Chống độc quyền trong nền kinh tế số

on .

Nguồn tài nguyên giá trị nhất của thế giới bây giờ không còn là dầu mỏ, mà là kho dữ liệu số đang tăng lên với cấp độ lũy thừa mỗi ngày.

Chống độc quyền trong nền kinh tế số
Dữ liệu số đang là “chùm khế ngọt” đối với các tập đoàn công nghệ - Ảnh: Economist

Trong nguyên tắc vận hành chung của một thị trường lành mạnh, khi một loại hàng hóa mới xuất hiện kéo theo một ngành kinh doanh phát triển nhanh, lợi nhuận lớn, các nhà quản lý chống độc quyền sẽ vào cuộc để kiềm chế việc một số tập đoàn thống trị, kiểm soát sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực kinh doanh đó.

Quyền lực của “big data”

Sự phong phú của kho dữ liệu đang làm thay đổi bản chất của cạnh tranh trong nền kinh tế số. Các đại gia công nghệ đương nhiên được tận hưởng trước các hiệu ứng từ thực tế này. Bản thân dữ liệu cũng mang lại những hiệu quả đáng kể. Thông qua thu thập dữ liệu, một hãng công nghệ có thêm thông tin để nâng cấp sản phẩm của mình, thu hút thêm người dùng, từ đó lại có thêm dữ liệu và quy trình theo đó lặp lại, tăng tiến.

Một ví dụ điển hình như vậy là Hãng Tesla. Với việc thu thập dữ liệu từ dòng sản phẩm xe hơi tự lái, họ đã khiến sản phẩm của mình hoạt động tốt hơn. Trong quý đầu năm nay, Tesla bán được 25.000 xe và hiện có giá trị vượt qua đối thủ là Hãng General Motors.

Việc tiếp cận dữ liệu lớn cũng giúp các tập đoàn phòng vệ tốt hơn trước những đối thủ theo một cách riêng. Dữ liệu giúp các “ông lớn” giám sát hoạt động trên toàn bộ nền kinh tế: Google biết rõ mọi người đang tìm kiếm gì, Facebook hiểu rõ người ta chia sẻ gì, còn Amazon đương nhiên biết người ta đã mua gì...

Nhiều người cho rằng thương vụ Facebook mua WhatsApp năm 2014 với giá 22 tỉ USD vào thời điểm WhatsApp chỉ là một ứng dụng nhắn tin với chưa đầy 60 nhân viên là một dạng thâu tóm kiểu “phủ đầu”.

Hai cách chống độc quyền

Một thế kỷ trước, câu chuyện chống độc quyền xoay quanh vấn đề dầu lửa. Nhưng nay các quan ngại tương tự được đặt ra trước hoạt động của những “ông lớn” công nghệ đang kinh doanh trên nền tảng dữ liệu, còn được gọi là “dầu lửa của kỷ nguyên số”.

Đối phó với vấn đề này, tờ The Economist cho rằng có hai ý tưởng đáng tham khảo trong phương pháp tiếp cận mới nhằm chống độc quyền trong nền kinh tế số.

Trước hết, khi xem xét một thương vụ sáp nhập, các quan chức chống độc quyền không chỉ nên quan tâm tới quy mô doanh nghiệp theo cách truyền thống, họ cần phải tính đến mức độ sở hữu dữ liệu của các công ty để đo lường tầm ảnh hưởng của các thương vụ sáp nhập. Mức giá thâu tóm cũng là tín hiệu cần được lưu tâm.

Việc Facebook sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để mua WhatsApp khi ứng dụng này chưa thực sự có nhiều lợi nhuận rõ ràng cảnh báo những dấu hiệu bất thường.

Thứ hai, cơ quan quản lý cũng nên nới lỏng việc quản lý với các nhà cung cấp dịch vụ online trong vấn đề dữ liệu, đồng thời trao thêm quyền kiểm soát dữ liệu với những người cung cấp chúng. Trong giải pháp này, sự minh bạch là điều rất cần thiết. Các doanh nghiệp buộc phải công khai với người dùng về việc họ sẽ thu thập những thông tin gì và kiếm được bao nhiêu tiền từ kho dữ liệu thu thập đó.

Việc khởi động những giải pháp chống độc quyền trong kỷ nguyên thông tin không đơn giản. Nó cũng sẽ làm phát sinh các nguy cơ mới, chẳng hạn việc chia sẻ dữ liệu có thể ảnh hưởng tới vấn đề quyền riêng tư. Nhưng nếu các chính phủ không muốn nền kinh tế số của họ bị chi phối chỉ bởi một vài đại gia công nghệ, rõ ràng họ cần hành động sớm.

5 “ông lớn”

Không khó để nhận diện các “ông lớn” này. Họ là Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft, 5 tập đoàn giá trị nhất thế giới. Lợi nhuận của họ liên tiếp tăng trưởng. Quý 1-2017, lợi nhuận ròng của 5 tập đoàn này cộng lại đạt hơn 25 tỉ USD. Chỉ riêng Amazon đã thâu tóm một nửa số tiền chi tiêu online của người dân Mỹ. Google và Facebook chiếm gần như toàn bộ tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực quảng cáo số ở Mỹ năm ngoái.

Cần chính sách mới cho tình hình mới

Rõ ràng dữ liệu là biểu hiện rõ nét nhất sức mạnh của nền kinh tế tri thức. Vai trò chi phối của nó đến sự sống còn của các hoạt động kinh doanh là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự độc quyền của một số “ông lớn” như Google, Facebook, Amazon...

Các dữ liệu về hành vi người dùng Internet đang được khai thác triệt để nhằm tối ưu hóa lợi ích cho các tập đoàn. Nhưng ai có thể dám chắc họ không sử dụng cho những mục đích sâu xa nào khác? Liệu quyền riêng tư cá nhân có được đảm bảo, hay các tập đoàn này có thể “kinh doanh những thứ riêng tư của người dùng”?

Trên bình diện quốc gia, sự chênh lệch về dữ liệu có thể đẩy khoảng cách phát triển giữa các nước ngày càng xa hơn. Những nước nắm nhiều dữ liệu sẽ có lợi thế cạnh tranh cực kỳ lớn. Các vấn đề về an ninh quốc gia cũng có thể đặt ra trong ngữ cảnh này. Đó rõ ràng là những bài toán quản trị xã hội, mà những nhà kỹ trị phải nhìn thấy trước để có những chính sách đáp ứng được với tình hình mới.

Tôi cho rằng ở Việt Nam cần khuyến khích các công ty công nghệ, có những đầu tư thích đáng để các start-up về sáng tạo công nghệ có điều kiện phát triển, chủ động tham gia sân chơi dữ liệu toàn cầu.

Lê Ngọc Sơn (nghiên cứu sinh ngành truyền thông ĐH Ilmenau, Đức)

 
D.KIM THOA (Theo Economist)