Clark Kerr: Nhà lãnh đạo giáo dục đại học hàng đầu của Mỹ thế kỷ 20

on .

Clark Kerr: Nha lanh dao giao duc dai hoc hang dau cua My the ky 20

Không chỉ thay đổi toàn bộ hệ thống Đại học California, biến nó thành mô hình kiểu mẫu cho nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Clark Kerr còn là người sẵn sàng hy sinh địa vị của mình để khẳng định quyền tự do, tách biệt với quyền bính chính trị của môi trường đại học.

"Sau bánh mì, giáo dục là nhu cầu đầu tiên của một dân tộc".

Georges J. Danton (1759-1794)

Tại Mỹ, giáo dục là công việc của mọi người.

Clark Kerr (1911-2003)

Xây dựng mô hình đại học kiểu mẫu cho quốc gia

Bóng mát của Kerr trải dài trên quang cảnh của nền giáo dục Mỹ. Hiểu biết của ông về sự xuất hiện của đa đại học, multiversity, “đã làm kết tinh cái nhìn chúng ta về những thay đổi có tính chất kiến tạo đã diễn ra tại các đại học nghiên cứu Mỹ vào giữa thế kỷ XX”. Đó là những lời Charles M. Vest, nguyên chủ tịch MIT, dành cho Kerr. Với đa đại học, hay các “thành phố của tri thức”, Kerr muốn nói đến những đại học khổng lồ như Đại học California của ông, MIT, Đại học Michigan, Chicago, Stanford, và nhiều đại học khác trong hàng chóp bu khoảng một trăm trường.

Clark Kerr sinh ngày 17/5/1911, con của một gia đình nhà nông ở bang Pennsylvania có học thức và trọng giáo dục. Trong thời gian theo học ở Swarthmore College, ông gia nhập tổ chức những người Quaker (Hội tôn giáo của những người bạn, Religious Society of Friends, mà ông trở thành thành viên suốt đời), tham gia những hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ người nghèo thời Đại suy thoái, từ đó ông bỏ ý định học luật để học kinh tế tại UC Berkeley.Ông mất ngày 1/12/2003 tại nhà riêng ở California, hưởng thọ 92 tuổi.

Sau Thế chiến II, nhiều yếu tố “thiên thời địa lợi” đã hợp lưu để đưa đại học Mỹ lên vị trí thống lãnh thế giới, bên cạnh sự thống lãnh về kinh tế: Luật GI (1944), nhằm tạo điều kiện cho binh sĩ và nhân viên phục vụ chiến tranh được bước vào đại học miễn phí để có tương lai tốt đẹp hơn; báo cáo “Khoa học - Biên giới vô tận” (1945) của cố vấn khoa học Vannevar Bush lên Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đưa nghiên cứu khoa học cơ bản về các đại học theo một chế độ hợp đồng cạnh tranh để đổi lấy tài trợ của liên bang; “baby boom” thời hậu chiến; và chiến tranh lạnh.

Để thực hiện những nhiệm vụ chiến lược trên, lịch sử đã chọn Đại học California (UC) làm mô hình mẫu, mà Clark Kerr là kiến trúc sư trưởng và người thực hiện chương trình cải tổ toàn diện có tên Quy hoạch tổng thể California cho giáo dục đại học (California Master Plan for Higher Education) những năm 1960 để cải tổ và mở rộng UC. California là bang có số dân cao nhất (và giàu nhất) với 15,7 triệu năm 1960, và đến 2010 con số này tăng lên gấp đôi. Một trong những nhiệm vụ của đại học cũng là đáp ứng sự tăng trưởng dân số đó. Nhưng tầm nhìn của Kerr không chỉ ngắn hạn, mà hướng đến thế kỷ 21.

Clark Kerr làm Hiệu trưởng của UC Berkeley từ năm 1952, rồi Chủ tịch Đại học California từ năm 1958-1967. Với 15 năm tại chức, ông đã thay đổi toàn bộ hệ thống Đại học California, biến nó thành một mô hình kiểu mẫu cho quốc gia. Đầu tiên ông hiện đại hóa đại học nghiên cứu, cho tới năm 1940 hầu hết nằm trong khu vực tư nhân phi lợi nhuận như Chicago, Columbia, Cornell, Harvard, Johns Hopkins, Pennsyvania và Yale.

Đại học California được thiết kế lại có ba khu vực: khu vực UC dành cho nghiên cứu, khu vực các state college (đại học bang), với chương trình học trung bình bốn năm, có thể lên thạc sĩ, và khu vực các community college (đại học cộng đồng) với hai năm.

