Nhân lực ngành nào đang 'nóng' ?

on .

Sáng 11.3, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2018 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã đến với gần 2.000 học sinh các trường THPT H.Đức Trọng (Lâm Đồng). Tại đây, hàng loạt băn khoăn của học sinh về lựa chọn ngành nghề đã được giải đáp cặn kẽ.
Học sinh H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 
Học sinh H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
 
Du lịch, nông nghiệp công nghệ cao
Ngay phần đầu chương trình, một học sinh (HS) đã đặt câu hỏi về ngành học “nóng” nếu muốn trở về làm việc tại tỉnh Lâm Đồng. Ông Trần Đức Lợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, gợi ý: “Lợi thế của tỉnh Lâm Đồng hiện nay là phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Từ định hướng phát triển kinh tế này của tỉnh, HS có thể định hướng lựa chọn tốt nhất nếu muốn làm việc tại quê nhà”. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, thông tin thêm, trường có nhiều ngành đào tạo phục vụ cho định hướng phát triển của địa phương, trong đó có những ngành phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Một HS gửi câu hỏi cho ban tư vấn: “Nếu học ĐH ra nhưng không có việc làm phải chăng có nguyên nhân do HS chọn sai ngành?”. Thạc sĩ Trần Ký, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho rằng khi chọn ngành, ngoài dựa vào sở thích và năng lực còn cần quan tâm đến thị trường lao động. Về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, đặt vấn đề: “Cần quan tâm ở đây là nhu cầu của các nhà tuyển dụng là gì. Kỹ năng tiếng Anh là yếu tố quan trọng đầu tiên. Tiếp đến phải là thái độ, kỹ năng để hòa nhập và làm việc trong các môi trường đa văn hóa. Sau đó mới đến kiến thức chuyên ngành mà sinh viên học trong trường ĐH”.
“Trong cuộc sống luôn đối lập, làm sao để chọn được nghề vừa đúng đam mê vừa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống?” là một câu hỏi của HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, khuyên trước tiên HS nên chọn ngành học mình đam mê và phù hợp sở trường. Còn sau khi theo học, nếu đạt đủ năng lực và kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần thì sẽ tìm được việc làm.
Ngoại hình có là yếu tố để chọn ngành học ?
Một câu hỏi viết thư tay của HS ghi: “Chiều cao của em chỉ 1,48 m thì có nên đăng ký vào ngành ngôn ngữ Hàn Quốc không vì em biết ngành này đòi hỏi có ngoại hình?”. Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và tổ chức sự kiện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Không có bất cứ điều kiện nào về thể hình trong xét tuyển các ngành của trường. Ngoại hình sẽ có chút lợi thế nhưng không thể bù lại được khả năng và năng lực, do vậy em không cần lo lắng về chiều cao nếu thực sự yêu thích và đam mê ngành học này”. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nói ngoại hình không quan trọng với ngành học này. “Tôi biết có những biên - phiên dịch rất thành công, thu nhập rất cao dù không có ngoại hình đặc biệt”, ông Quốc nói.
Một HS băn khoăn về các tố chất cần có để thi vào ngành ngôn ngữ Nhật. Thạc sĩ Phan Thị Thu Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: “Học các ngành ngôn ngữ, nếu có tính cách hướng ngoại sẽ tốt hơn”.
Tham dự chương trình, ông Trần Đức Lợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, cho rằng việc chọn trường - nghề phù hợp là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi HS nên cần định hướng đúng đắn cho tương lai. Tuy nhiên, việc này không đơn giản với các em HS khi chưa đủ chín chắn và còn thiếu thông tin, vì vậy cần sự trợ giúp của chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ. Vì lẽ đó, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên là việc cần thiết giúp HS vượt qua trở ngại đầu tiên cho bản thân mình.