Doanh nghiệp Trung Quốc 'nhảy' vào thị trường tin nhắn rác Việt Nam
Lợi nhuận từ dịch vụ nội dung cho di động đang là mảnh đất màu mỡ được rất nhiều công ty, đặc biệt là các công ty Trung Quốc nhảy vào khai thác, khi người dùng có thể tốn đến 15.000 đồng cho mỗi tin nhắn.
Theo thống kê của Công ty an ninh mạng BKAV, năm 2015 tình hình phát tántin nhắn rác ở VN không hề suy giảm mà lại tiếp tục gia tăng. Số lượng tin nhắn rác phát tán trung bình mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin, tăng hơn 0,4 triệu tin so với năm 2014.
Mỗi ngày bị “móc túi” 4 tỉ đồng
|
Ngoài các nội dung quen thuộc như làm quen, kết bạn, tặng bài hát, kết quả xổ số, bói toán..., tin nhắn rác có nội dung về nhà đất, bất động sản tăng mạnh. Bên cạnh đó, còn có cả những tin nhắn lừa đảo như mời người dùng soạn tin theo cú pháp được hướng dẫn, rồi gửi đầu số để được tặng tiền vào tài khoản hoặc nghe nhạc miễn phí. Khi người dùng nhắn tin theo cú pháp, tài khoản sẽ bị trừ tiền. Đáng chú ý, tin nhắn rác còn biến tướng thành những chiêu trò lừa đảo dưới hình thức mạo danh người thân nhờ nạp thẻ, soạn tin trúng thưởng hoặc nghe nhạc chờ... Chỉ cần một tin nhắn vô tình của người dùng gửi đến các đầu số dịch vụ thì phải trả cước 15.000 đồng.
Thống kê cho thấy mỗi ngày người dùng điện thoại VN bị móc túi gần 4 tỉ đồng. Trong tổng doanh thu của ngành viễn thông trong năm 2015 là 340.000 tỉ đồng, khoản thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) cũng đạt tới 85.000 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, nhà mạng thường hưởng từ 60 - 70% doanh thu, đơn vị cung cấp đầu số và các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ nội dung (CP) chia nhau tỷ lệ còn lại từ 30 - 40%. Như vậy mỗi năm, doanh thu có được từ việc kinh doanh các dịch vụ GTGT qua mạng di động lên mức vài chục ngàn tỉ đồng và đang ngày càng trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho các DN. Đó là lý do rất nhiều công ty nhảy vào đây khai thác.
Hiện nay VN có gần 400 công ty CP đang hoạt động. Một số CP sau khi ký hợp đồng với các nhà mạng để được cấp đầu số và cung cấp dịch vụ nội dung. Ngoài việc trực tiếp kinh doanh còn ký kết với hàng chục công ty vệ tinh khác để cùng kinh doanh và ăn chia theo thỏa thuận. Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều công ty chỉ sao chép lại các dịch vụ nước ngoài đồng thời áp dụng nhiều chiêu trò gian lận, kinh doanh mập mờ để lừa người dùng hòng có doanh thu và lợi nhuận lớn.
3 năm kiếm hơn 230 tỉ đồng
Các vụ gian lận gần đây do đa phần là các DN Trung Quốc như Công ty Sam Media đã hợp tác với 3 công ty kinh doanh đầu số tại VN để cung cấp dịch vụ tin nhắn quảng cáo, trúng thưởng... và sau 3 năm thu về hơn 230 tỉ đồng mà người dùng không hề hay biết. Hay cuối năm 2015, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đã thanh tra và xử phạt Công ty Vinamob ký kết hợp đồng hợp tác với 3 công ty có trụ sở tại Trung Quốc để cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin đến đầu số 8x61 trên các máy điện thoại do Trung Quốc sản xuất bán cho thị trường VN. Khi đó, điện thoại sẽ tự động nhắn tin đến đầu số dịch vụ 8x61 mà chủ thuê bao không hề hay biết và tiền trong tài khoản của người dùng sẽ tự động bị trừ... Thu lợi lớn nhưng mức xử phạt chỉ vài chục triệu đồng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các công ty này không hề ngần ngại sử dụng chiêu trò.
