Kiểm tra trước: Công cụ học tập hiệu quả

on .

Cải thiện đáng kể thành quả học tập sau mỗi khóa học nhờ làm bài kiểm tra trước (pretesting) là một trong những phát triển lý thú nhất của ngành khoa học nghiên cứu cách học (learning-science) hiện nay.

Kiem tra truoc: Cong cu hoc tap hieu qua

 

Hãy thử tưởng tượng vào ngày đầu tiên của một khóa học “khó xơi”, khi chưa được học kiến thức nào, thì bạn lại có trong tay đề kiểm tra cuối khóa. Toàn bộ đề bài kiểm tra không có lời giải, không có chú thích hay hướng dẫn, chỉ là các câu hỏi. Liệu nó có giúp bạn học hiệu quả hơn không?

Câu trả lời tất nhiên là có. Sau khi đọc các câu hỏi cẩn thận, bạn sẽ biết phải chú trọng những kiến thức nào khi ghi chép. Tai bạn sẽ vểnh lên chăm chú bất cứ khi nào giáo viên đề cập những vấn đề liên quan đến các câu hỏi trong đề. Bạn sẽ tìm trong sách giáo khoa những phần thảo luận về mỗi câu hỏi kiểm tra. Nếu cẩn thận thì bạn còn học thuộc câu trả lời cho tất cả các câu hỏi. Rồi vào ngày kiểm tra, bạn sẽ là người đầu tiên hoàn thành bài làm và lãnh gọn điểm A+. Nhưng như thế bạn mắc tội gian lận.

Nếu thay vào đó, vào ngày đầu tiên của khóa học, bạn làm một bài kiểm tra với nội dung cũng bao quát như bài kiểm tra cuối kỳ nhưng không chính xác là bản sao của nó thì sao? Tất nhiên bạn sẽ làm hỏng bét. Bạn có thể không hiểu được một câu hỏi nào. Nhưng dù trải nghiệm này có làm bạn cảm thấy mất phương hướng đến đâu thì nó sẽ vẫn thay đổi cách bạn tiếp cận với khóa học, và nhờ đó cải thiện đáng kể thành quả học tập tổng thể của bạn.

Đây chính là ý tưởng đằng sau việc làm bài kiểm tra trước (pretesting), một trong những phát triển lý thú nhất trong ngành khoa học nghiên cứu cách học (learning-science) hiện nay. Qua một loạt các loại thí nghiệm, các nhà tâm lý học nhận thấy rằng, trong một số trường hợp, các câu trả lời sai trong các bài kiểm tra trước không đơn thuần là những đoán mò vô ích. Thật ra, những nỗ lực phỏng đoán này làm thay đổi cách chúng ta nghĩ về và lưu trữ những thông tin bao hàm trong các câu hỏi đó. Đối với một số loại bài kiểm tra, đặc biệt là trắc nghiệm, việc trả lời sai giúp chỉ dẫn cho não của ta tiếp nhận những thông tin tiếp theo tốt hơn. Như vậy, làm bài kiểm tra trước giúp ta thu nhận thông tin theo một cách mà việc học bình thường không thể làm được.

Sự hào hứng của các nhà khoa học đối với ý tưởng bài kiểm tra trước bắt nguồn từ một thực tế là các bài kiểm tra này có vẻ như giúp cải thiện kết quả trong các chủ đề ít quen thuộc hơn ở các lĩnh vực như địa lý, xã hội học hay tâm lý học, ít nhất là trong phạm vi thí nghiệm. Nhà tâm lý học Elizabeth Ligon Bjork thuộc Đại học California, Los Angeles, vừa hoàn thành một thí nghiệm, theo đó việc kiểm tra trước đã làm tăng kết quả kiểm tra cuối kỳ của một nhóm sinh viên trong lớp lên trung bình 10% so với nhóm cùng lớp nhưng không được làm bài kiểm tra trước.

Như vậy, kiểm tra có thể là chìa khóa cho việc học chứ không phải là ngược lại. Kiểm tra không chỉ là một công cụ để đo đếm, đánh giá mà còn là một cách để làm giàu và chỉnh sửa bộ nhớ.

