Xin lỗi là tốt nhưng nhanh chóng khắc phục lỗi thì tốt hơn!

on .

Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại TP.HCM /// Ảnh: Khả Hòa

Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại TP.HCM.

‘Năm 2016, riêng Q.Bình Tân (TP.HCM) phải gửi hơn 7.000 thư xin lỗi người dân do hồ sơ trễ hẹn’. Mới nghe thấy choáng, rồi người ta lại băn khoăn: Xin lỗi thế rồi sao? Có nhanh chóng khắc phục hay chỉ xin lỗi suông?

BND TP.HCM vừa qua ký ban hành quy định về thực hiện thư xin lỗi, áp dụng thống nhất cho 24 quận huyện và các sở ngành. Theo quy định, nếu trễ hẹn vì lý do chủ quan hay khách quan thì đều phải xin lỗi, vì đã hứa mà trễ thì phải xin lỗi.
Nội dung thư xin lỗi phải nói rõ lý do và đề ra thời hạn trả hồ sơ cụ thể. Định kỳ các quận huyện, sở ngành phải báo cáo tình hình thực hiện thư xin lỗi cho UBND TP biết để giám sát. Mục đích của việc thực hiện xin lỗi là cơ quan hành chính phải có giải pháp thay đổi, cải cách thủ tục hành chính. Thư xin lỗi là một giải pháp giúp nhận diện, kiểm soát, đánh giá các thiếu sót dẫn đến trễ hẹn, để từ đó thay đổi.
Người dân cũng không mong muốn chỉ nhận được thư xin lỗi từ cơ quan hành chính. Họ mong hồ sơ, công việc của họ được giải quyết tốt chứ không phải lời xin lỗi suông rồi thôi. Người xin lỗi cũng không phải theo kiểu: Ừ, gửi thư xin lỗi để người dân vui vẻ, không cự nự nữa. Và vì vậy thành phố cũng không cho xin lỗi suông, ai xin lỗi hoài thì thay.
 
 
Đã đến lúc phải kiến tạo một nền hành chính phục vụ thay cho cai trị. Nền hành chính phục vụ đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Người lãnh đạo phải có sự ràng buộc nghĩa vụ trách nhiệm với đơn vị...
 
Hy vọng đây sẽ là một giải pháp góp phần đánh giá công chức và hiệu quả hoạt động đối với cơ quan công quyền. Đáng buồn là trên thực tế, chỉ riêng Q.Bình Tân trong năm 2016 đã phải gửi hơn 7.000 thư xin lỗi dân do hồ sơ trễ hẹn; Cục Thuế TP.HCM trong 8 tháng đầu năm gửi hơn 4.000 thư xin lỗi…
Trong trường hợp này, thư xin lỗi đã bị lạm dụng. Nếu TP.HCM không thực hiện đúng như chỉ thị của mình “ai xin lỗi hoài sẽ thay” thì dễ dẫn tới nguy cơ “nhờn thuốc”, lây lan… rơi vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, nguy cơ đâu lại vào đó, dân sẽ mất lòng tin, chỉ thị mệnh lệnh mất thiêng.
Đã đến lúc phải kiến tạo một nền hành chính phục vụ thay cho cai trị. Hành chính phục vụ đòi hỏi trước tiên thay đổi hành vi trong hoạt động công vụ cho phù hợp với đòi hỏi của nền hành chính phục vụ. Đó là một nền hành chính đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Người lãnh đạo phải có sự ràng buộc nghĩa vụ trách nhiệm với đơn vị. Hoạt động hành chính phục vụ đòi hỏi tổ chức bộ máy hành chính thích hợp, hoạt động hiệu quả, hiệu lực; phân công phân cấp trách nhiệm rõ ràng; tăng cường giám sát hoạt động công vụ của công chức.
Lâu nay hoạt động của nền công vụ thiếu vắng sự giám sát của cộng đồng một cách khoa học hữu hiệu về hoạt động của công chức. Vì vậy, cần thực hiện Chế độ cam kết phục vụ nhân dân. Mục tiêu của cam kết là để nâng cao trình độ phục vụ nhân dân và mức độ hài lòng của công chúng đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh, với cơ chế, phương thức giám sát của nhân dân.
Theo tôi, cần bổ sung chế định sát hạch định kỳ đối với công chức. Đây là hình thức khác xa với công việc kiểm điểm hằng năm đang áp dụng một cách sơ sài, thiếu khoa học và có tính chất chiếu lệ theo tư duy quản lý lỗi thời. Những ai lạm dụng xin lỗi thì phải xem xét thay thế.
Thiết nghĩ cần thay thế chế độ ”biên chế” bằng chế độ “hợp đồng linh hoạt” cộng với thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với chế độ công vụ quá nhiều trì trệ bất cập hiện nay. Đặc biệt, nên thực hiện tốt công tác “Tổ chức đối thoại, đề cao trách nhiệm giả trình” của chính quyền với dân. Có thế mới mong hướng tới một nền hành chính phục vụ.

Diệp Văn Sơn

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, chuyên gia cải cách hành chính.