Ông giữ cho số lượng sinh viên ở khu vực UC không quá lớn (dưới 30.000 sinh viên) để chúng thành những đại học nghiên cứu chứ không phải đại học giáo dục như ở một số đại học khác: Đại học bang Arizona (70.000 sinh viên), Đại học bang Ohio (64.000 sinh viên), hay Đại học Minnesota (53.000 sinh viên). Các UC cũng không thể giống nhau hết về nghiên cứu, mà cần có trọng tâm và trác việt ở đó. “Tôi ủng hộ sự đa dạng trong Đại học California. Thay vì chỉ có một hay hai campus khổng lồ, chúng ta nên có nhiều campus được phân bố khắp bang, với qui mô hợp lý, phụng sự các cộng đồng chính của bang. Mỗi một campus nên có sự khác biệt - có tính cách riêng, đặc tính riêng, và có ý thức riêng về bản sắc”, Kerr nói. Chẳng hạn UC Riverside sẽ là một đại học các môn nhân văn, UC Irvine về nghệ thuật, văn chương và khoa học, UC San Diego về khoa học và kỹ thuật, US Santa Cruz về các liên ngành v.v. Kerr cũng tổ chức theo nguyên tắc phân quyền và dân chủ hơn. Các UC trở thành một liên bang các campus dưới một chủ tịch và một ban quản trị.

Có thể tóm tắt ý tưởng của Kerr trong những dòng sau đây của ông:

Tiếp cận phổ quát cần được dành cho mọi học sinh tốt nghiệp trung học thông qua sự mở rộng của phong trào các community college.

Những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho kinh tế cần được cung cấp đặc biệt bằng cách mở rộng các state college (tầng thứ hai) bốn năm để bao gồm luôn các chương trình năm năm (nghĩa là để thêm chương trình thạc sĩ) và mở rộng chúng đến tất cả những chương trình ở trình độ này, xa hơn giáo dục giảng dạy.

Đại học California (UC) cần được bảo vệ trong chức năng nghiên cứu, đào tạo cho Tiến sĩ và cho các nghề cao hơn.Các mức độ chức năng không được phép trộn lẫn nhau - chúng dành cho những đối tượng sinh viên khác nhau, cho các thành viên giảng dạy có định hướng khác nhau, và những gói khác nhau về quy định tuyển chọn và tiến bộ của sinh viên. Những sự khác nhau này không thể được giải quyết tốt trong một bộ thể chế.

Với cách tổ chức này, thị phần sinh viên của các UC giảm từ 15% xuống 12,5%, của các state college từ 50% xuống còn 33%, số còn lại 55% thuộc về các community college, nhưng sự di chuyển từ các community college vào các state college và UC tăng nhanh (tính liên thông). Tất cả khu vực đều là những người “chiến thắng”. 

Tác phẩm Quy hoạch tổng thể California của ông đã trở thành một mô hình để thế giới nghiên cứu. Sau Thế chiến thứ hai, tại châu Âu, cái nôi của đại học, giáo dục đại học không phát triển được mạnh mẽ như tại Mỹ.

“Không phải lẽ, và cũng không ý nghĩa, nếu đem so sánh GS Clark Kerr với Nam tước von Humboldt, nhưng dù thế, ông có lẽ là người gần nhất với Humboldt mà chúng ta có được trong thế kỷ qua!” nhà nghiên cứu giáo dục đại học Thụy Điển T. Nybom viết.

Không sợ mất chức

“Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Sự nổi tiếng, vị trí đứng ngay đầu sóng giáo dục, đại biểu cho tinh thần truyền thống độc lập và tự chủ của đại học, đã khiến Kerr phải trả giá cho chính trị.

Những năm 1960, làn sóng tả của sinh viên lớn mạnh, tràn vào UC Berkeley đầu tiên vì sự thu hút đặc biệt của nó gây bất ổn. Kerr từ chối sử dụng bạo lực để trấn áp và chủ trương tự thương lượng với sinh viên, do đó đã trở thành mục tiêu loại bỏ của FBI thời J. E. Hoover.

Năm 1961, Kerr đã phát biểu bảo vệ quan điểm của mình khi ông cho phép một sinh viên cộng sản phát biểu tại đại học: “Đại học không cam kết làm cho các ý tưởng an toàn cho sinh viên. Nó cam kết làm cho sinh viên an toàn cho các ý tưởng. Do đó nó cho phép sự phát biểu tự do nhất các quan điểm trước sinh viên, tin tưởng vào tri giác tốt của họ trong việc đánh giá các quan điểm này. Chỉ bằng cách này đại học mới có thể phục vụ tốt nhất nền dân chủ Mỹ.”

Tháng 2/1967, sau khi Ronald Reagan lên làm Thống đốc bang California, Clark Kerr bị buộc tự rút lui, nhưng hai lần ông đều từ chối, buộc Hội đồng quản trị của UC sa thải ông trong đó có một phiếu của Reagan (Thống đốc là chủ tịch của Hội đồng). Kerr tuyên bố ông rời Đại học California y như lúc ông bước vào nó: “thấm lửa nhiệt tình”. Nhưng trong vòng bạn bè thân thiết, ông cảm thấy sự sa thải phũ phàng đã làm tổn thương ông.

Sau khi Kerr ra đi, bạo loạn lại nổ ra khiến một người chết, hàng chục người khác bị thương. Reagan ra lệnh đưa vệ binh quốc gia tiến vào UC Berkeley để trấn áp. Mười ngày sau, gần 1.000 người bị bắt. “Sự hòa giải, tôi tin thế, là cách tiếp cận ưu việt trong thế giới hàn lâm” chứ không phải bạo lực hoặc áp đặt, Kerr nói.