Ảo tưởng về sự trôi chảy

Hầu như ai cũng ít nhất một lần rơi vào tình cảnh mở bài thi ra và gặp phải một dãy câu hỏi mà mình chẳng hiểu gì. Những lúc đó thị giác của ta sẽ mờ đi, đầu óc hoảng loạn. Trường hợp phổ biến hơn là khi ta mở bài thi ra, đọc thấy câu hỏi về một vấn đề quen thuộc mà ta đã học, thậm chí là thuộc lòng mới ngay hôm qua thôi, nhưng lúc này lại chẳng nhớ gì nữa.

Tại sao lại xảy ra những trường hợp như vậy? Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu việc học từ lâu và kết luận rằng, lý do tiêu biểu không phải vì chúng ta thiếu cố gắng hay không có “gene làm bài thi”. Vấn đề là chúng ta đánh giá sai độ sâu những hiểu biết của mình. Chúng ta bị đánh lừa bởi nhận thức sai lầm về “sự trôi chảy”. Ta tin tưởng rằng nếu mình đã nhớ một dữ kiện, một công thức thì nó sẽ ở mãi trong trí nhớ của ta. Ảo tưởng này mạnh đến nỗi, một khi ta cảm thấy mình đã nắm được một vấn đề, ta coi như việc nghiên cứu tiếp vấn đề đó cũng không thể làm tăng trí nhớ của ta về nó.

Thường thì chính những phương pháp mà học sinh hay sử dụng như đánh dấu, gạch các ý chính, tóm tắt các chương v.v. tạo nên ảo tưởng về sự trôi chảy. Nhận thức sai lầm về sự trôi chảy này được hình thành một cách tự động trong tiềm thức của ta, khiến ta trở nên cực kỳ kém trong việc thẩm định những gì chúng ta cần học hoặc thực hành lại.

 Kiểm tra có thể là chìa khóa cho việc học chứ không phải là ngược lại. Kiểm tra không chỉ là một công cụ để đo đếm, đánh giá mà còn là một cách để làm giàu và chỉnh sửa bộ nhớ.

Cách tốt nhất để vượt qua ảo tưởng này là làm bài kiểm tra - tự nó là một phương pháp học tập hiệu quả. Đây không phải là một khám phá mới mẻ gì, người ta đã nhận ra điều này từ thuở bắt đầu giáo dục chính quy, có khi còn sớm hơn thế. Năm 1620, nhà triết học Francis Bacon đã viết: “Nếu bạn đọc một đoạn văn 20 lần, bạn sẽ không học thuộc được nó dễ dàng như khi bạn chỉ đọc 10 lần, trong lúc đó cố đọc thuộc lòng và chỉ nhìn sách khi không nhớ ra được.”

Năm 1916, nhà tâm lý học Arthur Gates tại Đại học Columbia đã tiến hành một thí nghiệm nhằm kiểm chứng nhận định của Bacon. Kết quả thí nghiệm cho thấy, nhìn chung, để học thuộc lòng một bài thơ của Shakespeare nhanh nhất, người học cần dành một phần ba thời gian đầu tiên đọc bài thơ đó và hai phần ba thời gian còn lại cố đọc theo trí nhớ.

Đến những năm 1930, Herbert F. Spitzer, nghiên cứu sinh tại Đại học Bang Iowa, đã nhận ra ngụ ý rộng hơn từ thí nghiệm của Gates: việc cố đọc thuộc lòng cũng chính là một hình thức tự kiểm tra. Như vậy, việc kiểm tra được sử dụng như một phương pháp học. Từ đó, nảy ra câu hỏi: nếu việc kiểm tra hữu ích như vậy thì thời điểm nào là tốt nhất để tiến hành kiểm tra?

Để tìm câu trả lời, Spitzer đã thực hiện một thí nghiệm với qui mô lớn trên 3.500 học sinh lớp 6 đến từ 91 trường tiểu học tại chín thành phố ở bang Iowa. Kết quả cho thấy, nhóm được làm bài kiểm tra một - hai lần trong vòng một tuần sau khi học đã làm bài kiểm tra cuối khóa tốt hơn so với nhóm chỉ được làm bài kiểm tra sau khi học trên hai tuần. Spitzer kết luận rằng kiểm tra là một phương pháp hữu ích cần được áp dụng sớm trong quá trình học.

Định hướng cho não

Vậy cần áp dụng việc kiểm tra sớm đến mức nào? Liệu có nên tiến hành kiểm tra ngay từ buổi đầu tiên của khóa học không? Thí nghiệm của nhà tâm lý học Bjork đề cập ở trên đã khẳng định tác dụng tích cực của việc kiểm tra trước, gợi ý rằng kiểm tra trước giúp chỉ dẫn cho não, định hướng não tiếp thu những thông tin mới.

