Lập trình viên bỏ nghề code mở startup bán gốm sứ online: Bỏ việc ở tuổi 30 thực sự là một bài toán liều lĩnh

on .

Đang xây nhà, vợ đang mang bầu bé thứ 3 cùng lúc quyết định bỏ việc nghìn đô để ở nhà khởi nghiệp với sản phẩm thủ công truyền thống là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời chàng kỹ sư phần mềm.

 
 

Địa chỉ anh Quý hẹn đón là công trình nhà ở đang thi công đến tầng thứ 4. Chị Thu, vợ anh Quý cho biết, dù đổ gần nửa tỷ vào khởi nghiệp nhưng một mặt bằng để kinh doanh là điều cần thiết ở Bát Tràng.

Vợ đang mang bầu bé thứ 3, nhà đang xây cùng lúc quyết định nghỉ việc là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời anh Quý từ khi sinh ra cho đến bây giờ.

Dẫn chúng tôi tới xưởng gốm thủ công cách đó 200m, vợ anh Quý cho biết, chị cũng vừa quyết định nghỉ việc ở một công ty lớn để giúp chồng khởi nghiệp.

 


Anh Trần Dương Quý.

Anh Trần Dương Quý.

 

Bỏ việc nghìn đô ở nhà kinh doanh gốm sứ online

Đón chúng tôi tại xưởng sản xuất gốm thủ công 2 tầng rộng chừng 1.000m2, anh Quý ăn mặc giản dị với chiếc áo màu cam in logo thương hiệu Battrangonline bên ngực trái.

4 chiếc cốc uống nước trên bàn cũng được in cùng logo và thương hiệu với chiếc áo anh đang mặc. Anh Quý cho biết, đây là một trong những cách để anh quảng bá sản phẩm của mình ra bên ngoài.

Sinh năm 1983, song bề ngoài anh Quý trẻ hơn tuổi khá nhiều. Trước đó, anh tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội nhưng lại thành công với vai trò là một lập trình viên phần mềm (IT).

10 năm tâm huyết với nghề, anh Quý là coder thuần túy khi làm lập trình viên tại tập đoàn FPT rồi lên làm team leader (trưởng dự án), giám đốc bộ phận ở những công ty, tập đoàn lớn như VCCorp, Vingroup…

 


Facebook là mộ trong những kênh được anh Quý lựa chọn để quảng bá và kinh doanh sản phẩm. Ảnh chụp màn hình.

Facebook là mộ trong những kênh được anh Quý lựa chọn để quảng bá và kinh doanh sản phẩm. Ảnh chụp màn hình.

 

Năm 2014, tại đơn vị cuối cùng anh từng làm việc, là một trong những người đầu tiên tham gia dự án VinEcom của VinGroup, anh Quý nhận ra được tiềm năng của Internet là rất lớn. Từ đó, chàng trai 31 tuổi nung nấu ý định về một dự án khởi nghiệp cho riêng mình.

Thế nhưng, là trụ cột chính gia đình một vợ và 2 con nhỏ, việc từ bỏ một công việc với mức lương cao ở một tập đoàn lớn là một bài toán liều lĩnh.

Cũng vì thế, phải mất 2 tháng băn khoăn trăn trở, anh Quý mới quyết định trình đơn xin thôi việc.

Với lợi thế là dân IT, từng tiếp cận thường xuyên với những đội làm sale, marketing nên các khâu dựng web, chạy quảng cáo với anh khá dễ dàng.

Chỉ sau một thời gian ngắn qua Facebook, Google,… lượng khách hàng biết và mua sản phẩm tăng lên đáng kể. Hiện trang Facebook của anh đã có tới 34.000 lượt thích với hơn 3.000 lượt truy cập mỗi ngày.

Khởi nghiệp ở tuổi quá 30 khó cho phép mình được "sửa sai" lần nữa

Rẽ trái con đường nghề nghiệp từ một anh kỹ sư phần mềm sang làm kinh doanh là một điều không hề dễ dàng với anh chàng ở tuổi “over 30”. Vì lẽ đó, những vấn đề về đầu vào - ra, và đặc thù sản phẩm là những thách thức lớn.

Rất may, chị Thu, người bạn đời của anh Quý lại là người gỡ rối những vấn đề này.

“Internet phát triển là cơ hội cho những sản phẩm truyền thống được quảng bá dễ dàng hơn. Trong khi đó, gốm sứ Bát Tràng là một trong những sản phẩm truyền thống hữu ích trên chính quê hương mình, nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn”, vợ anh Quý cho hay.

 


Quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với lĩnh vực hoàn toàn mới, song anh Quý cho biết không cho phép mình sửa sai ở tuổi quá 30. Ảnh: M.Lan.

Quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với lĩnh vực hoàn toàn mới, song anh Quý cho biết không cho phép mình "sửa sai" ở tuổi quá 30. Ảnh: M.Lan.

 

Tuy nhiên, điều khiến vợ chồng anh phải đau đầu là bản quyền hình ảnh. Mẫu mã sản phẩm của làng gốm bị sao chép và làm giả rất nhiều là nguyên nhân khiến các xưởng đều “lắc đầu” khi anh Quý đề nghị chụp ảnh sản phẩm để quảng bá trên Facebook.

Thế nhưng, với các đơn đặt hàng liên tục gọi tới, hơn 100 sản phẩm được bán ra mỗi ngày, trong đó 70% qua hình thức online đã thuyết phục được các chủ xưởng ở đây đồng ý.

“Đặc thù của làng nghề là bán khá chậm vào những tháng hè. Tuy nhiên, khi bán online, sản phẩm được quảng bá mọi lúc mọi nơi, lượng giao dịch hiệu quả và khá đều. Do đó, đây chính là ưu điểm dễ nhận thấy khi đưa sản phẩm truyền thống quảng bá trên mạng xã hội”, anh Quý cho hay.

Một vấn đề không tránh khỏi là ngay sau khi trang web Battrangonline ra mắt được 2 tháng thì đã có đơn vị "clone" toàn bộ nội dung webiste bán cho các đơn vị khác.

Thế nhưng, anh Quý cho biết, đây không phải điều anh lo lắng. Bởi theo chủ website này, “trăm người bán, vạn người mua”, không phải ai cũng có web là sẽ bán được hàng.

Mặt khác, với anh, khi càng có nhiều đối thủ cạnh tranh sẽ càng chứng tỏ mục tiêu quảng bá sản phẩm truyền thống mà bấy lâu nay anh mong muốn trở nên dễ dàng hơn.

Bước sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, anh Quý cho biết, anh đã chuẩn bị rất nhiều từ vốn, kinh nghiệm cho đến tâm lý. Bởi theo anh, thất bại khi khởi nghiệp ở tuổi 30 dễ biến những người làm startup trở thành đứa trẻ 18 - trong tay không có gì.

Nếu mình còn trẻ, thì thất bại có thể làm lại được. Nhưng khởi nghiệp ở cái tuổi đã quá 30, khó có thể cho phép ‘sửa sai’ lần nữa”, anh Quý nói.

Theo anh Quý, đặc thù trong kinh doanh là phải thực sự hiểu biết về sản phẩm mà mình đang bán. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ số, startup buộc phải có người biết về công nghệ để quảng bá sản phẩm, không thì sẽ cực kỳ khó khăn.

CafeBiz/Theo Trí Thức Trẻ