Tại Facebook, 'ông chủ' là từ không có ý nghĩa

on .

Các nhân viên cấp dưới tại Facebook luôn được khuyến khích đặt câu hỏi và phê bình về các nhà lãnh đạo.

Đối với hầu hết các tập đoàn của Mỹ, nhân viên trẻ tuổi là một vấn đề nan giải. Facebook lại khác, dường như họ đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Những người trẻ tuổi (sinh sau năm 1980) chiếm phần lớn trong tổng số 8.000 nhân viên của Facebook. Ngoài ra, một nghiên cứu về thang lương mới được công bố trong tháng này cho thấy độ tuổi trung bình của nhân viên Facebook là 28, trong khi đó con số tương tự tại Google là 30 và Apple là 31.

Các nhân viên trẻ được "trao quyền"

Thay vì theo khuôn mẫu cũ, Facebook chào đón những nhân viên trẻ tuổi và áp dụng các phương thức quản lý thông minh. Các nhà quản lý tại đây thường tập trung vào những điểm mạnh của nhân viên để đánh giá biểu hiện làm việc. Nhân viên ở đây có “cảm nhận rõ nét về quyền sở hữu”. Họ được trao quyền tự do để chọn lựa, thay đổi và tìm kiếm vị trí công việc thậm chí ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ.

 

Cách thức quản lý kể trên của Facebook bị ảnh hưởng bởi Marcus Buckingham, một nhà nghiên cứu, quản lý người Anh. COO của Facebook là Sheryl Sandberg đã đưa Buckingham đến Facebook vào năm 2008. Ông chịu trách nhiệm về bài kiểm tra StrengthsFinder 2.0 với một nhóm những lãnh đạo cấp cao tại Facebook bao gồm cả Sandberg và CEO Mark Zuckerberg.

Facebook đã “lĩnh hội” tư tưởng của Buckingham và công ty Carcus BuckinghamCo. hiện đào tạo cho tất cả các nhà quản lý của Facebook theo phương pháp này. Stuart Crabb - Chủ tịch phòng nghiên cứu học hỏi của Facebook hiện tại của Facebook cũng chính là người từng làm việc cho công ty của Buckingham.

Các nhân viên cấp dưới luôn được khuyến khích đặt câu hỏi và phê bình về các nhà lãnh đạo. Thời gian ngắn sau khi Don Faul gia nhập đội điều hành trực tuyến của Facebook (trước đó anh làm việc cho Google) vào năm 2008, anh đã lên lịch cho buổi họp vào lúc 8 giờ sáng hàng ngày với các nhân viên. Ngay lập tức các nhân viên phản đối việc này và công khai ủng hộ sếp cũ của họ. Tuy nhiên, sau cùng họ cũng đã đồng ý theo lịch trình của Faul bởi ông nói việc bắt đầu làm việc sớm là cần thiết để điều động nhân viên tới văn phòng sắp mở tại Ireland.

Faul nói rằng Google quy củ hơn và vị trí “nhà quản lý” tại đây có ý nghĩa hơn. Tại Facebook, “bạn gần như không được trao quyền. Nó phụ thuộc vào chất lượng công việc, khả năng thuyết phục và tầm ảnh hưởng đến người khác”.

Annika Steiber, một nhà nghiên cứu và chuyên gia tư vấn tại thung lũng Silicon - người từng viết cuốn sách về Google nói rằng điểm khác biệt của hãng này so với Facebook là Facebook trẻ hơn và nhỏ hơn. “Google đã vượt quá sự phát triển về mặt tổ chức. Facebook ngược lại, cấu trúc quản lý của họ chưa thực sự được hình thành và đó là một điều tốt”, Steiber nói. Người phát ngôn của Google từ chối bình luận về vấn đề này.

Tuy vậy, Facebook lại có cách quản lý khá phức tạp với các nhân viên lớn tuổi - những người cảm thấy kinh nghiệm và thành tích trong quá khứ của mình là không có giá trị. Thực tế, “kinh nghiệm thường đi cùng sự khôn ngoan. Sẽ có rất nhiều cách để giải quyết một vấn đề kỹ thuật nhưng đôi khi kinh nghiệm lại có thể giúp tìm ra cách tinh tế nhất”, một cựu nhân viên nói.

Peter Yewell, người đã làm việc trong nhóm nhân viên kinh doanh của Facebook từ 2006 - 2012 nói rằng công ty không thuê những người bằng tuổi của anh hoặc già hơn (thời điểm đó Yewell khoảng 30 tuổi). Trong khi tại những công ty khác mà Yewell từng làm việc, bao gồm cả Yahoo và đài CBS các nhà quản lý luôn nói với nhân viên những gì phải làm. Facebook khác, “đôi khi vai trò của lãnh đạo chỉ là để giúp nhân viên có được nguồn lực họ cần và làm việc theo cách của họ”.

