“Ngồi trên lửa” vì khách Nga

on .

Kinh tế Nga gặp khó, đồng rúp mất giá mạnh so với USD khiến lượng du khách Nga đến Việt Nam giảm đột ngột; nhiều doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến như Mũi Né, Nha Trang… “lên ruột”

Năm 2014, thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa vẫn tăng trưởng ổn định với gần 856.000 lượt, tăng trên 20% so với cùng kỳ. Trong đó, khách Nga đạt 245.000 lượt, tăng trên 60%, dẫn đầu về thị trường khách quốc tế đến Khánh Hòa. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12 này, lượng khách Nga đặt tour giảm đến 50%-60% đã kéo theo nhiều hệ lụy.

Khách Nga đi chợ Xóm Mới (Nha Trang) để mua sắm Ảnh: KỲ NAM

Tự đi chợ, nấu ăn

Tại chùa Long Sơn (TP Nha Trang), những tháng trước mỗi ngày đón hàng trăm chuyến xe chở khách Nga đến ngắm cảnh khiến giao thông tắc nghẽn thì nay chỉ lèo tèo vài chục chuyến.

Ngoài việc giảm về số lượng, giờ đây khách du lịch Nga cũng chi tiêu dè sẻn hơn rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Ngọc, tiểu thương chợ Xóm Mới (TP Nha Trang), cho biết khách Nga ra chợ chủ yếu là mua thức ăn, mì gói, chăn chiếu, chén bát, thậm chí cả xoong nồi. Một chủ khách sạn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, TP Nha Trang ngao ngán: “Rất nhiều khách Nga mua nước nóng của khách sạn để pha mì tôm chứ không ăn ở nhà hàng như trước. Nhân viên buồng, phòng còn thường xuyên thấy khách Nga đun nấu trong phòng ngủ...”

 

Giải thích về điều này, ông Thái Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Sputnik Tour, cho biết: Bình thường, một người Nga đến Nha Trang du lịch cần 1.500 USD để đi máy bay, ở khách sạn, tour tham quan và 500 USD để ăn uống, số tiền tương đương khoảng 60.000 rúp. Nhưng nay họ phải mất đến 100.000-140.000 rúp để chi trả cho các khoản trên. Điều này buộc họ phải thắt chặt chi tiêu.

Tại Bình Thuận, lượng khách Nga cũng đang giảm nghiêm trọng. Trên những tuyến đường ở “thủ đô resort”, các bãi biển, nhà hàng, khách sạn (phường Mũi Né, TP Phan Thiết) chỉ còn lác đác du khách Nga. Anh Nguyễn Lê Hữu Anh, Trưởng Phòng Nhân sự resort Hải Âu (TP Phan Thiết), cho hay lượng khách Nga đã giảm từ 40%-50%.

Chung tình cảnh trên, resort Tiến Đạt (phường Mũi Né) bị sụt giảm từ 70%-80% lượng khách. Ông Lê Tuyền, Phó Giám đốc Công ty Tiến Đạt, nói: “Resort chúng tôi có 120 phòng nhưng giờ chỉ 30 phòng có khách. Du lịch ở Bình Thuận thì khách Nga chiếm tới 70%, còn các nước khác khoảng 30%. Theo thông tin mà tôi biết được thì đầu năm 2015 có thể còn giảm mạnh nữa. Nhiều doanh nghiệp (DN) ở đây đang điêu đứng”.

Bù lỗ, cắt giảm, hủy chuyến...

Hai DN lữ hành đưa khách du lịch Nga đến Việt Nam nhiều nhất hiện nay vừa thông báo tạm ngừng các chuyến bay thuê bao đưa khách Nga đến TP HCM và Phú Quốc (Kiên Giang) từ giữa tháng 1-2015. Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ánh Dương - đơn vị chiếm 60% thị phần đưa khách Nga vào Việt Nam, cho biết chỉ giữ lại các chuyến bay đưa khách Nga đến Cam Ranh (Khánh Hòa) và phải thu hẹp thị trường để ứng phó với lượng khách Nga đang sụt giảm.

