4 thói quen công nghệ xấu cần bỏ trong năm 2015

on .

Đôi khi, những cách thức sử dụng internet, thiết bị điện tử không tốt sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Dưới đây là 4 thói quen xấu được các chuyên gia công nghệ khuyên nên từ bỏ trong năm 2015.

Sử dụng chung tài khoản ở nhiều dịch vụ trực tuyến sẽ có nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân.

1. Sử dụng chung mật khẩu ở nhiều dịch vụ trực tuyến
 
Hiện nay, có rất nhiều người thường sử dụng chung một tài khoản và mật khẩu cho các dịch vụ trực tuyến của họ. Điều này thuận tiện cho người dùng khi không cần phải nhớ nhiều tài khoản và mật khẩu. Tuy nhiên, đây lại là kẽ hở cho tin tặc dễ dàng tấn công. Năm 2014, giới công nghệ chứng kiến hàng loạt sự cố tin tặc tấn công vào các dịch vụ như: Snapchap, eBay, Gmail, iCloud... khiến cho các thông tin người dùng như: tên tài khoản, mật khẩu, địa chỉ bị rò rỉ. Như vậy, tin tặc chỉ cần có được một tài khoản là sẽ "nắm" được luôn các tài khoản khác của người dùng.

Để giải quyết vấn đề này, người dùng có thể sử dụng những phần mềm quản lý mật khẩu, theo đó có thể tạo mật khẩu riêng cho từng dịch vụ và khi nào quên mật khẩu, có thể vào phần mềm để xem lại. Nổi tiếng trong số các phần mềm dạng này có thể kể đến ứng dụng miễn phí KeePass Password Safe.
2. Quên thoát tài khoản ở các thiết bị sử dụng
Nhiều người dùng có thói quen đăng nhập tài khoản cá nhân của mình một cách vô tội vạ trên các thiết bị di động, máy tính rồi sau khi sử dụng xong lại bỏ quên để cho người khác sử dụng tiếp mà không hề hay biết.
 
Giao diện của dịch vụ quản lý tài khoản Google - Ảnh chụp màn hình
Việc làm này có thể sẽ khiến cho các dữ liệu cá nhân của bạn bị rò rỉ hoặc bị người khác sử dụng tài khoản của bạn vào những mục đích xấu. Hiện nay, một số dịch vụ đã cho phép người dùng thực hiện việc quản lý thông tin tài khoản các thiết bị từng đăng nhập để rồi sau đó thực hiện việc thoát tài khoản từ xa.

Chẳng hạn, Google hiện đã cho phép người dùng sử dụng dịch vụ tại địa chỉ https://security.google.com/settings/security/activity?pli=1, sau đó có thể thực hiện việc thoát tài khoản từ xa. Tuy nhiên, cách hiệu quả nhất vẫn là người dùng nên từ bỏ thói quen đãng trí nguy hiểm này.
3. Làm biếng sao lưu dữ liệu
Dữ liệu cá nhân được xem là một tài sản vô hình và bị nhiều người chủ quan không quan tâm đến, cho đến khi máy giữ dữ liệu bị mất hoặc gặp sự cố mới cảm thấy hối tiếc và suy nghĩ đến những biện pháp làm cách nào lấy lại được dữ liệu.
Nên thường xuyên sao lưu dữ liệu trước khi xảy ra sự cố - Ảnh: AFP
Hiện nay, xu hướng sao lưu dữ liệu trực tuyến với các dịch vụ như: One Drive, Google Drive, Dropbox... ngày càng được ưa chuộng. Đây cũng được xem là một giải pháp hiệu quả cho người dùng bởi nếu dữ liệu bị mất, bạn vẫn có thể lên "mây" mọi lúc để tải dữ liệu về máy.
4. Ngại cập nhật phần mềm mới
Nhiều người có thói quen khi sử dụng smartphone hoặc tablet đều chỉ sử dụng phiên bản hệ điều hành được cài sẵn trong máy. Thậm chí, lúc ban đầu còn cài rất nhiều phần mềm vào máy, sau đó tiếp tục giữ luôn phiên bản đã được cài, dù rằng thiết bị đưa ra thông báo liên tục cần phải nâng cấp máy và phần mềm.
Nâng cấp phần mềm mới sẽ giúp cho thiết bị chạy ổn định hơn - Ảnh: AFP
Nhiều người cho rằng việc cập nhật phiên bản mới sẽ mất thời gian, máy nặng hơn, tốn dung lượng bộ nhớ. Tuy nhiên, suy nghĩ này thực chất hoàn toàn sai lầm bởi lẽ việc cập nhật phần mềm mới sẽ giúp cho máy chạy ổn định hơn, khắc phục các lỗi bảo mật của các phiên bản cũ. Ngoài ra, phiên bản mới cũng sẽ giúp cho người dùng trải nghiệm được các tính năng mới mà phiên bản cũ không hề được cung cấp.

Nguồn: Thành Luân - http://www.baomoi.com/4-thoi-quen-cong-nghe-xau-can-bo-trong-nam-2015/76/15649758.epi