10 cách trở thành người tiêu dùng thông minh

on .

Bạn đừng nên mua sắm để khoe khoang hay xoa dịu nỗi buồn, vì ham rẻ hay tin lời quảng cáo.

Giữa thiên la địa võng các thông tin về hàng hóa, chiêu trò khuyến mãi…, người tiêu dùng dễ mắc phải sai lầm trong mua sắm. 10 lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn câu chuyên mua sắm và hạn chế những rắc rối không đáng có.

Lập kế hoạch chi tiêu

Nhiệm vụ của các nhà sản xuất là bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt, còn nhiệm vụ của người mua là chi tiêu càng hợp lý càng tốt. Bạn nên lập kế hoạch cân đối giữa thu nhập và nhu cầu, nhằm tránh tình trạng thâm hụt ngân sách. Điều này không hề đơn giản nhưng cũng chẳng phải bất khả thi.

Không mua theo phong trào

Mua sắm đôi khi là hành động theo phong trào. Nhiều lúc bạn mua món đồ nào đó vì được người khác rủ rê chứ không thực sự xuất phát từ nhu cầu bản thân. Những vật dụng không cần thiết chỉ khiến góc nhà chật chội hơn hoặc khiến bạn phải tiếc nuối "giá như không mang món đồ vô nghĩa này về nhà".

Tránh xa mục đích khoe khoang


Đừng để nhu cầu khoe khoang dẫn dắt hành vi mua sắm. Ảnh The Entrance.

Đừng để nhu cầu khoe khoang dẫn dắt hành vi mua sắm. Ảnh The Entrance.

Để nhu cầu khoe khoang dẫn dắt hành vi mua sắm là cách khiến bạn rỗng túi nhanh nhất. Đôi khi bạn phải nỗ lực để tậu món đồ hàng hiệu chỉ với mục đích nở mày nở mặt trước bạn bè, đồng nghiệp. Người tiêu dùng thông minh là người biết mua sắm khoa học, đúng mục đích và theo khả năng tài chính của bản thân.

Kiểm kê đồ đạc thường xuyên

Nhiều người than thở rằng, họ thậm chí không nhớ nổi mình đã mua cái gì cho đến một ngày đẹp trời, bỗng tìm thấy trong góc tủ nào đó. Nếu kiểm tra đồ đạc thường xuyên hơn, bạn sẽ không lãng phí tiền bạc đến vậy.

Đừng xoa dịu bản thân bằng mua sắm

Mỗi khi rơi vào trạng thái buồn chán hoặc rảnh rỗi, bạn thường đi mua sắm. Liệu pháp này có tác dụng nhất thời đến tâm lý, thế nhưng chẳng mấy chốc nhà bạn sẽ ngập những món đồ nhỏ xinh không cần thiết. Thay vì tiêu tiền, hãy cân bằng cảm xúc bằng nhiều cách khác như chơi thể thao, nghe nhạc… Đôi khi, tách mình ra khỏi cuộc sống vật chất bằng cách về nông thôn nghỉ dưỡng vài ngày, bạn sẽ thấy không cần mua sắm quá nhiều mà vẫn vui vẻ.

Tránh mua vì ham rẻ

Ham rẻ khiến bạn mua phải hàng kém chất lượng hoặc lãng phí vì không có nhu cầu sử dụng. Chiêu bài hạ giá của các doanh nghiệp khiến bạn tốn thêm một mớ tiền mà đáng lẽ ta nên dùng làm việc khác cần thiết hơn.

Hạn chế tác động của quảng cáo

Quảng cáo giúp người tiêu dùng có thêm nhiều thông tin, tuy nhiên cách tiếp nhận không chọn lọc khiến bạn ảo tưởng về giá trị thực của sản phẩm. Hãy là người mua thông thái và đừng để các mẩu tin quảng cáo dẫn dắt mình. Bên cạnh đó, nên quan tâm đến các chỉ dấu chất lượng, tìm hiểu kỹ điều khoản mua bán, chứng từ liên quan hoặc ít nhất là hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Tham khảo đánh giá của người khác

Tham khảo ý kiến người dùng trước là thói quen tốt khi mua hàng, đặc biệt là mua sắm online, khi bạn chưa từng trải nghiệm sản phẩm. Tất cả thông tin đều có thể tìm thấy trên Internet, vì vậy hãy dành thời gian nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định đặt hàng qua mạng. Các trang mua sắm trực tuyến thường chấm điểm uy tín của shop cùng nhiều đánh giá phản hồi về chất lượng từ người mua, giúp shop cải thiện dịch vụ và người mua sau dễ dàng đưa ra quyết định.

Theo An San (VnE)