Vì sao cán bộ chưa mặn mà dùng email?

on .

“Trong ứng dụng công nghệ thông tin, hộp thư điện tử là đơn giản nhất mà vẫn không chạy được thì đừng vỗ ngực nói là mình giỏi, hơn người ta được”.

Phát biểu của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà trong tuần qua đã xác định hiện trạng “lạc hậu”, xa rời công nghệ của cán bộ công chức. Và các chuyên gia cho rằng không phải cán bộ công chức không biết dùng mà họ... không muốn dùng.

* Ông NGUYỄN TRUNG THÔNG (nguyên phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM):

Ông NGUYỄN TRUNG THÔNG

Do không muốn bị kiểm soát

Chỉ riêng chuyện đơn giản nhất là sử dụng thư điện tử mà còn một bộ phận không chịu sử dụng thì nói gì việc ứng dụng những phần mềm phức tạp hơn.

TP.HCM đã triển khai cải cách hành chính và bắt đầu áp dụng công nghệ thông tin vào việc cung ứng các dịch vụ hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ 20 năm nay chứ không phải mới.

Trước đây, TP.HCM là một trong những địa phương đi trước so với nhiều tỉnh thành trong cả nước về mặt ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính. Nhưng đến nay, kết quả cải cách hành chính TP.HCM về sau một số địa phương khác.

Nguyên nhân ở đây là do con người. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức ai cũng có thể nói thuộc lòng rằng ứng dụng công nghệ thông tin là việc làm rất cần thiết trong cải cách hành chính ở TP. Nhưng khi thực hiện lại không được như lời nói. Chỉ riêng chuyện đơn giản nhất là sử dụng thư điện tử mà còn một bộ phận không chịu sử dụng thì nói gì việc ứng dụng những phần mềm phức tạp hơn.

Thứ nhất là do tính trì trệ trong một bộ phận cán bộ công chức còn quá nặng nề. Việc xử lý công việc, trao đổi, nhận tài liệu qua thư điện tử mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân như minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ, vụ việc, nhanh nhất, hiệu quả nhất cho người dân.

Đối với công chức chân chính thì đó là niềm vui nhưng một bộ phận khác lại nghĩ ngược lại. Vì minh bạch thì người dân, doanh nghiệp, thủ trưởng, đồng nghiệp... kiểm soát được cán bộ công chức, tình trạng tiêu cực sẽ hạn chế, cái “lợi” (từ việc tiêu cực) của cán bộ công chức sẽ mất đi nên họ không chịu.

Thứ hai là trao đổi công việc qua thư điện tử sẽ để lại “dấu vết” để người dân, doanh nghiệp... kiểm tra và biết được quá trình làm việc của từng cán bộ, công chức, ai làm tốt, ai làm không tốt, năng lực của cán bộ nào cao, thấp... Đặc biệt là những lĩnh vực dân có nhiều bức xúc thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý qua thư điện tử lại càng trở nên khó khăn.

Công nghệ thông tin về kỹ thuật không khó, cái khó ở đây là ý thức của cán bộ công chức. Cán bộ công chức nào cũng có thư điện tử, ai cũng biết lướt web, chơi game, tải thông tin từ mạng, cài phần mềm... nhưng chỉ để giải trí và nói chuyện với nhau chứ không chịu dùng cho công việc. Vì họ không muốn bị kiểm soát nên viện nhiều lý do để từ chối dùng.

Theo tôi, Nhà nước phải đưa ứng dụng công nghệ thông tin thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với mỗi cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Khi tuyển đầu vào bắt buộc ứng viên phải biết ứng dụng công nghệ thông tin ở mức phổ thông, khi đề bạt cất nhắc, bổ nhiệm mới cho người nào đó phải xét trình độ ứng dụng công nghệ thông tin bên cạnh đạo đức, năng lực, quá trình công tác.

Người không đạt yêu cầu phải tự học thêm mới được đề bạt. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ công chúng phải trở thành một tiêu chí để đánh giá cán bộ công chức hằng năm và định kỳ, từ thủ trưởng cơ quan cho đến chuyên viên.