|
Theo ông Lâm Thanh - Tổng thư ký Hiệp hội Nội dung số và internet, Trung Quốc đã phát triển thị trường nội dung số rất mạnh và với sự cạnh tranh gay gắt, các công ty đã bất chấp hành vi thủ đoạn để tìm kiếm lợi nhuận. Thị trường này ở VN đang tăng mạnh nên thu hút được hàng loạt DN ngoại tham gia, nhất là từ Trung Quốc cũng là dễ hiểu. Vì vậy nếu bản thân các công ty VN hợp tác với các DN Trung Quốc trong lĩnh vực này, thì có thể cố tình hoặc vô tình bắt chước các chiêu trò không lành mạnh đó để lừa tiền của người dùng VN.
Nhà mạng không thể vô can
Việc gian lận của các đơn vị cung cấp dịch vụ qua di động không phải mới bị phát hiện gần đây. Trong năm 2013, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra 41 công ty CP có hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, xử phạt và truy thu tổng số tiền lên tới hơn 3,8 tỉ đồng, thu hồi 22 đầu số vi phạm. Đa số những tin nhắn rác có nội dung lừa đảo, dụ người nhận gọi vào các tổng đài như 1900 xx84 để nghe clip mà theo lời quảng cáo là hoàn toàn miễn phí. Số khác lừa người dùng tải các phần mềm, game có nội dung sex. Khi người dùng sử dụng hoặc kích hoạt, các phần mềm này sẽ tự động nhắn tin đến các đầu số và trừ tiền trong tài khoản người dùng... Đáng nói là trong các vụ này, các nhà mạng đều chối bay trách nhiệm của mình, cho rằng mình không biết nội dung dịch vụ công ty bên ngoài cung cấp và không liên quan đến những hoạt động gian lận này.
Thế nhưng TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía nam cho rằng, về nguyên tắc các đơn vị CP hay cung cấp đầu số muốn hoạt động được phải có hợp đồng hợp tác với nhà mạng. Nhà mạng phải là đơn vị quản lý các đầu số lẫn nội dung đến tay người tiêu dùng. Hơn nữa, các nhà mạng là đơn vị trực tiếp thu tiền của người dùng, được chia lợi nhuận phần lớn trong số tiền thu được từ các dịch vụ GTGT nên không thể nói là không biết. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải xem xét lại trách nhiệm của các nhà mạng và cần thiết buộc phải công bố quy trình dăng ký sử dụng dịch vụ GTGT cũng như có cam kết sử dụng dịch vụ của người dùng mạng viễn thông.
“Các quy trình đăng ký sử dụng cần rõ ràng hơn để người dùng chủ động và không bị quá bất ngờ trước những kiểu gian lận như của Công ty Sam Media. Giống như việc sử dụng các dịch vụ trên mạng internet người dùng đều phải chọn vào ô chấp nhận các điều kiện trước khi chính thức sử dụng”, TS Võ Văn Khang nhấn mạnh.
Báo cáo của Công ty an ninh mạng BKAV cũng cho rằng: Lợi nhuận khổng lồ thu về cho nhà mạng từ mảnh đất màu mỡ tin nhắn rác có lẽ vẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến cho vấn nạn này ngày càng trầm trọng. Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định, khi người dùng hoàn toàn không biết mà vẫn bị trừ tiền thì các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm cả nhà mạng, đã có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tiền của nhiều người. Vì vậy cần phải xem xét và xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị liên quan để mang tính răn đe và ngăn ngừa các hành vi tương tự có thể xảy ra xâm phạm quyền lợi của người dùng.
Vinaphone tạm dừng hợp tác với 3 đối tác vi phạm
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc Công ty Sam Media bị xử phạt, Vinaphone quyết định tạm dừng hợp tác với cả 3 đối tác của công ty này là: Gapit, Acom, VMG để điều tra làm rõ những vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ. Nhà mạng này cũng tuyên bố sẽ quyết liệt xử lý các đối tác vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Đặc biệt, Vinaphone nhanh chóng thiết lập đường dây nóng qua tổng đài 9191, để tiếp nhận và xử lý ngay các phản ánh từ khách hàng về việc đăng ký dịch vụ không mong muốn.
Tiêu Phong
|
Mai Phương