Mẫn cảm thời đại số

on .

Mọi quan điểm cá nhân, yêu ghét giận hờn của mỗi cá nhân mà bột phát trên mạng xã hội, tạo hiệu ứng dây chuyền. 

Những ngày cuối năm 2014, người dân Việt Nam cũng như người dân các nước đều dõi theo việc tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia QZ8501 mất tích và các nạn nhân xấu số.

“Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”

Ngay khi có tin đã tìm được thi thể các nạn nhân của chuyến bay, một nhà báo gây hoang mang khi post status trên Facebook thế này: “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”: Đã tìm thấy xác nạn nhân vụ máy bay AirAsia rơi. Đây là “tin tuyệt vui!”. Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn là anh nhà báo kia là thư ký tòa soạn một tờ báo có uy tín tại TP.HCM. Status này khiến khá nhiều người phản ứng vì rõ ràng đây là tin buồn, chạm vào nỗi đau không chỉ của người thân các nạn nhân mà với cả những người có lòng trắc ẩn trên toàn thế giới. Tuy vậy, một đồng nghiệp của vị nhà báo kia lý giải rằng đấy là một cách “diễn đạt phản xạ phản chủ” trước một tin quá nóng chứ không ác ý.

Cùng thời điểm, một nhà báo có tên tuổi khác hồn nhiên lên Facebook “khoe” chuyện chị vừa đi cao tốc Lào Cai - Hà Nội nhưng né được việc mua vé mấy trăm ngàn đồng bằng cách trả 50.000 đồng cho người bán nước ven đường hướng dẫn lối thoát trạm bán vé. Có lẽ khi đăng status đó, chị không ý thức được rằng người đọc có thể hiểu chị vì cái lợi trước mắt mà coi thường luật pháp.

 

Hai trường hợp nêu trên không hề cá biệt trong thời của mạng xã hội. Mỗi ngày, trong News Feed của chúng ta có rất nhiều người vì bức xúc chuyện cá nhân với vợ chồng, con cái, đồng nghiệp, khách hàng... hoặc một vấn đề xã hội mà không kiềm chế được bèn lên Facebook xả cho hả giận. Họ chỉ nghĩ đơn giản mình viết nếu có gì không ổn hoặc rầy rà thì sẽ xóa đi mà quên mất rằng thông tin đã phát tán đến các cư dân mạng khác trong tích tắc.

Lây lan cảm xúc

Trong một bài viết trên báo The Guardian mới đây, tác giả Robert Booth viết rằng một cuộc nghiên cứu tâm lý của khoảng 700.000 người sử dụng Facebook tại Mỹ cho thấy những thông tin được truyền tải trên News Feed có thể khiến mọi người cảm thấy tích cực hơn hay tiêu cực thông qua một quá trình tạm gọi là “lây lan cảm xúc”.

Liên quan đến chuyện này, tại Việt Nam, hầu hết các vụ xử phạt báo chí thời gian qua đều khởi sự từ mạng xã hội khi một số facebooker đăng lại đường dẫn của bài báo và bình luận thêm ý kiến cá nhân gây sốc hoặc với chủ ý chọc cười thiên hạ. Khi các status đó nhận được hàng ngàn lượt like, bình luận, lập tức cơ quan quản lý truyền thông vào cuộc và xử phạt cơ quan báo chí do đã “gây hoang mang, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội”. Điều đó cho thấy một status tưởng chừng vô thưởng vô phạt có thể đi quá xa với chủ đích ban đầu của một facebooker.

Ở góc độ cá nhân, không phải ai trong chúng ta cũng ý thức được mình nên viết gì và cần kiểm soát cảm xúc trước khi nhấn nút post một status trong lúc đang cao hứng. Nhất là những facebooker có tên tuổi và ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng mạng nhờ có hàng ngàn người trong danh sách bạn bè và danh sách theo dõi như văn nghệ sĩ, hot blogger, hot boy, hot girl...

Xét cho cùng, mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, những gì bạn viết và thể hiện trên Facebook có thể khiến người ta có thêm thiện cảm hoặc ở thái cực ngược lại, nhìn bạn với một ánh mắt rất khác. Và điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào bạn.

Đã có những lúc tôi định không lên Facebook nữa vì thấy nó nhảm nhí quá. Nhưng sau tôi lại nghĩ cuộc sống có nhiều màu sắc, những gì tôi nói trên Facebook có thể khiến tôi bị “ném đá” nhưng chính nó cũng là một trải nghiệm sống hữu ích.

Cựu hoa hậu Thu Thủy

BENJAMIN NGÔ

Nguồn: http://www.baomoi.com/Man-cam-thoi-dai-so/76/15656644.epi