* Ông NGUYỄN PHƯỚC TRUNG (giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM):

Cắt thi đua nếu không dùng email

Tại cuộc họp với tổ công tác ứng dụng công nghệ thông tin của TP.HCM và các sở ngành về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tổ chức ngày 24-12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết vẫn còn nhiều đơn vị gần 100% lãnh đạo lơ là trong việc này. Năm 2013 thống kê có khoảng 40% lãnh đạo sử dụng hộp thư điện tử, đến năm 2014 chỉ mới tăng thêm được 10%.

Ông Hà yêu cầu tổ công tác ứng dụng công nghệ thông tin phải rà soát lãnh đạo, cán bộ công chức ở tất cả các đơn vị để xác định được người nào sử dụng thường xuyên, ai không thường xuyên và không bao giờ sử dụng.

“Danh sách này sẽ được công khai lên mạng của ủy ban. Đối với những người muốn dùng nhưng thấy khó, TP sẽ tổ chức lớp hướng dẫn, nếu không có nhu cầu sử dụng thì cắt để tiết kiệm chi phí” - ông Hà nói, và cho biết không có lý do gì một phần mềm trang bị đầy đủ được triển khai nhưng không ai dùng. Ông Hà cũng yêu cầu cán bộ công chức không chịu sử dụng hộp thư điện tử sẽ bị cắt thi đua, không được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua...

Rà soát việc áp dụng công nghệ thông tin tại đơn vị

Chúng tôi đang cho rà soát việc sử dụng công nghệ thông tin, hộp thư điện tử tại đơn vị trong giải quyết công việc thường ngày. Tinh thần là yêu cầu trong ban giám đốc, lãnh đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc sử dụng hộp thư điện tử trao đổi công việc 100%. Tuy nhiên, thực tế cũng có khả năng còn “rơi rớt” một số trường hợp. Sau khi kiểm tra, đánh giá thực tế, sở sẽ yêu cầu các đơn vị khắc phục.

Ngoài ra lãnh đạo sở cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra lại phần mềm xử lý, chỉnh sửa văn bản để triển khai áp dụng. Văn bản được chuyển cho lãnh đạo sở thông qua mạng nội bộ hoặc hộp thư điện tử chỉnh sửa trực tiếp, không cần in giấy nữa.

* Ông LÊ HOÀNG HÀ (phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Không dùng email, việc không chạy

Gần 10 năm nay, UBND Q.Gò Vấp thực hiện chế độ triển khai, bàn bạc, trao đổi công việc qua thư điện tử. Chỉ những vụ việc phức tạp, khó khăn mới triệu tập cuộc họp. Hiện nay, thư điện tử gần như là phương tiện tối thiểu trong hoạt động hành chính của quận.

Thư điện tử giúp lãnh đạo UBND quận triển khai công việc, truyền đạt ý kiến chỉ đạo đến các phòng ban nhanh, chính xác, thuận tiện hơn, giảm thời gian hội họp để thủ trưởng các đơn vị tập trung vào công tác chuyên môn. Và quan trọng là người có trách nhiệm kiểm soát được quá trình xử lý công việc, kết quả xử lý, trách nhiệm của từng khâu.

Ngoài ra, giải quyết công việc qua thư điện tử còn tiết kiệm được một lượng đáng kể giấy, mực, kho lưu trữ. Đến nay, việc sử dụng thư điện tử thành thói quen và là nhu cầu thiết thực của đại bộ phận cán bộ công chức không những của quận mà của các đoàn thể, đơn vị trực thuộc.

* Ông CHU TIẾN DŨNG (chủ tịch Hội Tin học TP.HCM):

Thay đổi từ lãnh đạo

Việc sử dụng email trong cơ quan nhà nước ở đây phải nói rõ là dùng cho công vụ, vì thực tế hiện nay gần như ai cũng sử dụng email, từ người đi làm cho đến những người buôn bán, giúp việc... Trong công vụ, không chỉ riêng email mà các hệ thống khác cũng vậy, một trong những nguyên tắc phát triển là người thủ trưởng phải sử dụng tiên phong.