Tuy nhiên, không có nghĩa là Facebook cho nhân viên quyền kiểm soát tự do hoàn toàn. Các lãnh đạo đưa ra sự cân bằng giữa giữa sự sáng tạo của các nhân viên trẻ với cách làm việc thực tế. Nhân viên Facebook được đánh giá dựa trên biểu đồ hình chuông để so sánh với các đồng nghiệp. Đây là công cụ giúp khuấy động tinh thần của những nhân viên trẻ trở thành những người giỏi nhất. Còn với một số khác, kết quả đánh giá năng suất làm việc trung bình so với đồng nghiệp là một “điều tồi tệ nhất trong sự nghiệp của họ”, Faul nói.

Chưa rõ cách quản lý của Facebook sẽ phát triển như thế nào nhưng những nhân viên trẻ của hãng đang bắt đầu già đi và phải làm việc với những đồng nghiệp trẻ hơn. “Tôi không nghĩ nhiều người có thể làm việc quá 10 năm tại Facebook. Sau 7 - 8 năm, bạn đã cống hiến hết sức lực cho công ty và sẽ bị thay thế”, Karel Baloun - làm việc tại Facebook từ 2005 - 2006 (anh trở thành người già nhất ở công ty khi mới 30 tuổi) và miêu tả trải nghiệm làm việc tại đây là bận rộn và căng thẳng.

Trong khi đó Lori Goler, phó chủ tịch Facebook thì nói rằng công ty “tập trung đảm bảo chắc chắn rằng tất cả nhân viên được làm việc trong một môi trường nhiều thử thách cho phép họ làm tốt nhất mọi việc dù ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống. Chúng tôi tự hào tạo ra một văn hóa doanh nghiệp tốt cho tất cả mọi người”.

Gretchen Spreitzer, giáo sư tại trường kinh doanh Steven M. Ross thuộc đại học Michigan nói rằng cách quản lý nhân viên của Facebook phản ánh sự thay đổi về nhân khẩu học tại nơi làm việc. “Các nhân viên muốn có nhiều quyền lực hơn. Họ muốn công việc hấp dẫn hơn”.

Thay đổi vị trí công việc dựa trên điểm mạnh của mỗi người

Tại Facebook, vị trí công việc cũng thường xuyên được thay đổi. Paddy Underwood, 28 tuổi gia nhập Facebook từ năm 2011 với vai trò là luật sư. 2 năm sau đó anh quyết định muốn xây dựng các sản phẩm thay vì thực thi những điều khoản luật. Chính vì vậy, anh đã gặp cấp trên của mình và trình bày ý tưởng. 2 tuần sau đó, Underwood được đề bạt là giám đốc sản phẩm tại nhóm Privacy and Trust. Với vị trí công việc mới, Underwood nói “tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

“Lần đầu tiên trong danh sách Fortune 500, có một công ty được xây dựng bởi thế hệ những người trẻ tuổi”, Molly Graham, cựu quản lý nguồn nhân lực và sản phẩm của Facebook nói.

Một số khác được công ty tự động thay đổi vị trí công việc. Mike Welsh gia nhập Facebook với vị trí kế toán quản lý rủi ro tại nhóm PricewaterhouseCoopers trong năm 2001. 2 tháng sau đó, một người quản lý của Facebook nói rằng trong một buổi hội thảo, Welsh đã giải thích rất tốt những khái niệm với các đồng nghiệp và có lẽ anh ấy sẽ là một giáo viên giỏi.

Chính vì vậy, người lãnh đạo này đã mời Welsh giúp đào tạo nhóm nhân viên của ông. “Tôi lùi lại và nói, bạn đùa sao? Tôi không có kỹ năng về nhân sự, không học về giảng dạy và tôi có tới 2 bằng kế toán”, Welsh nói.

Hiện tại, Welsh là “kỹ sư về con người” tại Facebook. Anh nói: “Facebook là nơi đầu tiên anh làm việc. Tại đây các nhân viên được chuyển đến vị trí làm việc mới dựa trên điểm mạnh và năng lực của họ chứ không phải vì nhu cầu của công ty”.

Peter Cappelli - giáo sư tại trường kinh doanh Wharton của đại học Pennsylvania nói rằng cách quản lý nhân viên của Facebook giúp giữ chân được nhân viên, nhất là trong thời điểm các tài năng về công nghệ ngày càng hiếm.

Rất nhiều phương pháp quản lý đã được thử tại Facebook và các lãnh đạo của hãng cũng thừa nhận “vay mượn” ý tưởng từ những nhà tư vấn và chuyên gia hàng đầu để xây dựng văn hóa của họ. Bản thân Sandberg cũng nói, phong cách của bà bị ảnh hưởng bởi văn hóa của Netflix CorpCorp - tập đoàn luôn nhấn mạnh đến sự sáng tạo của nhân viên.

Tuy nhiên, những nhân viên đã và đang làm việc tại Facebook đều nói rằng văn hóa của hãng là độc nhất, ít nhất là tại thung lũng Silicon. “Lần đầu tiên trong danh sách Fortune 500, có một công ty được xây dựng bởi thế hệ những người trẻ tuổi”, Molly Graham, cựu quản lý nguồn nhân lực và sản phẩm của Facebook nói.

Theo Trí Thức Trẻ/WSJ

Nguồn: http://www.baomoi.com/Tai-Facebook-ong-chu-la-tu-khong-co-y-nghia/76/15618649.epi