Ký sự Israel - Bài cuối: Nhấc mông lên và khởi nghiệp tỉ đô

on .

Nếu có điều gì đó học được ở Israel cần làm ngay đối với những bạn bè trẻ quanh mình thì nên là “nhấc mông lên”, làm liền và thôi đừng mơ mộng xa xôi rồi ngồi than vãn nữa.

Đến với đất nước Israel, đoàn Việt Nam chúng tôi có bốn thành viên đã chiến thắng cuộc thi Khởi nghiệp cùng Israel. Họ muốn chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ mang về từ chuyến học tập ở Israel vừa qua với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Khởi nghiệp là một công việc hết sức nghiêm túc chứ không thư giãn như nhiều người cứ nhìn vào bạn trẻ ngồi ôm máy tính ngoài quán cà phê tán dóc linh tinh. Trong ảnh là những người vừa trở về từ chuyến đi học tập tại Israel. Từ trái sang: Bùi Huy Thắng, Nguyễn Minh Thảo, Mai Trần, Nguyễn Hải Triều.

“Làm liền và thôi đừng mơ mộng xa xôi”

Nguyễn Minh Thảo, 33 tuổi, đã từng thành công với một công ty phần mềm cả trăm nhân viên ở Hà Nội vẫn quyết định gói ghém vào Sài Gòn lập nghiệp lại từ đầu. Anh thành lập công ty tên là Úm Ba La, phát triển ứng dụng nhắn tin bằng điện thoại thông minh với đoạn hội thoại tổng hợp giữa hình và tiếng. Thảo cá tính mạnh và trong khi thảo luận chọn tên của cuộc hội thảo thì cương quyết bảo vệ ý kiến: “Nhấc mông lên và khởi nghiệp tỉ đô”.

Anh bảo: “Thú thật là hôm nay vừa đàm đạo với một thằng bạn, không hiểu nó buôn cái gì mà trong lô tài sản có đến 3.200 m 2 đất ở quận 7. Nó bảo là nó chán làm mấy cái chuỗi nhà hàng rồi, nó muốn tìm cái gì đó mới mẻ ở Việt Nam để làm. Nó bảo nếu có con đường nào đưa công ty lên trị giá trên 100 triệu đô la thì mới lao vào làm. Mình bảo là: “Mày nhấc mông lên đi làm nông nghiệp đi hoặc là đi buôn nước sạch cho các bạn châu Phi đi… Nghĩ lại, thấy việc “nhấc mông lên” đúng cho bản thân nó mà cũng đúng cho bản thân mình, bản thân nó tính nhấc mông sang Hàn Quốc để học một mô hình mà nó đang mê, còn mình thì nhấc mông lên sang Israel và Mỹ để kiếm cơ hội học hỏi... Do đó nếu có điều gì đó học được ở Israel cần làm ngay đối với những bạn bè trẻ quanh mình thì nên là “nhấc mông lên”, làm liền và thôi đừng mơ mộng xa xôi rồi ngồi than vãn nữa…”.

Rồi Thảo nói say sưa về những giấc mộng thời Minh Trị của Nhật, nói về việc sao ít thấy người dám lăn xả vào khó khăn để mơ giấc mơ lớn… “Tôi nhớ hoài lúc trên đường ra sân bay, có ông tài xế người Do Thái hỏi: “Nước Việt Nam chắc nhỏ lắm hả, chưa nghe nói bao giờ”. Tôi trả lời, chỉ có gần 100 triệu dân thôi. Ổng tròn xoe mắt và nói: “Vậy Việt Nam đông gấp mười mấy lần Israel rồi. Bấy nhiêu đó thôi cũng làm mình suy nghĩ nhiều, nó giống như một cái tát vào mặt mình vậy...”.

Từ hòn đá đến những người thay đổi thế giới

Mai Trần, cô gái duy nhất trong đoàn thì chọn chủ đề Từ hòn đá đến những người thay đổi thế giới. Ý tưởng phỏng theo một bộ phim mà cả hội đã rất ấn tượng khi được xem ở Israel, nội dung giới thiệu Trường ĐH Technion nhưng lại lấy tựa là Xây dựng một đất nước từ những hòn đá. Chưa kịp 30 tuổi, cô gái này đã nằm trong danh sách đầu tư của Sillicon Valley Việt Nam với việc sử dụng công cụ hashtag (dấu thăng trong các mạng xã hội) để tăng hiệu quả tiếp thị trên mạng xã hội thông qua công cụ này. Mai bảo: “Mới đầu phim là những hình ảnh rất ảm đạm khô cằn, Israel chả có cái quái gì cả. Xong sau đó nhạc ầm ầm chen vào đó là những thành tựu khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp, phòng vệ vượt bậc mà đất nước chỉ khởi đầu bằng gạch, sỏi này đạt được nhờ những cái đầu tiên tiến, chịu thay đổi, chịu vươn mình học hỏi và tinh thần không ngừng trau dồi, đổi mới. Mình cũng cứ hay phàn nàn về việc phải vật lộn mỗi ngày trong một môi trường khởi nghiệp thiếu thốn đủ thứ nhưng người ta chứng minh được rằng chỉ có thiếu thốn thì mới tạo ra sức bật, độ cày ải và tinh thần trì chí không sợ thất bại thôi…”.