Mấu chốt ở chỗ người thủ trưởng không sử dụng thì không nhân viên nào sử dụng theo. Nếu một ông giám đốc sở, ông chủ tịch quận, ông bí thư quận... dứt khoát chỉ chấp nhận trao đổi công việc với cấp dưới qua email, tôi đảm bảo 100% công chức sẽ sử dụng email.

Tuy nhiên trong thực tiễn, có thể do các lãnh đạo thường xuyên phải đi họp nên tỉ lệ sử dụng email chưa cao, từ đó nhân viên cấp dưới cũng sẽ không có nhu cầu sử dụng email theo lãnh đạo.

Nếu người lãnh đạo yêu cầu trao đổi công việc của nhân viên phải được thực hiện qua email, hoặc các văn bản trước khi trình ký, phát hành phải được trình duyệt qua email..., khi đó chắc chắn sự thay đổi sẽ diễn ra.

* Ông LÊ THANH NAM (phó chủ tịch phụ trách dự án chính phủ điện tử của BKAV):

Người dân phải được hưởng lợi nhiều hơn

Chưa thể nói sử dụng email sẽ giúp thay đổi chính phủ điện tử. Email mới chỉ cung cấp tính năng xử lý đơn giản nhất, sử dụng trong trao đổi thông tin một cách đơn thuần và chỉ phù hợp với những công việc đơn giản, không mang tính chất quy trình, các công việc có tính đặc thù.

Hiện nay, cơ quan nhà nước tại nhiều địa phương đã triển khai các hệ thống, phần mềm xử lý văn bản, công việc riêng, ví dụ phần mềm điều hành quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp, phần mềm một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử...

Người dân chỉ thật sự được hưởng lợi từ chính phủ điện tử từ việc các đơn vị, địa phương triển khai rộng rãi và đồng bộ những giải pháp, ứng dụng này.

TS NGUYỄN TRỌNG (nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin):

Ai không dùng, người đó sẽ bị đào thải

Với cá nhân từng người (trong các cơ quan nhà nước), việc sử dụng công nghệ thông tin cũng ở các mức độ khác nhau. Nhiều cán bộ cấp thấp sử dụng công nghệ thông tin khá thành thạo, thế nhưng cũng còn nhiều cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính không sử dụng những tiện tích của công nghệ thông tin cho dù đơn giản nhất như là email.

Điều này nói lên kỷ luật công vụ còn lỏng lẻo và những người đó, theo tôi, là những người có quyền có chức; còn phần lớn những cán bộ ở cấp thấp buộc phải sử dụng công nghệ thông tin vào quy trình công vụ thì không thể không sử dụng.

Tuy nhiên, việc sử dụng email trong các cơ quan nhà nước chưa phải là vấn đề quan trọng bậc nhất của ứng dụng công nghệ thông tin, mà cái chính là những quy trình nghiệp vụ đụng chạm đến đời sống của người dân (ví dụ như xin phép xây dựng, làm giấy khai sinh...) thì những quy trình này cần được ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để, rộng rãi.

Khi đó, người dân sẽ cảm nhận rõ hiệu quả của bộ máy hành chính được tốt hơn. Trong những năm qua ở TP.HCM cũng như ở các nơi khác đã có những thành quả rất tốt, chẳng hạn như TP Đà Nẵng đã có trung tâm dịch vụ hành chính một cửa, sử dụng công nghệ thông tin rất nhiều.

Tôi cho rằng những cán bộ, công chức không chịu sử dụng email chắc chắn sẽ bị đào thải trong sự phát triển chung của xã hội hiện nay.

Lãnh đạo UBND TP đã nói những anh nào (cán bộ, công chức) không sử dụng email thì cắt thi đua, vậy tôi mong hãy làm đúng điều đó. Việc này, theo tôi cũng chẳng phải là cái gì to lớn lắm, nhưng nếu bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì chắc chắn người đó phải nhìn lại mình ngay.

QUỐC THANH

D.NGỌC HÀ - QUANG KHẢI - ĐỨC THIỆN - M.QUANG