Bất an với ngân hàng điện tử: Khách hàng cần được bảo vệ

on .

Bất an với ngân hàng điện tử: Khách hàng cần được bảo vệ

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Bất an với ngân hàng điện tử trên Thanh Niên số phát hành ngày 17.8.

Lỗi của ngân hàng

Ngân hàng (NH) điện tử do NH thiết lập, nếu NH điện tử bị tấn công, gây thiệt hại cho khách hàng thì NH phải nhận lỗi về mình. Nếu bảo đảm an ninh mạng tốt thì kẻ xấu làm sao thâm nhập được? Do là lỗi của NH nên họ phải chịu trách nhiệm trước những mất mát của khách hàng và bồi thường thiệt hại. Nếu có sự nghi ngờ khách hàng lừa dối thì NH tự liên hệ với cơ quan chức năng để điều tra.
Tiền từ tài khoản của khách hàng bị mất thì khách hàng buộc phải yêu cầu NH xem xét bồi thường, đó là yêu cầu chính đáng. Khách hàng không có nghĩa vụ phải liên hệ các cơ quan chức năng để truy tìm thủ phạm đã lấy cắp tiền từ tài khoản của mình, mà tài khoản này đang do NH quản lý.
Hồ Thị Thu Thủy (Q.8, TP.HCM)
Cần giải quyết nhanh chóng
Khách hàng sử dụng dịch vụ của NH, có trả phí thì việc bảo đảm an toàn cho khách hàng là trách nhiệm của NH. Một khi tài khoản của khách bị hack, bị sự cố gì đó liên quan đến lỗi bảo mật, đến an ninh mạng thì NH cần bảo vệ khách hàng. Đó là sự công bằng. Việc giải quyết cho khách hàng cũng cần nhanh chóng, tránh cho khách hàng sự chờ đợi, mệt mỏi. Như thế mới thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như trách nhiệm của NH đối với “thượng đế” của mình.
Huỳnh Trọng Tấn (TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Được vạ má đã sưng
Đó là thực trạng của các “thượng đế” khi khiếu nại việc mất tiền trong tài khoản hay các sự cố liên quan đến tài khoản của mình đối với NH. Rõ ràng, khi NH có nhiều khách hàng sử dụng thẻ thì họ được nhiều cái lợi. Thế nhưng, khi giải quyết quyền lợi cho một vài khách hàng bị mất mát tiền trong tài khoản thì NH lại đổ lỗi ngược tại khách hàng, do khách hàng. Họ rất ít đứng về phía khách hàng, cùng với khách hàng tìm ra giải pháp tốt nhất. Đây là sự kém văn minh của rất nhiều NH tại VN, kể cả một số NH quốc tế trú đóng tại VN.
Đào Minh Nhật (TP.Rạch Giá, Kiên Giang)
Cần sự an toàn
Hàng triệu tỉ đồng giao dịch qua thẻ là con số không nhỏ. Điều này cho thấy người VN đã bắt đầu quen với giao dịch hiện đại, văn minh này. Muốn cho ngày càng nhiều người dân thanh toán bằng thẻ thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các NH để bảo đảm sự an toàn đối với loại hình thanh toán này. Các nước phát triển họ cũng gặp tình trạng tài khoản của khách hàng bị tội phạm tấn công, lấy sạch tiền, thì ở ta cũng không ngoại lệ. Vấn đề là NH phải xử lý cho khách hàng như thế nào để họ không phải ta thán, thiệt thòi.
Vũ Minh Nguyệt (TP.Long Xuyên, An Giang)
Kinh nghiệm
Tôi đã nhìn thấy trước những rủi ro từ việc thanh toán online, thanh toán qua mạng internet. Đó là lý do tôi có 2 tài khoản ở 2 NH khác nhau. Tài khoản 1 tôi dùng để nhận tiền, không đăng ký thẻ ATM và không đăng ký dịch vụ gì thêm. Và tất nhiên, tài khoản 1 sẽ rất an toàn vì luôn giao dịch trực tiếp với NH. Tài khoản 2 tôi dùng để thanh toán online, tất nhiên có đăng ký thẻ ATM, internet banking... Khi cần thanh toán online thì tôi nộp tiền vào tài khoản 2 để thanh toán, thanh toán xong thì tài khoản 2 không còn nhiều tiền. Nếu có xảy ra rủi ro cũng không mất nhiều. Hơn nữa, bọn trộm thấy ít tiền trong tài khoản quá thì chúng cũng chẳng thèm trộm làm chi.
Mai Văn Huân (Q.Bình Tân, TP.HCM)
 
Bất an với ngân hàng điện tử: Khách hàng cần được bảo vệ - ảnh 2
Nhà nước khuyến khích người dân thanh toán qua NH, qua thẻ, tránh sử dụng tiền mặt để hạn chế rủi ro. Thế nhưng, với quá nhiều bất an từ NH điện tử, quá nhiều mệt mỏi từ trụ ATM (tiền không đủ các mệnh giá, hết tiền, xếp hàng lâu...) thì liệu người dân có đủ tự tin gửi tiền vào NH không? Đừng để đến một lúc nào đó ai cũng rút tiền về cất trong nhà, khi cần mới mang ra NH giao dịch, sẽ rất nguy cho nền kinh tế.
Ngô Văn Hậu (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Bất an với ngân hàng điện tử: Khách hàng cần được bảo vệ - ảnh 3
Hacker (trong và ngoài nước) từng tấn công các trang web của các thương hiệu lớn trong nước nên không lý do gì chúng không chú ý đến trang web của các NH. Mọi công nghệ, kể cả NH điện tử, đều do con người tạo ra nên việc thâm nhập và lũng đoạn nó con người cũng sẽ làm được. Do đó, để tránh những rủi ro cho khách hàng, các NH cần thường xuyên nâng cấp công nghệ, bảo đảm sự an toàn về an ninh mạng. Có như thế mới tránh được những rủi ro cho khách hàng như đã từng xảy ra.

Mã Thị Hồng Vân (Q.6, TP.HCM)
 
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Nguồn: http://thanhnien.vn/doi-song/bat-an-voi-ngan-hang-dien-tu-khach-hang-can-duoc-bao-ve-735052.html