Để chụp ảnh đẹp hơn với điện thoại

on .

"Để chụp ảnh đẹp hơn bằng điện thoại - phần 1", chúng ta đã bàn về việc chọn chiếc điện thoại đúng ý và những yếu tố cơ bản cấu thành một bức ảnh. Phần này chúng ta bàn về một số chủ đề nhiếp ảnh mà camera điện thoại có thể làm được. Cái máy ảnh phụ thuộc sự dẫn dắt của người cầm sử dụng nó. Sự dẫn dắt khởi đầu bằng việc hiểu rõ và làm chủ nó, biết cách lấy nét, chọn góc chọn hướng sáng phù hợp, tìm kiếm khoảnh khắc, và đặc biệt là bạn phải biết mình muốn: chụp cái gì? Chụp chủ đề gì? Chụp với ý đồ gì? ... thì câu hỏi tiếp theo sẽ là "chụp cái đó như thế nào?"

Để chụp ảnh đẹp hơn bằng điện thoại - phần 1" , chúng ta đã bàn về việc chọn chiếc điện thoại đúng ý và những yếu tố cơ bản cấu thành một bức ảnh. Phần này chúng ta bàn về một số chủ đề nhiếp ảnh mà camera điện thoại có thể làm được. Cái máy ảnh phụ thuộc sự dẫn dắt của người cầm sử dụng nó. Sự dẫn dắt khởi đầu bằng việc hiểu rõ và làm chủ nó, biết cách lấy nét, chọn góc chọn hướng sáng phù hợp, tìm kiếm khoảnh khắc, và đặc biệt là bạn phải biết mình muốn: chụp cái gì? Chụp chủ đề gì? Chụp với ý đồ gì? ... thì câu hỏi tiếp theo sẽ là "chụp cái đó như thế nào?"

Với điện thoại, tiện ích rõ ràng nhất cho việc chụp ảnh đó là sự cơ động, gọn gàng, mang đi và chụp bất cứ chủ đề gì và ở đâu. Để có khung ảnh đẹp, ngoài việc lựa chọn góc sáng, kỹ thuật sử dụng thiết bị, việc chăm chút chủ đề chụp phù hợp để bạn có bức ảnh đẹp bằng điện thoại. Có thể phân 2 loại:

 

1. Chủ đề tĩnh
Chủ thể tĩnh, bất động cho phép người cầm máy đủ thời gian cần để xử lý khung ảnh tốt nhất có thể. Họ sẽ xem xét chủ đề ở nhiều góc, hướng sáng, kết cấu thành phần... và lựa chọn kỹ thuật phù hợp. Bí quyết để thành công khi chụp các chủ đề tĩnh là phải suy gẫm, bởi ta có thời gian để lựa chọn góc tốt hơn, ánh sáng đẹp hơn.
Chủ đề tiêu biểu của nhóm này là: phong cảnh, hoa lá, cây cối, các vật thể bất động trong thiên nhiên hoặc nhân tạo như kiến trúc, vật dụng..., chân dung tạo dáng, tĩnh vật. Ngay ở dưới chân, đó có thể là một chiếc lá vàng rơi vô tình trên thảm cỏ xanh. Đặt cuống lá từ góc chéo làm đường dẫn xuống sự cong khô. (Lumia830)
Nếu thích thì đưa máy sát một chút, đặt các sống lá theo bố cục chéo, cái lá bay giờ có thể dùng làm hình nền chẳng hạn! (Lumia830)
Bên vệ đường, một nhánh hoa dại cũng giúp thư giản thú chụp ảnh điện thoại . (Lumia930)
Bố cục và chọn góc có phông nền có màu mượt.


Hay trên bờ rào, một nhánh dây leo (Galaxy Alpha)


Và, cũng có thể là một "cái bẫy mồi của chú nhện" (Sony Xperia Z3 với chế độ after defocus)


Chủ đề tĩnh đa số vẫn là phong cảnh. Một bức ảnh bình minh dưới biển thế này được gọi là thuận sáng (Lumia930) - Tấm này, mình lấy nét đo sáng canh khung xong đâu đó, bèn gọi "chú ơi, cho cháu chụp 1 tấm hình ạ!" Chú quay lại và bấm máy. Xong rồi cho chú coi ảnh, chú thích lắm! Bảo là điện thoại mà chụp đẹp.


Và, đây được gọi là ngược sáng, cảm xúc ảnh mãnh liệt của cái kiểu màu dưới ánh nắng vàng (Lumia930).