Các nhà khoa học có một vài giả thuyết về cơ chế của hiện tượng này.

Một logic khá dễ nhận thấy là: khi biết mình sẽ bị kiểm tra những gì, học sinh sẽ suy xét và chắt lọc những thông tin quan trọng hơn trong quá trình học. Đây là điều mà những người thầy giỏi nhất cũng không thể làm thay học sinh của mình. Làm bài kiểm tra và trả lời sai sẽ giúp điều chỉnh tư duy của ta về những tài liệu mà ta cần biết trong bước học tập tiếp theo.

Giả thuyết thứ hai liên quan đến khái niệm “trôi chảy”. Bài kiểm tra trước hoạt động như một loại vaccine chống lại ảo tưởng về sự trôi chảy. Việc trả lời sai trong bài kiểm tra trước sẽ phơi bày ảo tưởng về sự trôi chảy của ta, nhất là trong các bài kiểm tra trắc nghiệm khi ta phải chọn lựa giữa nhiều đáp án đều có vẻ hợp lý. Ví dụ, cứ cho là ta rất chắc chắn rằng thủ đô của Úc là Canberra; nhưng khi phải trả lời một câu hỏi trắc nghiệm với nhiều lựa chọn khác như Sydney, Melbourne hay Adelaide, có thể ta sẽ bắt đầu cảm thấy ngờ ngợ, không chắc chắn nữa. Nếu trước đó ta chỉ học câu trả lời đúng thì ta sẽ mất đi khả năng đánh giá các lựa chọn có vẻ đúng khác xuất hiện trong bài kiểm tra.

Nhìn từ mặt sinh học, để ôn tập lại thông tin, trí nhớ hoạt động theo những cách mà ta thường không nhận ra. Truy hồi - tức là nhớ lại - là một hoạt động trí óc khác với việc học: não bộ phải lật xới lại một kiến thức cùng với mạng lưới những gì liên hệ với kiến thức đó. Việc này sẽ thay đổi và làm phong phú cách mà mạng lưới liên hệ được tái lưu trữ sau đó. Nhưng phỏng đoán là một hoạt động khác biệt rõ ràng so với việc học và truy hồi. Việc phỏng đoán cũng giúp định hình lại mạng lưới tư duy của ta thông qua việc lồng ghép những khái niệm chưa biết vào những câu hỏi mà ta ít nhiều hiểu được phần nào. Những phán đoán câu trả lời sẽ hiện ra khi ta nghe lại các khái niệm lạ này trong quá trình học sau đó.

 Những nghiên cứu về bài kiểm tra trước đang dự báo một xu hướng sư phạm tiến bộ trong tương lai, khi đó, bài kiểm tra sẽ trở thành một cách giới thiệu cho học sinh những gì các em nên học hơn là một phán xét về những gì các em đã không học được.

Ngày nay từ “kiểm tra” vẫn còn mang ý nghĩa rất nặng nề và vẫn chưa được gắn với khoa học về việc học tập. Các nhà giáo dục và chuyên gia đã tranh cãi rất nhiều về giá trị của các bài kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn từ hàng thập kỷ nay. Nhiều giáo viên than phiền rằng việc chú trọng bài kiểm tra làm họ bị hạn chế khả năng khám phá môn học với học sinh. Một số người khác công kích việc kiểm tra là những thước đo không hoàn chỉnh về việc học, không nhìn nhận được bất cứ hình thức tư duy sáng tạo nào.

Những nghiên cứu về bài kiểm tra trước đang dự báo một xu hướng sư phạm tiến bộ trong tương lai, khi các giáo viên sẽ phải chuyển từ “dạy để làm được bài kiểm tra” sang “học để nắm được bài kiểm tra trước”. Bài kiểm tra sẽ trở thành một cách giới thiệu cho học sinh những gì các em nên học hơn là một phán xét về những gì các em đã không học được.

Khánh Minh 

lược dịch từ bài viết của Benedict Carey, phóng viên khoa học của tờ The Times, tác giả của cuốnHow We Learn: The Surprising Truth About When, Where and Why It Happens.

Nguồn: http://www.nytimes.com/2014/09/07/magazine/why-flunking-exams-is-actually-a-good-thing.html?ref=magazine