“Tăng xông” với dịch vụ Internet

on .

Nhà mạng liên tục quảng cáo thay cáp, tăng tốc độ truy cập Internet, nhưng nhiều người dùng vẫn gặp không ít phiền toái, bực mình với chất lượng dịch vụ Internet tại Việt Nam.

“Tăng xông” với dịch vụ Internet - Ảnh 1.

Lượng người Việt dùng Internet ngày càng tăng nhanh - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Do dùng Internet cáp đồng tốc độ chậm, chị Ngọc Lan (Q.2, TP.HCM) được nhà mạng Viettel thuyết phục chuyển sang dùng cáp quang với lời quảng cáo "tốc độ rất cao nhưng giá không cao". 

Tuy nhiên sau khi chuyển một thời gian, chị Lan phản ảnh "mạng bị trục trặc kỹ thuật cả mấy tuần mới chạy yên ổn".

Nhiều phiền toái

Cho rằng tốc độ của đường truyền cáp quang cũng bình thường chứ không nhanh vù vù như quảng cáo, lâu lâu còn không truy cập được Facebook, chị Lan thắc mắc "không rõ nhân viên kỹ thuật thiết lập thế nào mà mạng nhà tôi cứ chập chờn hoài". 

Đã hơn chục lần gọi lên tổng đài phản ánh và nhân viên cũng xuống chỉnh sửa khá nhiều lần nhưng chị Lan bức xúc "tình trạng không cải thiện mấy".

Theo kết quả khảo sát quý 1 năm 2017 của Công ty Internet Akamai (Mỹ), tốc độ kết nối Internet trung bình tại Việt Nam đạt 9,5Mbps,  tăng 15% so với quý trước. Mặc dù tốc độ Internet Việt Nam hơn mức trung bình thế giới nhưng nếu xét trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nước ta vẫn nằm ở nhóm sau khi chỉ đứng vị trí 9/15. Hàn Quốc không chỉ dẫn đầu khu vực mà còn đứng số một thế giới với tốc độ lên đến 28,6Mbps.

 

Chị Bích Uyên (Q.2, TP.HCM) phản ảnh: "Tôi xài dịch vụ của SCTV có cả truyền hình và Internet. Tuy nhiên cả tháng nay mạng rất yếu, rớt liên tục. Thực hiện các cuộc gọi qua ứng dụng Zalo, Viber, Facetime đều mất tín hiệu, Internet tivi gần như không sử dụng được". 

"Trước đây thì thỉnh thoảng bị tình trạng điện thoại vô mạng được nhưng máy tính lại không được, gọi kỹ thuật viên xuống sửa ổn nhưng thời gian sau đâu lại vào đó".

Cùng cảnh ngộ với chị Uyên, ông Ngô Trần Vũ, chung cư Thủy Lợi 4 (Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng dùng dịch vụ SCTV cho cả truyền hình và Internet. Tuy nhiên, "chập chờn" là điều nhà ông thường xuyên gặp phải khi sử dụng mạng. 

"Khi xem YouTube qua tivi thì Internet không tải được, gọi lên tổng đài có khi tự kết nối lại được ngay nhưng rồi tình trạng cũ tái diễn lại", ông Vũ nói.

Đặc biệt, rất nhiều khách hàng phản ánh cảm giác thường xuyên bị nhà mạng "bóp" băng thông khiến tốc độ truy cập yếu, mạng hoạt động chập chờn. Chỉ đến khi khách hàng bức xúc phản ảnh lên tổng đài thì nhà mạng mới mở lại băng thông, nhưng sau đó tình trạng vẫn tái diễn thường xuyên…

Gần 11 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến tháng 10-2017, Việt Nam có tổng cộng 10,9 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định, tăng thêm hơn 1,9 triệu thuê bao so với cùng thời điểm năm 2016.

