Gặp anh chàng nhà có tốc độ mạng nhanh nhất nước Mỹ, nhanh không thể tưởng được

on .

Làm gì cho hết 10 Gbps?

Anh chàng có mạng Internet với tốc độ nhanh nhất nước Mỹ làm gì với nguồn sức mạnh khổng lồ đó? Chẳng làm được gì mấy, ngoài phân tích kết quả X-quang và … chơi điện tử.


Đây là anh chàng tải phim/game/bất kì thứ gì nhanh nhất nước Mỹ.

Đây là anh chàng tải phim/game/bất kì thứ gì nhanh nhất nước Mỹ.

 

Những nhà cung cấp dịch vụ Internet tung ra những gói mạng có tốc độ kinh hồn 10 Gbps cho các hộ gia đình nhưng cung cấp là một chuyện, có ai mua không mới là chuyện khác. Và đúng như vậy, cả nước Mỹ có mỗi một người bỏ tiền ra mua dịch vụ đắt đỏ đó, đó là anh James Busch.

Có lẽ anh nên tự hào, với tư cách là công dân DUY NHẤT trên toàn nước Mỹ có tốc độ mạng nhanh nhất. Anh bồi hồi nhớ lại thời vẫn còn sử dụng mạng Internet chung với đường điện thoại, với tốc độ rùa bò nhiều khi load không nổi cái ảnh Jpeg. “Thật thú vị khi nhớ về cái thời đó”, anh Busch nói. “Rồi dần dần bạn bị ‘cái tốc độ cao’ làm hư người đi”. Nói cách khác, sướng quen rồi thì khổ sẽ không chịu được.

Lấy ví dụ so sánh cụ thể để có thể thấy anh Busch sống “xa hoa” như thế nào: Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ chỉ có tốc độ mạng là 25 Mbps, tốc độ của anh Busch nhanh gấp 400 lần con số ấy.

 


Hệ thống cung cấp mạng của anh Busch.

Hệ thống cung cấp mạng của anh Busch.

 

Trước đây, vẫn có những ý kiến trái chiều về việc cung cấp mạng Internet có tốc độ quá cao, rằng 1 Gbps đã là vượt giới hạn và chẳng có ai cần tới mạng nhanh như vậy cả. Thế mà lúc ấy, anh Busch đã tìm ra “việc để làm” cho tốc độ 1 Gbps và giờ, anh cũng đã tìm ra việc cho tốc độ mạng 10 Gbps làm.

Một bản chụp X-quang thông thường nặng 200 Mb, các bản quét PET và những bản chụp khối u ngực có thể nặng tới 10 Gb, chúng là những file dữ liệu khổng lồ”, anh Busch nói. “Bộ nhớ chúng tôi phải xử lý hàng nghìn Gb dữ liệu như vậy mỗi năm. Theo như tính toán, mỗi bản quét sẽ tốn ít hơn 7 giây so với trước đây. Khi nhân lên với 20.000 hay 30.000 bản chụp như vậy, chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng thời gian rất lớn, chỉ với việc nâng cấp băng thông”.

Cái tốc độ 10 Gbps quả thật kinh hoàng, nhưng không kinh hoàng bằng câu chuyện anh Busch kể lại về mức độ “tàn phá mạng” của thành viên gia đình anh, khi sử dụng mạng có băng thông 1 gb.

Chúng tôi sử dụng mạng 1 Gbps trong khoảng 8 hay 9 tháng gì đó. Với việc những đứa con nhà tôi xem Netflix suốt ngày và tôi cũng làm việc rất nhiều, gia đình tôi cũng tận dụng được hết toàn bộ băng thông ấy”, anh Busch nói. “Rồi đến lúc con gái tôi sử dụng FaceTime trong lúc những đứa khác đang xem trực tiếp trên hai cái TV 4K, chúng nó bắt đầu quát thét nhau rằng đứa này dùng hết băng thông của đứa kia. Nhưng khi lên tới băng thông 10 Gb mới này, không còn trường hợp đó nữa”.

Điều quan trọng nhất, hơn cả công việc của anh, là anh Busch trở thành một game thủ xuất sắc hơn nhờ ... ping “ngon” hơn. Theo như lời kể của anh, lợi thế trong game Call of Duty (cũng như các game bắn súng góc nhìn thứ nhất khác) là rất lớn, khi mà tốc độ mạng của anh nhanh gấp vài trăm lần đối phương.

