Lỗ hổng nào giúp hướng dẫn viên TQ hoạt động chui ở VN?
(TBKTSG Online) - Sau khi xuất hiện clip ghi lại cảnh hướng dẫn viên du lịch (HDV) Trung Quốc hoạt động chui, giới thiệu thông tin lịch sử sai lệch đến du khách nước này tại các điểm du lịch ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tổng cục Du lịch và chính quyền các địa phương đã đưa ra các biện pháp xử lý. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ không chỉ là thắt chặt quản lý mà còn là tìm kiếm và bịt lại các lỗ hổng trong Luật Du lịch.
Du khách Trung Quốc trên đường phố Nha Trang - Ảnh: B.U |
Thiếu sự phối hợp
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại, ông Lưu Đức Kế, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, lỗ hổng đầu tiên nằm ở sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan ban ngành. Không chỉ có HDV Trung Quốc, cả HDV Đài Loan, Hàn Quốc cũng công khai hoạt động tại nhiều điểm du lịch trên cả nước từ nhiều năm nay. Thực trạng là như thế nhưng chỉ đến khi có clip HDV Trung Quốc giới thiệu sai lệch các thông tin lịch sử, văn hóa Việt Nam, các cơ quan quản lý mới vào cuộc một cách gắt gao.
Ông Kế cho rằng, từ trước đến nay, việc kiểm soát hướng dẫn viên chỉ do ngành du lịch làm, trong khi đây là vấn đề liên quan đến xuất nhập cảnh, quản lý lao động nước ngoài.
Theo ông Kế, Luật Du lịch hiện nay khá “thoáng” khi cho phép khách nước ngoài đi theo đoàn vào Việt Nam chỉ phải mua dịch vụ từng phần mà không bắt buộc phải mua tour trọn gói. Quy định này tạo điều kiện thuận tiện cho du khách nhưng lại là kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng nhập cảnh vào Việt Nam lao động trái phép theo visa du lịch.
“Phải có sự phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh. Cơ quan này phải áp dụng kiểm soát khách ngay tại cửa khẩu sân bay. Ví dụ như ở Mỹ, dù bạn có visa nhập cảnh nhiều lần nhưng khi đến, họ vẫn hỏi đi du lịch ở đâu, đặt khách sạn nào. Nếu không làm rõ được thông tin này, họ sẽ đề nghị mua các dịch vụ du lịch rồi mới cho vào, nếu không sẽ từ chối nhập cảnh”, ông Kế giải thích.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cũng cho hay, tình trạng HDV nước ngoài hoạt động “chui” tồn tại từ nhiều năm nay ở Khánh Hòa, nhưng các cơ quan dường như đã buông lỏng công tác quản lý.
“Đây không đơn thuần là trách nhiệm của ngành du lịch mà còn cả các cơ quan xuất nhập cảnh, cơ quan quản lý lao động. Bởi lẽ, nhân sự ngành du lịch ở mỗi địa phương hiện còn khá mỏng, không đủ sức kiểm soát được hết lượng khách Trung Quốc. Những HDV chui này khi nhập cảnh vào Việt Nam rồi thì giả dạng làm du khách bình thường hay trưởng đoàn du lịch, nếu không có clip chứng minh họ đang làm HDV thì khó mà xử phạt. Vậy tại sao không kiểm soát ngay từ lúc nhập cảnh vào?”, ông Thành đặt câu hỏi.
Tiêu chuẩn hướng dẫn viên Việt Nam còn khắt khe
Lỗ hổng thứ hai nằm ở chỗ nguồn lực HDV biết tiếng Hoa ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu lớn từ khách Trung Quốc.
Theo ông Thành, hầu hết du khách Trung Quốc đến Việt Nam không sử dụng được tiếng Anh nên cần hướng dẫn viên tiếng Hoa đi theo trong suốt thời gian lưu lại Nha Trang. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, ở Nha Trang chỉ có 10 HDV tiếng Hoa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cấp thẻ HDV quốc tế. Các công ty du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Khánh Hòa đã phải tuyển thêm hướng dẫn viên tiếng Hoa từ các địa phương khác nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
“Không phải công ty du lịch Trung Quốc nào cũng làm ăn không đàng hoàng, họ cũng cần HDV tiếng Hoa để đúng với luật pháp Việt Nam và khách hàng của họ hưởng dịch vụ tốt nhưng thật sự là không hề dễ. Với số lượng khách Trung Quốc hiện nay, Khánh Hòa phải cần thêm 500 HDV”, ông Thành nhận định.
Tình trạng thiếu HDV tiếng Hoa nói trên được cho là xuất phát từ quy định của Luật Du lịch ban hành năm 2005, trong đó quy định HDV quốc tế phải có bằng đại học. Thực tế, theo ông Thành, có nhiều lao động khả năng tiếng Hoa tốt, công ty lữ hành muốn thuê về làm HDV nhưng lại bị kẹt ở tấm bằng đại học.
Ông Thành cho rằng, tình hình HDV Trung Quốc hoạt động chui khó mà chấn chỉnh được với các quy định cấp thẻ HDV hiện hành, đồng thời đề xuất ngành du lịch nên chữa cháy bằng cách tạm thời bỏ qua tiêu chuẩn phải tốt nghiệp cử nhân mà chấp nhận những lao động biết tiếng Hoa.
“Sở Du lịch hay Hiệp hội Du lịch tổ chức lớp đào tạo kỹ năng cho những trường hợp này rồi xét cấp thẻ HDV tạm thời. Thẻ này có thể chỉ có hiệu lực trong 3-6 tháng”, ông Thành nêu ý kiến.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng gần 48% so với cùng kỳ. Khách Trung Quốc chiếm 1/4 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), mỗi ngày ước tính đón khoảng 1.000 khách Trung Quốc. Còn tại Đà Nẵng, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách Trung Quốc ước đạt gần 212 ngàn lượt, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện toàn thành phố có 360 hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc được thành phố cấp thẻ. Sở Du lịch Đà Nẵng mới đây đã thông báo, nếu HDV nào phát hiện báo về Sở địa điểm HDV Trung Quốc hoạt động chui, trong vòng 30 phút, cơ quan chức năng sẽ có mặt xử lý. Nếu có bằng chứng cụ thể, đối tượng này sẽ bị trục xuất về nước. Tổng cục Du lịch cũng đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc vụ HDV Trung Quốc xuyên tạc lịch sử, bôi xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; đồng thời có văn bản gửi Cục Du lịch Trung Quốc, trao đổi về những hành vi phạm của người Trung Quốc như đốt tiền Việt Nam, sử dụng nhân dân tệ mua hàng hóa, làm HDV du lịch trái phép... |
Nguồn: TBKTSG Online