Kerr yêu tự do, hiếu hòa và cởi mở, không thích giáo điều, đúng theo tinh thần và đức hạnh của những người Quaker.

“Tôi muốn nói điều này: rằng một đại học được quản lý một phần dựa trên tự do. Một đại học không thể được quản lý như một nhà nước cảnh sát, hay ít nhất nó không thể được quản lý như một đại học tốt giống một nhà nước cảnh sát,” Kerr tuyên bố trong buổi họp báo sau khi bị bãi chức. Ông được giới báo chí nhiệt liệt tán thưởng đứng kéo dài rất lâu, một hiện tượng hiếm thấy tại một buổi họp báo.

Và một cách gián tiếp để trả lời quyền lực chính trị, ông phát biểu: “Và tôi không tin vào nguyên tắc rằng bởi vì có một thống đốc mới nên cần có một chủ tịch đại học mới. Điều này không bao giờ xảy ra tại các trường đại học công tốt ở Mỹ. Ngay cả điều đó cũng lỗi thời ở những đại học công tốt vừa phải hay yếu kém. Đó là khía cạnh tự chủ [của đại học]. Tôi tin người dân của bang này cần thấu hiểu, và tôi tin phần lớn họ làm điều đó, rằng đại học có thể phụng sự cho nhân dân tốt nhất khi được quản lý dài hạn bằng [nguyên tắc quyền] tự chủ.

Các nhóm tôn giáo đã từng chiến đấu nhiều thế kỷ để được độc lập với quyền bính chính trị, với lý do rằng họ muốn phụng sự Thiên Chúa chứ không phải phụng sự Caesar, và tôi nghĩ một đại học (cũng) cần một sự tách biệt như thế giống như sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước: sự tách biệt giữa đại học và nhà nước. Thay vì nói phụng sự Thiên Chúa chứ không phải Caesar, tôi muốn nói phục vụ chân lý chứ không phải một đảng phái chính trị.” (Kerr, Hồi ký II).

Chủ tịch Arthur Levine của Teachers College tại Đại học Columbia, viết trên New York Times một ngày sau khi Kerr mất: “Ông đã tạo ra hàng loạt cơ sở giáo dục có chất lượng với chi phí thấp và tiềm năng nghiên cứu cho một quốc gia đang khao khát cả hai thứ.”

Kerr là người không bao giờ sợ mất chức, và vì thế giữ được tính độc lập của mình để sẵn sàng nói ‘không’ hay nói ‘có’ khi mình muốn. Một con người tự tin vào tầm nhìn, sức hiểu biết và tài năng của mình thì chẳng bao giờ biết sợ cả. Ra đi, dù được các Đại học Harvard và Stanford mời, nhưng Kerr chọn vị trí là người đứng đầu của Ủy ban Carnegie về Giáo dục Đại học từ năm 1967-1973, và tiếp theo của Hội đồng Carnegie về Nghiên cứu Chính sách. Ở đó trong vòng 13 năm, ông xuất bản hơn 140 tập nghiên cứu và bình luận về giáo dục đại học có giá trị. Đó là một công trình khảo sát toàn diện nhất về giáo dục đại học chưa từng có. Ngoài ra, ông cũng cho xuất bản nhiều quyển sách của riêng ông tiếp theo Các công dụng của đại học, đặc biệt hai quyển Hồi ký vào cuối đời, đúc kết lại những trải nghiệm của ông trong thời gian hoạt động tại UC Berkeley và UC. Tất cả những bài viết của ông đều toát ra tinh thần khai sáng, tính học thuật cao và có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người đọc. Nổi tiếng nhất của ông là tác phẩm “Các công dụng của Đại học”. 2

Ông liên lạc với trí thức và học giả hải ngoại, và họ làm những cuộc ‘hành hương’ để được gặp ông. Ông được biết đến nhiều ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ La tinh, và thường xuyên được mời diễn thuyết, tham vấn, cố vấn cho các đồng nghiệp và chính phủ. Ông là thành viên của Hội đồng quản trị của Đại học Hồng Kông những năm 1960.

"Clark Kerr làm cho giáo dục đại học điều mà Henry Ford đã làm cho ngành xe hơi”, Chủ tịch Arthur Levine của Teachers College tại Đại học Columbia, viết trên New York Times một ngày sau khi Kerr mất. “Ông đã tạo ra hàng loạt cơ sở giáo dục có chất lượng với chi phí thấp và tiềm năng nghiên cứu cho một quốc gia đang khao khát cả hai thứ.”


Chú thích:

1: Xin xem thêm các bài của cùng tác giả viết về đại học Hoa Kỳ, về Clark Kerr trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 Năm (1810-2010). Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam. NXB Tri Thức, 2011; Về Clark Kerr, Các công dụng của Đại học. “Tủ sách phát triển giáo dục” và NXB Tri Thức, 2013.

2: Xem Clark Kerr, Các công dụng của Đại học như đã nói trên.