"Thoi thóp" vì cạn thí sinh

on .

Hàng loạt trường ĐH đang khóc ròng vì đến thời điểm này vẫn không tuyển được thí sinh; nhiều ngành học đang đứng trước nguy cơ phải tạm ngưng đào tạo

Chiều 24-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, cho biết tình hình tuyển sinh của trường "không được tốt đẹp" và trường buộc phải tuyển sinh đợt 3.

Tuyển quanh năm để vét

"Năm nay, thí sinh có nhiều nguyện vọng khiến cho các trường tuyển sinh rất khó khăn. Chúng tôi sẽ tuyển sinh cả năm, hy vọng thí sinh "chạy" các nơi rồi sẽ quay về trường" - GS Nghị nói.

Cũng lo lắng cho việc tuyển sinh, bà Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, cho hay dù trường cũng nhận được kha khá hồ sơ nhưng vẫn lo vì chẳng biết ảo đến đâu. Hàng loạt trường ĐH địa phương như Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Tây Bắc, Trường ĐH Hùng Vương... cũng rơi vào cảnh trông ngóng thí sinh sau khi thông báo xét tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu với mức điểm nhận hồ sơ chỉ bằng điểm sàn của bộ.

Ông Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải, Hải Phòng - cho biết trường thông báo tuyển bổ sung khoảng 200 chỉ tiêu với hy vọng tuyển được khoảng một nửa số này. Ông Nhớ tỏ ra bi quan và nghĩ là đã hết thí sinh để tuyển.

Thoi thóp vì cạn thí sinh - Ảnh 1.

Nhiều trường ĐH hiện vẫn ngóng thí sinh đến đăng ký xét tuyển Ảnh: Tấn Thạnh

Không chỉ các trường ĐH địa phương mà nhiều trường có truyền thống lâu năm cũng bị thí sinh "bỏ rơi". Trường ĐH Mỏ - Địa chất tuyển bổ sung gần 1.000 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Đức Khoát, Trưởng Phòng đào tạo của trường, tỏ ra không mấy lạc quan khi nhận định đợt tuyển sinh này, trường xác định ảo có thể lên đến 100%. Vì thế, dù đã nhận được 700 hồ sơ nhưng trường cũng không nhiều kỳ vọng.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo tuyển bổ sung đợt 1 là 1.500 chỉ tiêu. Trường cũng phải điều chỉnh lại đề án tuyển sinh công bố hồi tháng 3 bằng việc đưa thêm phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT của thí sinh để xét tuyển cho tất cả các ngành đào tạo đại học. Lịch sử trường này từ khi thi "3 chung" đến nay thì đây là năm đầu tiên phải xét tuyển từ học bạ. Thêm nữa, khi đến đăng ký xét tuyển bổ sung, trường sẽ thu luôn bản gốc giấy báo điểm thi đối với những thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia để giữ thí sinh.

Một trường khác thuộc khối nông - lâm là Trường ĐH Lâm nghiệp cũng xét tuyển bổ sung đợt 1 với tất cả các ngành đào tạo của trường bằng 2 phương thức là kết quả thi THPT quốc gia và xét kết quả học tập THPT với hy vọng sẽ tuyển được thí sinh.

"Chết", méo mặt

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, số thí sinh nhập học năm nay chỉ đạt khoảng 78%, rất nhiều em đỗ từ nguyện vọng 3 trở đi đã không nhập học. Trường ĐH Xây dựng cũng còn thiếu khoảng 300 sinh viên mới đủ chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Đình Thi, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Xây dựng, nhà trường đã gọi điện đến từng em để hỏi nguyên nhân thì phần lớn các em trả lời không có nhu cầu học đã đăng ký học trường khác.

Ông Phạm Quang Dũng, Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, cho rằng việc thí sinh trúng tuyển mà không nhập học chủ yếu do nhu cầu của thí sinh. Các em không tha thiết với nguyện vọng đăng ký ban đầu thì sẽ không đến học. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, cũng cho hay thực tế cho thấy rất nhiều em đỗ từ nguyện vọng 3 trở đi đã không nhập học.

Việc thí sinh từ chối nhập học đã đẩy các trường vào thế khó khăn trong việc duy trì hoạt động cũng như sự tồn tại của mình. Hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập không muốn nêu tên cho hay không có thí sinh đồng nghĩa với việc nhiều ngành học sẽ phải đóng cửa. Không thu được học phí thì các trường sẽ không có nguồn nào để trả lương cho giáo viên, nói một cách khác là thí sinh không đến thì trường "chết" mà thầy cô cũng méo mặt.

Hiệu trưởng này cũng chia sẻ mùa tuyển sinh năm ngoái, các trường ngoài công lập đã rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, năm nay thì chỉ còn tồn tại thoi thóp và thực sự là sẽ không còn biết trụ được bao nhiêu lâu nữa.

 
YẾN ANH