Trường ĐH phải sáp nhập để phát triển

on .

Sáng 10.10, ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Đảng - Trưởng ban Kinh tế T.Ư, cùng đoàn công tác đã dự lễ khai khóa năm 2018 của ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu trước các sinh viên  /// Khả Hoà
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu trước các sinh viên
KHẢ HOÀ
 
Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt ĐHQG TP.HCM, ông Bình đã nêu ra nhiều giải pháp về vấn đề phát triển kinh tế ĐH.
Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, ĐH này đang vướng nhiều chỗ về mặt cơ chế trong thu hút đầu tư. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp muốn đầu tư các công trình trong ĐHQG nhưng khó về cơ chế. Về xã hội hóa, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu các trường công không được xã hội hóa sẽ thiếu nguồn lực để phát triển.
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Có hiện tượng rất đáng quan ngại là “chảy máu” chất xám ngày càng nặng từ trường công sang tư. ĐHQG cũng không ngoại lệ, tình trạng này xảy ra ngay trong lực lượng người trẻ chứ không phải từ người nghỉ hưu”.
Ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, để tồn tại và phát triển, các trường ĐH phải sáp nhập. “Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì các trường này sáp nhập nhanh lắm. Cũng như hệ thống ngân hàng, muốn làm được cần phải có bàn tay sắt”.
Lý giải nhận định trên, theo ông Bình, số trường ĐH nước ta hiện quá nhiều nhưng chất lượng quá kém. “Tôi khẳng định có những mô hình tốt nhưng không nhiều và chưa phải chủ đạo. Phần lớn là nặng về số lượng và kém chất lượng. Vì vậy cần có cơ chế chính sách để buộc các trường phải sáp nhập, để lớn và tập trung hơn. Đó là xu thế tất yếu của cuộc sống”.
Về chủ trương xã hội hóa, ông Bình cho rằng quá trình này đang diễn ra quá chậm. “Giáo dục và y tế là dịch vụ công quan trọng nhất, chúng ta đưa ra nguyên tắc là theo cơ chế thị trường: tính đúng tính đủ. Có như vậy mới tồn tại bền vững và phát triển”.
Tuy nhiên theo ông Bình, trong khuôn khổ quy định hiện hành, các trường cần phải năng động hơn. Cụ thể, gắn kết nghiên cứu khoa học với đời sống, làm tốt các đơn đặt hàng từ bên ngoài để tăng nguồn thu. Nguồn thu không chỉ từ sinh viên và giảng dạy mà còn từ quá trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.