Bộ trưởng có trách nhiệm gì với 191.000 sinh viên thất nghiệp?
Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đạo tạo Trần Xuân Nhạ như trên trong phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 16-11.
Vấn đề chất lượng, đổi mới giáo dục, sách giáo khoa, chất lượng đào tạo đại học... là những vấn đề nóng được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ sáng 16-11.
Chúng tôi có lỗi, thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh
Dùng quyền giơ bảng truy vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói: Tôi muốn hỏi trong số 191.000 sinh viên thất nghiệp thì Bộ GDĐT có lỗi gì không?
Cần phải mạnh dạn trả lời câu hỏi này. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò phối hợp giữa Bộ GDĐT với Bộ Lao động, thương binh và xã hội trong quy hoạch, định hướng đào tạo nhân lực như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn - Ảnh: Lê Kiên |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đáp: "Đúng là thời gian qua sự phối hợp giữa hai bộ còn hạn chế. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn. Về chất lượng đào tạo, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp là có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm.
Cho dù chất lượng còn liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều yếu tố. Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh gì".
Bộ trưởng có trách nhiệm gì với 191.000 sinh viên thất nghiệp?
Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt vấn đề: Hiện nay có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Nhưng ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu.
Sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không?
“Tình trạng sinh viên không có việc làm gây nhức nhối cho xã hội. Bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với tình trạng này?” - đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn.
Đại biểu Cao Thị Xuân (tỉnh Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: “Tôi rất chia sẻ với con số đại biểu đưa ra. Tôi rất trăn trở với vấn đề này”.
Bộ trưởng cho biết theo tính toán hiện nay, thì trong 5 năm có khoảng 300.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Số sinh viên có việc làm ngay chủ yếu tập trung ở những trường có chất lượng giáo dục tốt, có bề dày, số sinh viên thất nghiệp nhiều chủ yếu ở các trường mới thành lập, hoặc trường có chất lượng giảng dạy chưa cao.
Tới đây chúng tôi sẽ đột phá vào vấn đề này, phân loại chất lượng các trường đại học. Phải quy hoạch lại mạng lưới, phân loại các trường đại học.
Ở các địa phương không nhất thiết phải có trường đại học, sinh viên không nhất thiết phải học gần nhà, chúng ta cần tập trung mạng lưới các trường đại học.
“Tôi rất trăn trở về vấn đề này. Tới đây với vai trò bộ trưởng, tôi sẽ tập trung siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, không chỉ chất lượng đầu vào mà cả chất lượng đầu ra vì lâu nay chất lượng đầu ra chúng ta chưa chú trọng lắm” - Bộ trưởng Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng nói thêm rằng sinh viên ra trường có việc làm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa, ví dụ như sự phát triển của doanh nghiệp, thị trường. Đó là những vấn đề do các bộ trưởng khác phụ trách, sẽ trả lời thêm với Quốc hội.
Đề án dạy ngoại ngữ có chung số phận 5 dự án ngàn tỷ đắp chiếu?
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn bộ trưởng: Đề án dạy học ngoại ngữ đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 là đa số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu làm việc, giao tiếp.
Nhưng đến nay sau gần 8 năm thực hiện, đã tiêu tốn 5.000 tỷ đồng, nhưng nhiều mục tiêu chưa đạt được như mong muốn. Với nhiều hạn chế và bốn nhóm giải pháp mà Bộ GDĐT đã nêu, Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đó thì dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không?
Hay số phận của nó cũng giống như 5 dự án không đạt hiệu quả mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này?
Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Trần Xuân Nhạ |
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đáp: “Đại biểu hỏi đề án này có đạt mục tiêu không, tôi trả lời ngay là không”! Dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, cần có thời gian, nguồn lực lớn.
Khi xây dựng đề án thì chúng tôi đặt quyết tâm cao, nhưng khi thực hiện thì cũng gặp nhiều vấn đề, trong đó có việc triển khai, rồi kinh phí. Gần đây chúng tôi rà soát, trước hết là về mặt cách tiếp cận, sau đó rồi mới đến mục tiêu.
Vì vậy đề án chúng tôi tập trung đến khắc phục những vấn đề khó nhất của từng tổ chức, cá nhân. Chúng tôi tập trung biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu hội nhập, chứ không phải là soạn sách căn cứ vào trình độ của thầy.
Thời gian vừa qua chúng ta chưa xem trọng đúng mức công tác đào tạo thầy cô dạy ngoại ngữ. Chúng tôi đang điều chỉnh đề án theo hướng như vậy, tới đây sẽ trình Chính phủ quyết định.
Chúng tôi nhấn mạnh đến yếu tố xã hội học tập, học tập suốt đời, cho mọi người dân, chứ không chỉ là dạy cho sinh viên".
"Thưa Quốc hội là với Singapore, Malaysia thì họ mất 38 năm để đạt trình độ trung bình cả nước có thể giao tiếp tiếng Anh. Muốn dạy học sinh tốt, có trình độ tốt, thì phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên trình độ cao", bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Trần Xuân Nhạ |
Chỉ trong ít phút, 8 câu hỏi của các đại biểu đã được gửi đến Bộ trưởng Trần Xuân Nhạ liên quan các vấn đề "nóng" của ngành giáo dục hiện nay như: cả nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp, việc lựa chọn thi trắc nghiệm trong nhiều môn, quá nhiều cơ sở đào tạo ngành luật, vấn đề bất cập trong sách giáo khoa...