đi ngủ muộn nhất là 22 giờ càng nhiều thì điểm số càng cao hơn các sinh viên ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn. Có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho vấn đề này (một trong số đó là tối ưu hóa lượng melatonin) nhưng cách làm này được cho là sẽ tăng cường khả năng ghi nhớ, tối ưu hóa bộ nhớ và giúp bạn tập trung học tập hơn.
Tập thể dục đúng cách
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa việc tập thể dục thể thao với hiệu suất học tập. Hãy tập thể thao mỗi ngày, bất cứ bộ môn và cường độ nào phù hợp với mỗi người.
Chế độ dinh dưỡng đúng
Một nghiên cứu cho đăng tải trên tạp chí The American Journal of Medicine đã chỉ ra những bữa ăn nhiều chất béo có thể làm giảm lượng oxy trong máu khoảng 20% và thậm chí là làm cho máu ngừng chảy tại các mao mạch nhỏ. Do đó, một số ý kiến cho rằng nên tránh các chất béo, thay vào đó là ngũ cốc, rau củ quả, đậu, hạt và trái cây. Nhưng nhớ, chỉ uống nước thôi nhé.
Trên đây chỉ là một trong số nhiều biện pháp mà các nhà khoa học đưa ra nhằm giúp những ai đang đối mặt với ám ảnh thi cử có thể dễ dàng vượt qua được kỳ thi với kết quả tốt nhất. Tất nhiên đây mới chỉ là về mặt lý thuyết, bạn nào đã hoặc đang trải qua quá trình học tập thi cử, có kinh nghiệm nào hay thì cũng chia sẻ xuống bên dưới cho các bạn khác được biết nhé. Chúc vui vẻ.
Tham khảo MD , Flickr , PD