Hoặc ánh sáng buổi hoàng hôn xuống trên thành phố. Tìm một thứ gì đó làm tiền cảnh cho khung ảnh sinh động ấn tượng hơn (Oppo Find7).


Hay bạn thích phong cảnh yên tĩnh thế này - Biển Ninh Chữ Phan Rang (HTC M8)


Lặng lẽ như thế này - Đồi Vọng Cảnh Huế (Lumia1520)
Mình đứng nhìn cho đến khi cái thuyền đó đi khuất.


Hay mang mác buồn kiểu thế này ở Phá Tam Giang (Lumia1520)
Hạ thấp máy một chút thì lấy được bờ cỏ đẹp hơn.


Cũng có khi đứng trước sự dữ tợn của thiên nhiên kiểu thế này (Lumia930)


Hoặc chủ đề tĩnh như cảnh thanh bình của kiến trúc thành phố (Lumia1020)

Cũng có thể đó chỉ là một bức ảnh cũ treo trên tường của quán cà-phê (Lumia830)
Mình thích cái bóng soi vào tấm gương của bức ảnh. Chụp mãi mới được như ý.


Và, chủ đề tĩnh cũng có thể là một bức chân dung tạo dáng, chủ đề không di chuyển, và người chụp lựa chọn hướng sáng góc chụp theo ý mình (HTC M8)
Ánh sáng cửa sổ luôn hay.


Tóm lại: Với chủ đề tĩnh, không được vội vã, phải tận dụng lợi thế là chủ đề không thay đổi hay chạy đi mất. Phải xem xét kỹ chủ đề từ nhiều góc độ và vị trí nhìn khác nhau trước khi bấm máy. Phải đặc biệt lưu ý những yếu tố thường bị bỏ sót như bố cục, kết cấu các thành phần trong ảnh, sự tách bạch sắc độ, hậu cảnh nền, tiền cảnh nếu có thể.

2. Chủ đề động: là chủ đề dịch chuyển liên tục, khoảnh khắc không lập lại, rất khó để tóm được cái "thần" của cảnh huống với một cú bấm duy nhất, vì không biết trước và sau của sự chuyển động. Người chụp cần khả năng quan sát nhạy bén, đoán trước tình huống, sẵn sàng và phản xạ nhanh.
Các chủ đề động điển hình là người và trẻ con dịch chuyển, thú vật, các vật thể hay chủ thể di động, thể thao, các phương tiện giao thông... Sự dịch chuyển không ngừng, các chủ đề động không bao giờ giống nhau cả, và cái khó là người chụp không biết trước cái gì sẽ diễn ra sắp tới. Chỉ cần trượt nay cú bấm đầu tiên, là có thể mất cả buổi chờ đợi. (Sony Xperia Z3)


Một đám trẻ nô đùa. Chuẩn bị bước tới, là máy đã mở sẵn sàng, dự tính trước khung ảnh, vừa đến gần chủ đề là có thể bấm máy nhanh nhất có thể để có sắc thái tự nhiên (iPhone5).


Rất nhanh


Mọi thứ sẵn sàng, chú thợ hớt tóc vừa quay lại mỉm cười là bấm máy. (Lumia930)


Ánh sáng bình minh xuyên qua những cây nước đá. (Lumia930)
Ở khu chợ bến cá nên người qua kẻ lại khó chụp lắm. Canh vừa trống người và chú khuân đá vừa đưa cây đá ra khỏi thùng xe che khuất mặt trời, bấm máy.


Dự đoán trước và tiên liệu tình huống, cũng có lúc may mắn lúc không (Lumia930)
Đứng xem 1 hoặc 2 lần cảnh diễn ra, lần thứ 3 thì tìm góc và chọn hướng sáng rồi chờ...


Chụp 1 tấm duy nhất, khó mà tóm bắt được cái "thần" của chủ đề mà mình chứng kiến (Lumia930)


Thấy thằng bé chạy từ xa rồi, ngồi xuống đặt máy sát đất và chờ đợi giây phút nó xuất hiện với ảnh góc thấp để mấy cây cỏ nó cao bao quanh dưới ánh sáng (Lumia1020).


Tóm lại: Với chủ đề động, người chụp cần phải luôn sẵn sàng. Đó là luôn luôn quan sát bằng mắt lẫn tâm trí, nhạy bén với những cảnh huống xung quanh cuộc sống, sự kiện... tập khả năng dự đoán những khoảnh khắc quan trọng để không bị động khi tình huống diễn ra, nhiều lúc trở tay không kịp. Muốn dự đoán trước cảnh huống, người chụp tìm hiểu trước chủ đề hay sự kiện để lượng trước cái gì xảy ra và xảy ra thời điểm nào. Sau đó, phản xạ thiệt nhanh.