Đầu năm, DN này đặt chỉ tiêu đưa 250.000 khách Nga sang Việt Nam nhưng đến hết tháng 12-2014, con số này chỉ đạt 193.000 khách. “Từ tháng 11, khi kinh tế Nga gặp khó khăn, lượng du khách Nga đến Việt Nam bắt đầu giảm. Hiện có ngày khách Nga đặt vé qua công ty giảm đến 40% dù đang vào mùa cao điểm thị trường này đưa du khách ra nước ngoài để nghỉ đông” - bà Thu cho biết.

Cũng theo bà Thu, do đồng rúp rớt giá mạnh so với USD nên du khách Nga phải trả nhiều tiền hơn để đi du lịch nước ngoài. Chẳng hạn, nếu trước đây Pegas Touristik (DN lữ hành hàng đầu ở Nga liên kết độc quyền với Ánh Dương đưa khách đến Việt Nam) bán tour đi Mũi Né, Nha Trang chỉ 3.000 rúp/khách, nay do mất giá phải bán 6.000 rúp/khách. “Vì muốn giữ thị trường, DN đang cố gắng chào giá tour thấp, tăng khuyến mãi để thu hút du khách Nga, dù chịu lỗ” - bà Thu than thở.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tấn, Giám đốc điều hành Anex Tour, cho biết trung bình mỗi tháng công ty có 104 chuyến bay đi và đến (thuê nguyên chiếc) giữa các thành phố của Nga đến Việt Nam. Trong tháng 12-2014, công ty dự kiến đưa khoảng 12.000 khách Nga sang các điểm đến trong nước. “Tuy nhiên, với tình hình này phải xem xét cắt giảm, hủy một số chuyến bay. Dự kiến trong tháng 12, công ty sẽ giảm 8-10 chuyến và nếu khủng hoảng chưa dứt, khả năng hủy/giảm chuyến sẽ còn tiếp tục” - ông Tấn lo lắng.

Ông Phan Đăng Anh, Trưởng điều hành Anex Việt Nam tại Nha Trang, than: Trước khi đồng rúp rớt giá, chúng tôi đón 16.000- 17.000 lượt khách Nga/tháng nhưng từ đầu tháng đến nay, công ty chỉ đón khoảng 9.000-10.000 lượt. Trong khi đó, hợp đồng thuê máy bay, thuê xe đã ký kết nên nhiều chuyến bay có rất ít khách vẫn phải bay. Nhiều khách hàng đặt tour từ trước khi đồng rúp sụt giá khiến công ty phải bù lỗ rất lớn.

Bà Lê Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết TP Nha Trang phát triển dịch vụ lưu trú lên đến 16.200 phòng, dự kiến đầu năm 2015 sẽ đưa vào sử dụng thêm 2.000 phòng. Nay lượng khách Nga sụt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến du lịch Khánh Hòa. 

Cần chia sẻ khó khăn

Theo ông Thái Hồng Sơn, để đối phó với tình hình hiện tại, một mặt DN phải nâng cao chất lượng dịch vụ, mặt khác cắt giảm rất nhiều dịch vụ đi kèm, đặt những khách sạn có khả năng hoàn trả tiền khi hủy tour, chú trọng chăm sóc khách hàng có kinh tế vững, hướng đến khách hàng có khả năng chi trả trước toàn bộ chi phí…

“Điều quan trọng nữa là DN cần sự chia sẻ của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại… để giảm giá, tăng chương trình khuyến mãi, như vậy mới thu hút du khách được. Cơ quan chức năng cũng cần có những tác động hỗ trợ, xúc tiến du lịch, giảm thuế cho DN” - ông Sơn đề xuất.

KỲ NAM - BẠCH LONG- THÁI PHƯƠNG
 
Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ngoi-tren-lua-vi-khach-nga-2014122522321887.htm