Sinh viên không biết đâu là tin giả trên Internet
Hầu hết sinh viên không có khả năng đánh giá độ tin cậy các tin tức họ đọc được trên mạng Internet, theo kết quả nghiên cứu từ Đại học Stanford.
Khoảng 82% học sinh trung học không thể phân biệt được đâu là một thông tin quảng cáo được gán nhãn "nội dung có tài trợ" và một bản tin thực sự trên trang web - Ảnh: Getty Images/Wall Street Journal |
Báo Wall Street Journal dẫn nguồn kết quả nghiên cứu của Đại học Standford cho biết, khoảng 82% học sinh trung học Mỹ không thể phân biệt được đâu là một thông tin quảng cáo được gán nhãn "nội dung có tài trợ" (sponsored) và một bản tin thực sự trên website.
Nghiên cứu tiến hành với 7.804 học sinh, sinh viên từ cấp trung học cho tới đại học, cao đẳng. Kết quả nghiên cứu này được công bố ngày 22-11. Đây cũng là nghiên cứu lớn nhất từ trước tới nay về vấn đề các bạn trẻ tuổi teen đánh giá như thế nào về tin tức họ đọc được trên mạng.
* Xem: Facebook và Google bị tố về tin tức giả
Gần 4/10 học sinh trung học tin rằng bức ảnh chụp những bông cúc bị dị dạng trên một trang chia sẻ hình ảnh là chứng cứ rõ ràng cho thấy tình trạng độc hại tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima, Nhật Bản, bất kể việc không có nguồn tin hay vị trí của khu vực chụp ảnh được cung cấp kèm theo bức ảnh đó.
Đối mặt các cáo buộc về tình trạng tin tức giả tràn lan, các tập đoàn công nghệ Facebook và Google đang triển khai các biện pháp ngăn chặn không cho những trang web reo rắc tin giả được sử dụng nền tảng dịch vụ quảng cáo của họ.
Twitter cũng đang áp dụng các bước ngăn chặn những tài khoản lợi dụng nền tảng mạng xã hội này để xúc phạm, lăng mạ người khác.
Tuy nhiên tất cả những giải pháp đó vẫn không thể loại bỏ được các thông tin sai lệch hoặc thiên vị trên mạng. Những thông tin này đến từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các quảng cáo sai sự thật, các trang web đả kích, châm biếm, những bài báo và thông tin phục vụ cho một đảng phái nào đó.
* Cần biết: Có hẳn nghề làm giàu từ viết tin giả
Tại Mỹ, ngày càng nhiều trường học hơn cung cấp kiến thức cho sinh viên trong việc lựa chọn và đánh giá các nguồn tin khác nhau, một bộ kỹ năng mà các nhà giáo dục gọi là "đọc hiểu truyền thông (media literacy).
Theo giáo sư Sam Wineburg thuộc Trường sau đại học về giáo dục của Đại học Stanford, một chương trình bài giảng hướng dẫn học viên cách đánh giá về độ tin cậy của những nguồn tin lịch sử đã được tải về tới 3,5 triệu lượt.
Tuy nhiên giờ học về kỹ năng đọc hiểu truyền thông vẫn chưa được thực sự chú trọng nhiều vì còn phải dành thời gian cho các buổi học về kỹ năng làm toán về đọc hiểu cơ bản của người học.
Chuyên gia Devorah Heitner, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn cho trường học cho rằng, các bậc phụ huynh nên sớm gây dựng cho con một tư duy hoài nghi phê phán lành mạnh trước các tin tức truyền thông ngay từ trong gia đình. Điều này sẽ giúp người trẻ có khả năng đánh giá thông tin chính xác hơn, nhất là trong xã hội lạm phát thông tin như hiện nay.