Trong đó, lượng thuê bao truy nhập Internet qua hệ thống cáp quang tới nhà thuê bao (FTTH) là 8,94 triệu thuê bao (chiếm hơn 82% tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định), tăng thêm 2,86 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm 2016.

Theo một thống kê khác, Việt Nam hiện có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

Nguyên nhân khách quan?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về sự phiền toái nhiều khách hàng thường xuyên gặp phải khi sử dụng dịch vụ Internet qua mạng cáp hiện nay, nhiều nhà mạng cho biết phải "tuỳ từng trường hợp phản ánh cụ thể như thế nào mới xử lý được". 

Đại diện một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) cho biết việc có nhiều trường hợp chậm khắc phục sự cố theo yêu cầu khách hàng thường là do nhân viên kỹ thuật "đang bận phục vụ cho khách hàng khác nên chậm đến sửa chữa cho khách hàng".

Còn về chuyện khách hàng phản ánh thường xuyên bị "bóp" băng thông, vị đại diện này cho rằng "do nhiều khách hàng trong một thuê bao sử dụng mạng cùng lúc nên băng thông bị chia sẻ khiến tốc độ truy cập của mỗi thiết bị sẽ giảm xuống. Càng nhiều thiết bị sử dụng mạng cùng lúc thì tốc độ cũng sẽ giảm theo". 

Ngoài ra, vị đại diện cũng cho biết tốc độ truy cập chậm còn do nhiều nguyên nhân khách quan khác như sự cố mạng, đứt cáp quang biển…

Ngoài chuyện chất lượng, nhiều người dùng cũng rất bực mình với chất lượng phục vụ của nhà mạng. Chẳng hạn như ông Nguyễn Hồng Văn (Trương Định, Q.1, TP.HCM) tỏ ra rất khó chịu khi nhà mạng bắt khách hàng dùng modem do họ cung cấp nhưng khi hư hỏng lại bắt khách hàng tự sửa. 

"Họ không cho người xuống sửa hoặc thay mà đề nghị mình đến một cửa hàng (hình như là họ chỉ định) để mua và họ trừ tiền dần vào hóa đơn. Công ty tôi làm gì có người rảnh để làm chuyện đó", ông Văn kể. Bức xúc với cách hành xử của nhà mạng, sau đó ông Văn "gọi cho một nhà mạng khác đăng ký sử dụng dịch vụ để họ xuống lắp thiết bị mới... cho lẹ".  

Buộc nhà mạng phải đền bù

Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena, cho rằng ngoài vài nguyên nhân bất khả kháng như đứt cáp, thiên tai, hỏa hoạn... làm ảnh hưởng tốc độ đường truyền thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là tốc độ mở rộng, nâng cấp đường trục chính của các nhà mạng không tương xứng với tốc độ phát triển thuê bao.

Trong thời gian đầu số lượng thuê bao ít nên tốc độ đảm bảo như quảng cáo nhưng sau đó, số lượng thuê bao phát triển nhanh, hiện tượng "nút cổ chai" xuất hiện. Đó là nguyên nhân dẫn đến tốc độ mạng bị chậm không còn giống như quảng cáo.

Để khắc phục, theo ông Thắng, cần phải có sự phối hợp giám sát của Nhà nước, người tiêu dùng với nhà mạng, bắt buộc đền bù nếu nhà mạng không đúng cam kết.

Nhà nước hoặc hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng nên thiết lập một kênh thu thập thông tin từ người dân, để người dân phản ảnh, đưa những bằng chứng vi phạm tốc độ mạng của nhà mạng. Từ đây hỗ trợ người dân kiện nhà mạng, đền bù những thiệt hại cho người dân.

"Theo tôi, khi có những biện pháp trên thì nhà mạng sẽ tự khắc phát triển thuê bao phải đi đôi với mở rộng, nâng cấp đường trục chính" - ông Thắng nói.

ĐỨC THIỆN

 

Nguồn: https://congnghe.tuoitre.vn/tang-xong-voi-dich-vu-internet-20180205091219413.htm