 


Ping cao là kẻ thù không đội chung trời với game thủ.

Ping cao là kẻ thù không đội chung trời với game thủ.

 

“Rồi bạn sẽ quen dần với việc làm cái gì cũng xong ngay lập tức”, anh nói thêm. “Cập nhật Windows, tải ứng dụng, ... tất cả đều không mất chút thời gian. Điều duy nhất kìm hãm tốc độ ấy là bộ xử lý của tôi thôi”.

Vậy tại sao anh Busch có được tốc độ mạng nhanh chóng mặt như vậy mà chỗ nhà chúng ta chẳng thấy bán? Đầu tiên, những nhà cung cấp tốc độ mạng 10 Gbps rất hiếm và họ chỉ cung cấp cho những cộng đồng dân cư muốn có một tốc độ mạng đặc biệt cao. Hơn nữa, công nghệ mạng đạt mới gb-mỗi-giây vẫn còn rất mới và rất ít người sử dụng, chưa kể nó còn khá đắt. Tại thành phố Chattanooga thuộc tiểu bang Tennessee, mạng 1 Gbps có giá 69,99 USD/tháng, mạng 10 Gbps được cung cấp với giá thành 299 USD/tháng.

Công ty EPB là công ty cung cấp đường mạng chính tại Chattanooga và cũng là nơi cung cấp tốc độ mạng khủng khiếp này, xác nhận rằng không một ai ngoài anh Busch sử dụng tốc độ 10 Gbps. Bên cạnh EPB, Rocket Fiber tại Detroit, Fibrant tại Salisbury cũng cung cấp tốc độ mạng 10 Gbps nhưng cũng xác nhận rằng chẳng ai dùng gói dịch vụ ấy cả.

Cho tới giờ, mạng 10 Gbps mới chỉ có ở thành phố Chattanooga, vùng phía Nam Vermont, Salisbury tại phía Bắc Carolina, một phần Detroit và Minneapolis. Nhưng bên cạnh anh Busch, chẳng khách hàng nào có nhu cầu đăng ký sử dụng cả.

 


Google Fiber là một trong những nhà cung cấp mạng lên tới mức Gpbs.

Google Fiber là một trong những nhà cung cấp mạng lên tới mức Gpbs.

 

Theo lời ông Michel Guite, chủ tịch Công ty Viễn thông Vermont - cũng là một trong những nhà cung cấp mạng tốc độ 10 Gbps, việc cung cấp như vậy mang tính biểu tượng nhiều hơn, một phần vì chẳng mấy ai sử dụng dịch vụ này cả. Biểu tượng ở đây có nghĩa rằng khách hàng nhìn vào sẽ biết được rằng công ty của ông có khả năng cung cấp được mạng tốc độ nhanh tới như vậy, dù rằng không ai có ý định mua và sử dụng.

Tốc độ nhanh cũng có một (trong nhiều) điểm bất lợi. Anh Busch đáng lẽ đã có một bức ảnh chụp tốc độ mạng 10 Gpbs nhưng trang thử nghiệm tốc độ không thể đo đếm được con số khổng lồ ấy, vì thế nhà cung cấp mạng đã phải liên lạc với chính trang web thử tốc độ để điều chỉnh lại hệ thống của mình.

Bên cạnh đó, có những máy tính chạy Windows với driver mạng chỉ có khả năng "chống chọi" được với tốc độ 500 cho tới 600 Mbps, vì thế việc tinh chỉnh máy móc cho phù hợp với mạng cũng gặp khá nhiều điểm bất lợi.

Bất lợi có một vài, nhưng điểm tuyệt vời thì chắc chắn là có quá nhiều. Bạn hãy tưởng tượng việc download phim, game hay hàng chục hàng trăm thứ tuyệt vời khác chỉ cách bạn một cái click chuột.

Cũng vẫn phải cẩn thận, rằng “sướng quen rồi khổ không chịu được”, một khi chạm tay được vào tốc độ Gbps, bạn sẽ khó mà quay lại với tốc độ Mbps “rùa bò”.

Tham khảo Motherboard

Nguồn: http://genk.vn/gap-anh-chang-nha-co-toc-do-mang-nhanh-nhat-nuoc-my-nhanh-khong-the-tuong-duoc-20161031172430367.chn