Sống và tồn tại đúng nghĩa cần phải có kỹ năng sống

on .

Liên quan đến sự cố của nhóm sinh viên khi leo núi Bà Đen (Tây Ninh), cộng đồng mạng mấy ngày qua đã có vô vàn những bình luận chia sẻ lẫn phê phán, chỉ trích sự chủ quan, thụ động, thiếu kỹ năng sống của các bạn trẻ Việt. Phóng viên báo Lao Động đã cuộc trao đổi với Phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn xung quanh câu chuyện này.

PGS -TS Huỳnh Văn Sơn

Khi biết thông tin 20 sinh viên gặp sự cố trên núi Bà Đen (cao chưa tới 1.000m) khiến cả trăm người phải đổ đi tìm, ông có nhận xét và cảm nhận như thế nào?

Việc nhóm viên gặp sự cố, hay bị lạc khi chinh phục đỉnh núi là điều đáng để suy ngẫm. Thực tế mà nói, việc này có thể xảy ra. Thứ nhất, việc đặt niềm tin quá mức vào một người bạn chưa hẳn là người chuyên nghiệp hoặc có kỹ năng. Thứ hai, việc cả nhóm bị đói khát, phờ phạc vì mất nước, căng thẳng là điều đáng tiếc. Thứ ba, việc hàng trăm người đi tìm nhưng nhóm sinh viên xa dần và không thể tiếp cận sớm minh chứng cho sự căng thẳng tâm lý và sự xử lý khi đi lạc quá hạn chế.

 

Đó còn chưa kể đến việc sinh viên chưa trang bị đủ những hành trang cần thiết và kể cả vật dụng khi đi núi, thủ lĩnh thiếu kinh nghiệm, thiếu sự trấn an tâm lý, thiếu khả năng định hướng, thiếu sự cân bằng để tránh hoảng loạn. Tất cả đều cho thấy sự hạn chế về kinh nghiệm sống trong những sự cố…
Dưới góc độ là một chuyên gia tâm lý, ông đánh giá như thế nào về chuyện này? Phải chăng họ thiếu hụt kỹ năng sống?

Tôi nghĩ đây là một cách lý giải khá phù hợp cho thực tế trên. Bắt đầu bằng việc khám phá của con người thì sinh viên cũng có nhu cầu khám phá nhưng đảm bảo sự an toàn cho chính mình là điều cần làm. Việc bảo hiểm cho chính mình – không phải bằng niềm tin mà là kỹ năng cần có. Thứ đến, việc sinh viên gặp sự cố cho thấy quá trình làm việc nhóm hay sự phát huy vai trò thủ lĩnh có phần hạn chế…

Dù sao, việc cả nhóm đồng hành đến giây phút cuối cũng là một điểm cần ghi nhận nhưng rõ ràng song song vẫn thấy những tồn tại đáng tiếc. Việc liên lạc được khi gặp sự cố và việc số lượng người tìm kiếm phải mất thời gian và tâm sức để bắt nhịp với nhóm sinh viên cho thấy những kỹ năng có liên quan như kỹ năng truyền thông, kỹ năng tương tác, kỹ năng sinh tồn có phần hạn chế.

Phân tích những điều trên sẽ có thể chủ quan nếu chúng ta đặt mình vào trạng thái ấy. Nhưng có thể khẳng định chính sự căng thẳng và chính sự hạn chế về kỹ năng khám phá và kỹ năng sinh tồn đã dẫn đến một thực tế đáng tiếc…
Theo ông để tránh những sự cố đáng tiếc kiểu như trên, gia đình hay nhà trường có thể giữ vai trò như thế nào để thiết lập được kỹ năng sống cho một con người?

Tôi nghĩ mỗi một gia đình sẽ hành động khác nhau khi nhìn sự việc này. Nhưng có thể khẳng định gia đình là trường học đầu tiên của lòng nhân ái và của việc giáo dục kỹ năng sống. Chúng ta cần thừa nhận rằng hơn ai hết, chính cha mẹ là những người hỗ trợ và hết lòng với trẻ trong việc dạy cho trẻ sống còn. Việc bao bọc trẻ, cấm đoán trẻ khám phá được xem như một trong những tác động thiếu tính chất giáo dục và thiếu cân bằng với trẻ.

Thế nhưng việc tất cả đều quy về gia đình và giáo dục gia đình cũng không thể được. Gia đình có nhiều chức năng nhưng giáo dục nói chung và giáo dục kỹ năng sống nói riêng cần dự trên nhiều tác động… Trong đó, việc thực hiện trách nhiệm này của trường học và cộng đồng rất quan trọng.

Lật ngược vấn đề, nếu không chỉ có nhóm sinh viên này khám phá núi Bà Đen mà còn nhiều người khác thì sự căng thẳng diễn ra cho thấy sự “non” về kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng sống đặc biệt là kỹ năng tâm lý – xã hội.

Gia đình góp phần quan trọng trong việc hình thành và thể hiện cá tính của một cá nhân dù bản thể cá nhân mới thực sự là quan trọng. Còn việc tạo điều kiện cho con em trải nghiệm từ cuộc sống, hình thành hiểu biết xã hội, tích lũy kỹ năng sống là trách nhiệm của gia đình trong sự phối hợp với các lực lượng khác nếu có.

Tuy nhiên, cũng qua sự việc này cho thấy dù vấn đề đã được giải quyết và cái lợi sâu sắc – nếu có nhìn theo hướng tích cực ở những sinh viên là có những hành trang rất quý. Nhưng cũng đừng quên rằng sự mất mát niềm tin, sự sợ hãi – lo âu vẫn có thể tồn tại… Và nếu không cân bằng thì cái mất ở thì tương lai xem chừng quá lớn và quá sâu sắc…

Theo ông, liệu sinh viên sẽ nghĩ như thế nào khi sự việc này đã được cư dân mạng quan tâm khá nhiều? 

Đối với quan điểm cá nhân tôi, tôi cho rằng sinh viên sẽ có thể không quá nhiều người quan tâm về vấn đề mình yếu cái gì hay mình cần rèn cái gì. Và tôi nghĩ, trách cứ cho việc dám liều lĩnh, dám khám phá hay dám đặt niềm tin vào người không đáng tin sẽ diễn ra nhiều hơn.

Nhưng điều cần thiết là sinh viên cần nhìn nhận mình thiếu gì để thay đổi. Mỗi cá nhân trong cuộc sống mạnh dạn đặt mình vào hoàn cảnh đó trước khi nó xảy ra và hoàn cảnh ấy đã xảy ra để chúng ta cân nhắc và ứng xử thì điều đó cần thiết hơn.

Tôi kỳ vọng điều này sẽ xảy ra vì đó là một trong những trọng điểm quan trọng dẫn đến việc kỹ năng sống được hình thành một cách có điểm đến và có động lực…

Hơn nữa, quá trình hình thành kỹ năng sống ấy không chỉ dành cho một cá nhân, một lứa tuổi, một nhóm mà dành cho tất cả những ai đang sống và tồn tại một cách đúng nghĩa…

Nguồn: http://www.baomoi.com/Song-va-ton-tai-dung-nghia-can-phai-co-ky-nang-song/59/15740715.epi