Báo Nhật bàn chuyện thất nghiệp của cử nhân VN

on .

Bài viết bàn về nguyên nhân thất nghiệp của cử nhân Việt Nam của tác giả Atsushi Tomiyama đăng trên tờ Nikkei của Nhật Bản. Dưới đây là bản dịch nguyên văn bài viết.

Bao Nhat ban chuyen that nghiep cua cu nhan VN - Anh 1

Sinh viên ĐH Việt Đức tại TP.HCM. Ảnh: AP

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số cử nhân thất nghiệp của Việt Nam ngày càng tăng: 192.500 người – chiếm 15% tổng số người thất nghiệp của cả nước. Mặc dù có trình độ học vấn cao cộng nhưng những người tốt nghiệp đại học này thường không có việc làm do các vấn đề về tổ chức.

Trước hết, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn nước ngoài do bị thu hút bởi lực lượng lao động thu nhập thấp. Ví dụ như Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc có 110.000 công nhân viên Việt Nam và có 2 nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh. Hầu hết trong số đó là công nhân, chỉ có một phần nhỏ là có trình độ đại học. Việc phụ thuộc quá mức vào vốn đầu tư nước ngoài gây cản trở cho sự phát triển của ngành công nghiệp nội địa, và số lượng cử nhân ngày càng tăng hiện cũng đang phải làm việc vất vả tại những nhà máy này.

Thứ hai, các doanh nghiệp tập trung ở 2 thành phố lớn: Hà Nội và TP.HCM. Các công ty lớn hầu hết nằm ở đây. Rất ít tên tuổi lớn có trụ sở ở thành phố lớn thứ 3 là Đà Nẵng – nơi mà mức lương trung bình hàng tháng là khoảng 300 USD – thấp hơn Hà Nội và TP.HCM từ 20-30%. Việt Nam hiện có 63 tỉnh thành và các tỉnh thành này, theo nguyên tắc, là đang tự triển khai những phương cách riêng để thu hút vốn nước ngoài, dẫn đến sự thiếu cân bằng trong việc phân phối các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, về mặt tích cực, trình độ giáo dục của Việt Nam đang tăng lên. Trong đó, số trường đại học tăng lên hằng năm, số cử nhân tăng 40% so với năm 2010 - lên 4,42 triệu cử nhân vào năm 2015. Nhiều trường học nhiệt tình với công tác giảng dạy đến mức Chính phủ phải cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học.

Nền kinh tế Việt Nam đang mở rộng khoảng 7% mỗi năm – một trong những mức phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Đến khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nền kinh tế sẽ như có thêm “cánh”. Nuôi dưỡng ngành công nghiệp trong nước và thu hút vốn nước ngoài tới những địa phương khác ngoài 2 thành phố lớn sẽ cải thiện vấn đề việc làm cho các cử nhân đại học. Một nền kinh tế không mang lại lợi ích cho người dân của mình sẽ không thể tồn tại được.

Nguyễn Thảo (Theo Nikkei)

 

Nguồn: Báo Mới.Com