Được và mất của các hãng di động lớn trong năm 2014 (P2)

on .

Năm 2014 chứng kiến sự đi xuống của Samsung, trong khi Apple đã có một năm làm cách mạng với các sản phẩm di động của mình.

Apple

Có vẻ như sự chững lại của các hãng di động Android đã tạo cơ hội vàng cho Apple phô trương thanh thế. Họ thay đổi kích cỡ màn hình trên iPhone, điều mà các hãng khác vẫn thường làm mỗi năm. Tuy nhiên, với Apple, đó là cả một cuộc cách mạng. Các mẫu di động của họ có màn hình 4 inch kể từ năm 2012.

Trong khi các đối thủ liên tiếp nhận tin không vui thì iPhone 6 và 6 Plus có thể mang về doanh số kỷ lục cho Apple.

Điểm mạnh

iPhone 6 và 6 Plus có một sức hút mãnh liệt với cả người mua mới và người đã từng dùng iPhone. Lỗi dễ bị bẻ cong? không thành vấn đề. Lỗi iOS 8? Chuyện nhỏ. Tất nhiên, iPhone 6 và 6 Plus không chỉ có hư danh. Chỉ dùng chip lõi kép nhưng bộ đôi này đang là những smartphone có hiệu năng mạnh mẽ nhất hiện nay. Chúng cũng được thiết kế siêu mỏng, và có chất lượng camera hàng đầu. Đó là tất cả những gì người dùng cần ở một chiếc smartphone cao cấp.

Trong lần ra mắt năm nay, Apple đã loại bỏ bản iPhone 32 GB. Thay vào đó, hãng cho bán mẫu iPhone 64 GB với giá tương đương. Chiến lược vô cùng khôn khéo này đã khiến các bản iPhone 64 GB luôn rơi vào tình trạng cháy hàng, trong khi hãng có cơ hội bỏ túi thêm 100 USD tiền chênh giá giữa bản 16 và 64 GB, điều ít xảy ra hơn nhiều khi họ còn bán bản 32 GB.

Điểm yếu

Người ta đã nói quá nhiều về sự cố dễ bị bẻ cong trên iPhone. Đó thực sự là một điểm đen trong lịch sử ra mắt sản phẩm mới của Apple.

Một vấn đề nữa đó là các sản phẩm Apple quá đắt đỏ cho người dùng. Giá iPhone chưa bao giờ rẻ, nhất là khi so sánh với những sản phẩm như LG G3. Pin yếu hay màn hình độ phân giải thấp cũng là một trong những điểm khiến người dùng iPhone 6 tỏ ra chưa hài lòng.

Nokia/Microsoft 2014

2014 là một năm nhiều biến động của Nokia khi họ chính thức chuyển giao bộ phận sản xuất thiết bị di động cho Microsoft. Cũng trong năm này, hãng đã hoạt động bận rộn với hàng loạt các mẫu điện thoại Windows Phone, và cả Android ra mắt thị trường. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn cuối năm, người ta mới thấy được bức tranh thực sự của điện thoại Nokia trong tương lai.

Vào tháng 10, Microsoft tuyên bố thương hiệu Nokia sẽ bị xóa bỏ, thay thế bằng Microsoft Lumia. Khá nhiều người đã cảm thấy buồn và tiếc nuối cho một tượng đài trong làng di động thế giới.

Điểm mạnh

Năm 2014, Nokia đã cho thấy họ có khả năng cho ra những sản phẩm phần cứng xuất sắc nhất thế giới với chiếc Lumia 930. Model này không chỉ có thiết kế đẹp, màn hình chất lượng mà camera cũng vô cùng ấn tượng.

Ở phân khúc tầm trung, họ cũng cho ra những sản phẩm trên tầm so với đối thủ, chẳng hạn như bộ đôi Lumia 830 và 730. Những sản phẩm này vẫn sở hữu điểm mạnh nhất là khả năng chụp ảnh thiếu sáng và thiết kế ấn tượng. Riêng các sản phẩm tầm thấp, dù không gây ấn tượng mạnh như chiếc Lumia 520 năm ngoái, các mẫu của năm nay như 630, 530, 525 đều có sức bán tốt nhờ cấu hình mạnh mẽ so với các sản phẩm cùng tầm giá.

Điểm yếu

Đội ngũ thiết kế của Nokia đã gây thất vọng lớn khi trong suốt hơn một năm qua, họ không cho ra mắt thêm một chiếc camera phone nào thay thế mẫu Lumia 1020. Có thể, hãng sẽ bù đắp cho người dùng vào năm 2015.

Tuy nhiên, thất bại ê chề nhất của hãng trong năm qua phải thuộc về dòng X-series. Nokia công bố các sản phẩm chạy Android giá rẻ này tại MWC 2014 với những kỳ vọng lớn lao. Tuy nhiên, hiệu ứng các sản phẩm này tạo ra là vô cùng hạn chế, trước khi bị Microsoft tuyên bố khai tử vào tháng 7.

LG 2014

Không ồn ào như các đối thủ, LG tiếp tục phát huy những ưu điểm của mẫu G2 để cho ra mắt LG G3 với màn hình QHD và một thiết kế cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên, LG đã đánh mất cơ hội sản xuất điện thoại Nexus cho Google thêm một năm nữa.

Nhìn chung, 2014 là một năm thành công của LG. Họ tiến chậm nhưng chắc, trong bối cảnh các đối thủ đều có vấn đề nhất định. Lợi nhuận trong quý III của LG đạt mức tốt nhất kể từ năm 2009, mặc dù nó chỉ là một con số khiêm tốn so với Samsung (163 triệu USD so với 3,8 tỷ USD).

Điểm mạnh

LG cho ra mắt một chiếc superphone với cấu hình mạnh mẽ, màn hình siêu nét kèm thiết kế rất sexy trong năm 2014. G3 mang lại giá trị sử dụng rất cao, xét trên mọi tiêu chí. Thiết kế phím cứng đặt sau của nó cũng được xem là không đụng hàng so với các đối thủ.

Giá trị sử dụng này phần nào đã được chứng minh trong năm 2013 khi Nexus 5 hay LG G2 hiện vẫn là một trong những lựa chọn tốt nhất trên thị trường. Một vài năm trước, sẽ có không ít người cười khẩy khi nhắc đến cái tên LG trong cuộc đua ở phân khúc smartphone cao cấp.

Điểm yếu

Sau khi đã tạo ra bệ phóng rất tốt với chiếc Nexus 4 và Nexus 5, LG đã gây chút thất vọng khi không tiếp tục sản xuất Nexus 6. Lý do không được tiết lộ nhưng tiền bạc có thể là một trong những nguyên nhân. Sáng tạo ra một mẫu điện thoại mới yêu cầu khá nhiều đầu tư về mặt tiền bạc trong khi giá bán của các mẫu Nexus thường không quá cao.

LG cũng thất bại trong việc đưa giá trị sử dụng của G2, G3 xuống các model tầm thấp hơn, chẳng hạn như chiếc G2 mini hay G3 Beat.

Những chiếc tablet tầm thấp của LG là G Pad 7.0 và 10.1 cũng là một nỗi thất vọng. Những sản phẩm này còn cách khá xa so với giá trị của một chiếc Nexus 7.

Thành Duy