Người Việt thích lên mạng sắm đồ, "săn" giảm giá
Thói quen mua sắm trực tuyến bằng vài cú nhấp chuột trên máy tính hay chạm lướt từ smartphone ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Một xu hướng mới, mở ra thị trường tiềm năng.
Ảnh: ScoopWhoop |
Thay vì mất nhiều thời gian đi “lượn” ở các siêu thị hay trung tâm mỗi khi cần mua sắm trước đây, chị Hoài Thu - nhân viên văn phòng - đã chuyển hẳn lên... mạng.
Chị Thu cho biết: “Tâm lý chị em khi đi mua sắm thường mất rất nhiều thời gian lê la chọn lựa trong khi công việc và gia đình, con cái không cho mình nhiều thời gian rảnh rỗi như trước đây. Hơn nữa mình có thể mua sắm trực tuyến mọi lúc mọi nơi, cả khi đang làm việc hay ở nhà, thậm chí tranh thủ lúc con ngủ, rất tiện lợi”.
Thị trường mua sắm online sẵn sàng chờ bùng nổ
Chị Thu là một điển hình tiêu biểu cho sự chuyển hướng mua sắm của người dùng Việt Nam vài năm gần đây. Sự tiện lợi của mua hàng trên mạng so với việc đi đến tận nơi bán để mua là điều miễn bàn.
Điều đáng nói hơn, chất lượng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng nâng cao, sản phẩm tốt như hình quảng cáo, giá cả cạnh tranh, chất lượng phục vụ chu đáo, thanh toán và giao hàng tiện lợi.
Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương, năm 2015, giá trị mua hàng trực tuyến của một người Việt Nam ước tính đạt khoảng 160 USD (hơn 3,2 triệu đồng) và doanh số thương mại điện tử B2C đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo kết quả nghiên cứu chung về vai trò của Internet và sức mua của những hộ gia đình có kết nối Internet ở Việt Nam của Google và Công ty tập đoàn tư vấn Boston (BCG), người tiêu dùng Việt Nam đang dần hình thành thói quen "lên mạng" để tìm ý tưởng cho việc mua sắm, nghiên cứu sản phẩm và thương hiệu, kiểm tra sản phẩm sẵn có…
Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chi tiêu ngày càng thoải mái hơn. Bằng chứng là các hộ gia đình kết nối Internet cũng đang đóng góp đến 83% cho giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm hàng ngày như sữa bột, tã giấy, sữa tắm và sữa chua uống.
Còn kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử cho thấy loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến phổ biến nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%). Tiếp theo là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách - văn phòng phẩm - hoa - quà tặng.
Các báo cáo kinh tế gần đây từ Temasek và Google cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và có dấu hiệu đột phá trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ 0,4 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á với tỷ lệ gia tăng số người ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu vượt xa nhiều nước trong khu vực. Nhóm này sẽ lan rộng tại các tỉnh thành trọng điểm, thúc đẩy chi tiêu cho các sản phẩm tiện ích và phục vụ phong cách sống. Đồng thời sẽ dẫn dắt sự dịch chuyển sang các kênh bán hàng hiện đại như thương mại điện tử. Qua đó tạo nên cuộc cách mạng trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có sức mua cao nhất đều đã kết nối trực tuyến qua các thiết bị di động |
Nitin Gajria, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào của Google Châu Á – Thái Bình Dương |
Háo hức chờ Ngày mua sắm trực tuyến "Online Friday"
Hưởng ứng theo sự kiện mua sắm “Ngày thứ Sáu đen tối - Black Friday” trên thế giới, sự kiện Online Friday tại Việt Nam hàng năm đang ngày càng thu hút người dân trong nước.
Online Friday năm nay sẽ diễn ra vào thứ sáu đầu tiên của tháng 12, tức ngày 2-12-2016.
Sau ba năm tổ chức, Online Friday 2016 kỳ vọng mang đến cho người tiêu dùng một ngày hội mua sắm lớn nhất không chỉ trong năm mà còn trong suốt ba năm tổ chức với rất nhiều cam kết của ban tổ chức, doanh nghiệp tham gia về chất lượng khuyến mãi, nói không với khuyến mãi ảo, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Website Online Friday giới thiệu các chương trình và mặt hàng giảm giá sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến 2016 |
Theo đó, chương trình dự kiến thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia với khoảng 200.000 sản phẩm khuyến mãi đăng ký với tổng doanh số giao dịch khoảng 1.000 tỷ đồng, lớn gấp hai lần năm ngoái và gấp sáu lần năm đầu tiên 2014. Trong đó, có hơn 5.000 đầu sản phẩm khuyến mãi được đảm bảo bởi ban tổ chức, tương ứng với trên 50.000 đơn hàng đảm bảo có thể đến tay khách hàng.
Các sản phẩm đảm bảo sẽ đến từ nhóm các doanh nghiệp đã có cam kết với chương trình, bao gồm: các nhà sản xuất như Samsung, Asus, Acer, Dell, HP, Oppo, Microsoft, Huawei… các doanh nghiệp nhập khẩu thời trang uy tín như Maison, Hoàng Phúc International… các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn như Lazada, Adayroi, Tiki, Sendo, Hotdeal, Zalora…
Bên cạnh đó, sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp đến từ nhóm Omni-Channel với các chuỗi cửa hàng kết hợp online và offline sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn mua sắm trong ngày hội mua sắm của năm. Các tên tuổi tiêu biểu tham gia đại diện cho nhóm này gồm Thế giới di động, Nguyễn Kim, Viễn Thông A, FPT Shop, Viettel Store, hệ thống các trung tâm thương mại Vincom của tập đoàn VinGroup, Aeon…