3. Câu ảnh
Đó là đứng trước một phong cảnh tĩnh, nhưng chờ đợi một sự dịch chuyển nào đó xảy ra. Mình thích gọi sự chờ đợi này như người đi câu chờ đợi sau khi thả câu. Những bức ảnh đó có thể là cụ thể cũng có thể là trừu tượng. Nhưng, phải có dự đoán và chờ đợi. Đôi lúc không xảy ra và đôi lúc xảy ra như dự đoán.

Đứng trước ánh sáng vàng ở chân dốc thế này, hầu hết đều lôi điện thoại ra bấm 1 tấm, đẹp quá mà! Nhưng có một số ngồi lại và một số thì không. Dừng lại chờ đợi 1 ai đó xuất hiện ở đỉnh dốc, hy vọng... (Lumia930)


Chờ một lúc thì cũng có người tắm dưới nước đi lên. Sẵn sàng và ngồi chờ đối tượng vô vị trí ưng ý và bấm.


Mình đã dựng cái xe đạp và chụp rồi, tuyệt! Nhưng chờ một chiếc thúng chèo tới bóng nước ... (Lumia930)


Sự chờ đợi này có hôm được có hôm không. Hôm này là may mắn, chờ mãi thì cũng có một chiếc xuồng đi câu lưới về. (HTC M8)


Tấm này chụp bằng iPhone4 - Chờ những người khuân vác kéo xe xuống rửa đồ đạc kịp lúc ánh sáng còn đẹp


Mình đứng cầm cái điện thoại canh khung đâu đó, chờ tấm 1 phút thì chú này mới quay mặt từ bên kia lại, và bấm máy.


Cái ghế ở Thảo Cầm Viên, chờ một lúc thì có người đi qua, nhưng có một đôi nam nữ thì lãng mạn hơn (Lumia830)


4. Chụp chậm những chuyển động
Có chủ đề động chụp chậm lại tạo cảm xúc nhiều hơn. Một khu chợ đêm, người qua kẻ lại, chụp với tốc độ màn trập chậm 1 chút, người qua kẻ lại mờ nhòe thành vệt diễn tả cảnh đông đối lập với cảnh tĩnh. (Oppo find7)


Một chú gác ga đứng yên khi đoàn tàu tiến về sân ga. Ở cái Lumia thì bạn có thể giảm tốc độ màn trập xuống khoảng 1 giây.


Ngược lại, khi tàu dừng (tĩnh) thì những hành khách vội vã tìm đúng số toa của mình. Chụp chậm một chút tăng không khí vội vã đó hơn (Lumia930)


Cũng vậy, cảnh một góc phố nhộn nhịp xe cộ buổi chiều chuẩn bị mưa (Lumia830)


Cảnh kẹt xe thì đã đành, chậm một chút để tuyến bên kia xe chạy thành vệt (lumia1020)


Hoặc một cảnh thác đổ cuồn cuộn sương khói. Ánh sáng này có cường độ sáng cao, thành thử phải gắn thêm filter ND kẹp trước cái điện thoại. (Oppo find7)


Tạm kết:
Nếu bảo một người chụp vài tấm ảnh hoàn toàn tự do với bất cứ chủ đề nào, thì nhất định bạn ấy sẽ chụp đề tài làm hấp dẫn bạn nhất, và thường đề tài ấy là sở trường của bạn ấy. Một người có máu phiêu lưu sẽ ngại chụp tĩnh vật, một người có tính dè dặt khó thành công thể loại ảnh thể thao. Dẫu thế nào thì người chụp đều phải thành thạo sử dụng cái điện thoại hoặc máy ảnh của mình, vững kỹ thuật, có khả năng chọn lọc và táo bạo tìm tòi những thể nghiệm ảnh theo ý muốn cá nhân mình. Và, những bức ảnh của họ, dẫu là thiết bị nào, đó đều là một vẻ đẹp, sự ngạc nhiên, rạng rỡ, niềm vui hạnh phúc, sự giận dữ, mạnh mẽ, ... Người chụp cần có đủ nhạy cảm để cảm nhận tính chất ấy nơi chủ đề và đủ nhanh nhạy làm bộc lộ nó trong khung ảnh của mình.
 
Nguồn: http://www.baomoi.com/De-chup-anh-dep-hon-voi-dien-thoai-Phan-2/136/15411996.epi