Tính toán hiệu năng cao trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0

on .

Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán - Sở KHCN TP.HCM hồi tháng 3/2017 đã ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty Sao Bắc Đẩu và Cloudrender về việc xây dựng, khai thác máy tính hiệu năng cao HPC trong nhiều lĩnh vực, trong đó có khởi nghiệp và ứng dụng CNTT phục vụ dân sinh.

Nghi thức ký kết được tổ chức trong khuôn khổ buổi gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông năm 2017 với chủ đề Doanh nghiệp CNTT-VT xây dựng thành phố thông minh, hiện đại do Sở TTTT và Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp tổ chức vào hôm 10/3/2017.

 

Theo thỏa thuận ký kết, các bên sẽ khai thác sức mạnh của các hệ thống máy tính đa CPU trên nền tảng đám mây để thực hiện các phép tính "nặng" và phức tạp phục vụ cho nhiều lĩnh vực cuộc sống, từ quản lý chuyên ngành của Nhà nước tới các ứng dụng xã hội và chuyên nghiệp.

Được biết, CloudRender là dịch vụ vừa được chính thức ra mắt hồi tháng 11/2016 với hạ tầng điện toán đám mây trang bị hệ thống 4.000 nhân CPU.

Dịch vụ Cloudrender được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu cho các dự án kết xuất đồ họa (render) tại Việt Nam, từ thiết kế kiến trúc cho đến sản xuất phim và xa hơn nữa là phục vụ các chương trình tính toán hiệu năng cao như khí tượng, thủy văn hay nghiên cứu môi trường.

Hiện nay, dịch vụ Cloudrender có năng lực huy động tới 4.000 nhân CPU Intel Xeon từ 2GHz trở lên để thực hiện các đơn hàng render và tính toán cho khách hàng.

"Tùy nhu cầu mà khách hàng có thể khai thác số lượng nhân CPU không hạn chế cho các tác vụ của mình để vừa có năng lực tính toán cao nhất, vừa hoàn thành công việc nhanh nhất, vừa có chi phí kinh tế nhất có thể được", ông Giáp Hùng Cường - Tổng Giám đốc công ty VinaCIS, một trong những thành viên sáng lập dịch vụ Cloudrender cho biết.

Đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán cho biết, tính toán hiệu năng cao hiện không chỉ được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ CNTT cho doanh nghiệp có nhu cầu, mà còn được khai thác triệt để như là một nền tảng xử lý số liệu/dữ liệu quy mô lớn nhằm giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các bài toán về dự báo thông tin thời tiết, chống ngập, triều cường và quan trắc môi trường phục vụ công tác quản lý Nhà nước cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phụ vụ đời sống của người dân Thành phố.

Cùng với Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý cũng là đơn vị trực thuộc Sở KHCN TP.HCM, trong nhiều năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán Thành phố - ICST thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo khoa học, liên kết với các trường, viện và trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như các Sở, ban ngành trên địa bàn nhằm triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, xây dựng các mô hình tính toán thực tiễn cho nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú trọng vào các nội dung như giải quyết ùn tắc giao thông, dự báo chống ngập, quản lý dịch bệnh,...

Vào ngày 26/5 sắp tới, tại Trung tâm hội nghị Grand Place - 142/18 Cộng Hòa, TP.HCM, sẽ diễn ra Cloud8 lần thứ 7 với chủ đề Siêu năng lực tính toán trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự kiện năm nay tập trung vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các giải pháp về giao thông, an ninh công cộng cũng như các ứng dụng tính toán dữ liệu lớn.

"Cùng với hạ tầng mạng thì dịch vụ điện toán đám mây hiện là một trong những công cụ then chốt để doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4", đại diện Ban tổ chức cho biết.

Để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0, cộng đồng Cloud8 đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng với hơn 4000 CPU Core và 2 Petabytes lưu trữ.

Cloud8 định hướng các dịch vụ hạ tầng server, lưu trữ S3, CDN và Disaster Recovery đến khách hàng B2B và các ứng dụng quản lý doanh nghiệp, tương tác và hội họp, thương mại điện tử, chăm sóc khách hàng đến khách hàng B2C.

Bên cạnh đó, cộng đồng Cloud8 đang triển khai hỗ trợ miễn phí các gói hạ tầng năng lực CPU tính toán, hạ tầng lưu trữ, hạ tầng CDN cho startup và các nhà khoa học.

Có thể khẳng định rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự giao thoa của rất nhiều xu thế công nghệ. Từ xu thế điện toán đám mây, dữ liệu lớn, mạng xã hội, di động và sự kết nối của vạn vật trên Internet. Hàng tỷ con người và thiết bị đang sản xuất ra hàng triệu tỷ dữ liệu mỗi ngày, yêu cầu đặt ra đòi hỏi hạ tầng lưu trữ và xử lý dữ liệu phải có khả năng đáp ứng vô cùng lớn và linh hoạt.

Tuy nhiên, những hạ tầng đắt đỏ sẽ không đem lại sự thay đổi sâu rộng, thay vào đó, nếu muốn ứng dụng đi vào đời sống thì chúng phải có chi phí thấp để đáp ứng nhu cầu của đại đa số người sử dụng.

Sự ra đời và phát triển của Internet băng rộng, điện thoại di động đã và đang thúc đẩy quá trình cách mạng công nghiệp diễn ra nhanh hơn. Nhưng vượt trên tất cả, phần mềm ứng dụng mới là yếu tố thực sự chuyển hóa tất cả lợi ích của hạ tầng đến tay người sử dụng.

Không có phần mềm ứng dụng, hạ tầng sẽ như đường xá không có người qua lại; ngược lại, không có hạ tầng và thiết bị phần cứng, phần mềm sẽ không có con đường để phát triển.

Tất cả tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, thúc đẩy cuộc cách mạng điện toán nhằm thay đổi cuộc sống trong từng giây, từng phút như hiện nay.

Nguồn: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/2017/04/1251449/tinh-toan-hieu-nang-cao-trong-ky-nguyen-cong-nghiep-4-0/?utm_source=homepage&utm_medium=referral&utm_campaign=hometop1