Còn Bùi Huy Thắng, một chàng trai tốt nghiệp ở Nga về, đã có nhiều năm làm các ứng dụng cho các công ty công nghệ lớn trên thế giới thì đang ráo riết xây dựng bản thử nghiệm của một website kết nối các startup với các công ty có điều kiện giúp đỡ về chỗ làm việc tại văn phòng, huấn luyện và chia sẻ kinh nghiệm. Thắng bảo việc Israel thành công không phải do họ thông minh tự nhiên mà có. Quá trình hình thành một con người Do Thái là trải qua nhiều giai đoạn phát triển và mỗi giai đoạn đều hỗ trợ tích cực cho kết quả cuối. Tuy nhiên, việc học tập theo cách làm từ gốc thì với chúng ta rất mất thời gian. Thay vào đó có thể áp dụng ngay một số việc như kết nối với nhau nhiều hơn, khuyến khích mọi người giao lưu, chia sẻ và tương tác. Sức mạnh của cộng đồng luôn được người Israel phát huy tối đa. Chúng ta cũng nên học cách đi tìm những ý tưởng khởi nghiệp ở ngoài không gian Internet, cụ thể là tìm các vấn đề trong đời sống, ở nông thôn… Bài học khởi nghiệp Israel cho thấy không phải là làm cái gì mà là giải quyết vấn đề gì cơ mà. Và tôi nghĩ một điều rất đáng suy nghĩ là phải mở mang đầu óc nhiều hơn thông qua việc đi đây đó nhiều hơn để có thể nhìn ngắm thế giới.

Tự tạo áp lực cho mình

Nguyễn Hải Triều, mọi người gọi vui là “già làng” vì anh là thành viên lớn nhất trong đoàn. Gần 40 tuổi, Hải Triều từng giữ vị trí hàng đầu của nhiều công ty công nghệ trước khi nhảy ra làm YouNet Media, một hệ thống theo dõi và phân tích thương hiệu, tiếp thị và người dùng trên mạng xã hội. Từng “chinh chiến” nhiều, cũng không còn quá trẻ để nhìn mọi thứ đều màu hồng nữa, Triều chia sẻ: “Israel có nhiều thứ hay. Nhưng thứ hay nhất là khả năng tự tạo áp lực cho bản thân các bạn khởi nghiệp bên đó. Họ chỉ có một con đường là làm cho bằng được, nếu làm không được thì họ cũng sẽ phải đóng cửa dự án sao cho nhanh nhất để còn có sức lực và thời gian tiếp tục làm cái mới nữa cho đến khi thành công…”.

Trên Facebook của họ có một đoạn video clip ghi lại trao đổi của ông Jon Medved - Tổng Giám đốc công ty đầu tư vốn cho khởi nghiệp lớn nhất Israel OurCrowd mang một thông điệp thú vị: “Bây giờ chuyện đầu tư tiền bạc vào các dự án không còn nằm trong tay của những người đàn ông mặc đồ đẹp ngồi trong phòng họp nữa, đã có một không gian khác, nơi mà những ý tưởng khởi nghiệp có thể làm thay đổi một phần nhỏ của thế giới, của xã hội được chuyển lên Internet. Mỗi người đều có thể góp bàn tay của mình vào đó, chẳng hạn với vài ngàn đôla là trở thành một nhà đầu tư thiên thần. Thay vì chúng ta đầu tư bất động sản hay chứng khoán thì có thể bắt đầu làm thay đổi thế giới đi là vừa…”.

Đất nước Israel chỉ với 8 triệu dân nhưng có đến:

- Hơn 60 lồng ấp/tổ chức thúc đẩy kinh doanh (incubators/accelerators) hỗ trợ cho các khởi nghiệp.

- Rất nhiều tổ chức, trường học, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp khác.

- 5.000 khởi nghiệp đang “hoạt động” với các tên tuổi lớn không những đã gọi vốn mà còn exit thành công.

Tất cả “yếu tố” trên tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh giúp các startups có điều kiện làm việc tốt nhất, hoàn thiện và đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất, cũng như tăng cơ hội tìm kiếm đầu tư với mức độ thành công cao nhất...

TRẦN NGUYÊN